Đầu năm đi chùa cần chú ý điều gì?

Khi đến chùa chiền đầu năm, phải giữ thái độ nghiêm túc, đi lại và nói năng nhẹ nhàng, cư xử đúng mực.

Những ngày này, các chùa chiền rất đông người đến vãn cảnh, đi lễ đầu năm. Đây cũng là nét đẹp từ ngàn đời nay của người dân Việt Nam. Đi chùa đầu năm để được thanh tịnh tâm hồn, cầu mong sức khỏe, may mắn trong năm mới cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, khi đi chùa đầu năm cần phải lưu ý những điều dưới đây để giữ được sự tôn nghiêm.

Mấy năm gần đây, mỗi dịp đầu năm, mọi người lại nói về hình ảnh phản cảm của các bạn trẻ đi chùa mặc quần, váy quá ngắn. Vì vậy, khi đi lễ chùa phải chọn trang phục nghiêm túc, màu sắc bình dị trang nhã như đen, trắng, ghi, xám, tối màu, không nên mặc những quần áo có màu sắc quá lòe loẹt. Đặc biệt, các bạn nữ không mặc váy ngắn, quần ngắn hơn đầu gối, kín đáo. Còn các bạn nam, có thể mặc comple, quần áo bình thường, không mặc quần bò rách, xẻ...

Khi đến chùa chiền, phải giữ thái độ nghiêm túc, đi lại và nói năng nhẹ nhàng, cư xử đúng mực. Nếu đi thành nhóm không cười đùa, trêu chọc nhau phá vỡ sự thanh tịnh, tôn nghiêm nơi cửa Phật. Dùng từ ngữ trang nghiêm, không nói hỗn láo, văng tục...

Trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước tam bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát. Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực Phật điện, tam bảo.

Khi đi lễ chùa, điều đầu tiên cần chú ý là thái độ nghiêm túc, sự thành tâm. Còn việc sắm lễ không có quy định chung nào, tùy theo hoàn cảnh gia đình và bản thân để có cách sắm lễ phù hợp. Theo truyền thống, lễ vật khi đi chùa là hương, hoa tươi, quả, oản, xôi chè...Tuyệt đối khi đi đến đền chùa không mang đồ mặn như thịt bò, thịt lợn, giò, chả...

Ứng xử có văn hóa

Khi đi qua cổng tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này.

Sau đó, du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì Chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền lưu nên khi vào chùa phải theo lệ. Khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chếch sang một bên. Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy,… và xưng mình là con.

Xưng hô như vậy tức là nhìn thấy tăng mà tưởng nhớ thầy Thích Ca Mâu Ni, mình xưng hô như vậy là đang xưng hô với Đức Thích Ca. Nếu nhà sư đó là thầy hướng dẫn mình tu tập thì xưng hô là thầy thì ngoài ý nghĩa trên còn mang nghĩa là thầy dạy học đạo. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.

Đi lễ chùa đầu năm, nhiều người thường mang theo tiền lẻ mới. Theo thông lệ ngày xưa, khi đi đền chùa chỉ mang theo tiền rất ít gọi là tiền giọt dầu. Hiện nay, nhiều người đặt tiền lẻ ở khắp nơi, không đúng nơi quy định. Bạn có thể đặt vào hòm công đức hoặc nơi quy định.

Khi bước vào nhà chính của đền, chùa, không được đi vào từ cửa giữa, mà phải đi vào từ hai cửa bên, đồng thời không được dẫm lên bậu cửa. Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.

Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy. Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Tùy vào từng môn phái, có thể đứng/quỳ khi làm lễ nhưng cần phải lên trước.

Vũ Minh
(Theo Congluan)

Xem thêm: Theo chân người đàn ông leo thác đóng băng

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/xa-hoi/dau-nam-di-chua-can-chu-y-dieu-gi-20160210172411503.htm