Dấu hiệu các bệnh về tuyến giáp ở phụ nữ

PNO - Nhận biết dấu hiệu của những căn bệnh về tuyến giáp không phải là một vấn đề đơn giản nếu chỉ xem xét ở các biểu hiện bên ngoài cơ thể.

Thông thường, xét nghiệm máu là yêu cầu bắt buộc để bạn biết được liệu tuyến giáp trong cơ thể có hoạt động tốt hay không. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm, các bác sĩ mới đánh giá được các triệu chứng và đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất.

Ảnh: Abcnews.go.com

Vai trò của tuyến giáp

Tuyến giáp nằm bên dưới cổ, ngay phía trước thanh quản. Cơ quan này tiết ra các hóc-môn, thông qua các mạch máu sẽ được vận chuyển đến từng tế bào và mỗi cơ quan trong cơ thể. Với kích thước nhỏ bé, chỉ khoảng 5cm, tuyến giáp có chức năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, giữ cho não bộ luôn minh mẫn, giúp tim đập nhịp nhàng và duy trì sự hài hòa giữa các cơ quan trong cơ thể một cách cơ bản.

Ảnh: Livestrong.com

Các bệnh về tuyến giáp xuất hiện là do tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc đang bị suy giảm. Nếu tuyến giáp không tiết đủ hóc-môn để máu hấp thu, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm hoạt động của tuyến giáp. Hậu quả là các chức năng của cơ thể sẽ hoạt động chậm lại, có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm hơn như mức cholesterol tăng cao và những rắc rối ở tim. Những triệu chứng ban đầu của tình trạng suy giảm hoạt động của tuyến giáp có thể bao gồm:

- Mệt mỏi

- Tăng cân

- Không chịu được lạnh

- Tóc khô và bị rụng

- Những rắc rối về trí nhớ

- Dễ cáu gắt và trầm cảm

- Mức cholesterol tăng cao

- Nhịp tim chậm hơn bình thường

- Táo bón hoặc tình trạng ruột hoạt động chậm chạp

Ngược lại, nếu tuyến giáp tiết ra quá nhiều hóc-môn, các chức năng của cơ thể sẽ đẩy nhanh tốc độ hoạt động. Tình trạng này được gọi là sự hoạt động quá mức của tuyến giáp với triệu chứng gồm:

- Tăng cân

- Không chịu được nóng

- Sự hoạt động quá thường xuyên ở ruột

- Run

- Nóng nảy và dễ cáu

- Tuyến giáp bị phình to

- Rối loạn giấc ngủ

- Mệt mỏi

Những căn bệnh về tuyến giáp rất khó chẩn đoán

Ảnh: Webmd.com

Mặc dù xét nghiệm máu có thể dễ dàng xác định được lượng hóc-môn tuyến giáp mà bạn có trong cơ thể, nhưng các bác sĩ thường không nghĩ đến việc kiểm tra mức hóc-môn TSH (một loại hóc-môn do tuyến yên tiết ra, có nhiệm vụ điều hòa sự bài tiết của các hóc-môn của tuyến giáp) hoặc kiểm tra các mức hóc-môn khác của tuyến giáp vì những triệu chứng của một rắc rối về tuyến giáp có thể rất giống với các triệu chứng của nhiều căn bệnh khác.

Theo bác sĩ Stuart M.Weiss, chuyên gia nội tiết và là trợ lý giáo sư thuộc Trường ĐH New York, Hoa Kỳ thì “có rất nhiều căn bệnh khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và bị rụng tóc nhưng nếu các kỹ thuật viên xét nghiệm không kiểm tra các chỉ số về tuyến giáp để có thể chẩn đoán bệnh thì khó mà cho rằng nguyên nhân gây bệnh là do tuyến giáp. Điều tệ hơn nữa là các bác sĩ thường không đồng ý với những kết quả xét nghiệm máu về các vấn đề có liên quan đến tuyến giáp".

Tìm kiếm những chẩn đoán vững chắc cho các căn bệnh về tuyến giáp

Ảnh: Ongo.com

Trong khi các bác sĩ vẫn còn tranh cãi để xác định mức độ bình thường của các hóc-môn do tuyến giáp tiết ra, thì các phòng xét nghiệm vẫn căn cứ dấu hiệu đặc trưng thông qua kết quả xét nghiệm mức hóc-môn TSH được xác định ở mức “cao” và các chỉ số khác chỉ ở mức “bình thường”. Tuy nhiên, chẩn đoán chính xác nhất không chỉ nên dựa vào kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân, mà còn phải căn cứ vào các triệu chứng trong tiền sử bệnh án của họ kèm theo việc nhận biết những nhân tố nguy hiểm gây ra tình trạng hoạt động quá mức hoặc suy giảm hoạt động của tuyến giáp. Những triệu chứng nguy hiểm của các căn bệnh về tuyến giáp bao gồm:

- Tiểu đường hoặc những bệnh tự miễn dịch khác

- Có tiền sử đã được điều trị bằng phương pháp xạ trị ở vùng tuyến giáp

- Tiền sử gia đình đã có người bị bệnh về tuyến giáp

- Những thay đổi về hóc-môn như những người đang mang thai hoặc mãn kinh

- Giới tính: khoảng 80% các trường hợp mắc những căn bệnh về tuyến giáp là phụ nữ.

- Tuổi: tỷ lệ mắc bệnh suy giảm hoạt động của tuyến giáp sẽ gia tăng theo tuổi tác và tỷ lệ này ở những phụ nữ đã mãn kinh cao hơn những người trẻ tuổi.

Ảnh: Infobarrel.com

Một cuộc kiểm tra y khoa là yêu cầu quan trọng để các xét nghiệm viên tìm kiếm những dấu hiệu về mặt vật lý của các rắc rối từ tuyến giáp như tình trạng bất thường xuất hiện ở mí mắt - triệu chứng đầu tiên để nghi ngờ bệnh nhân đang mắc chứng hoạt động quá mức của tuyến giáp. Bác sĩ sẽ kiểm tra mạch, sờ và tìm kiếm những phần phình to hoặc những khối u nhỏ (có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến giáp). Ngoài ra, còn cần tiến hành lấy máu, siêu âm ở tuyến giáp để tìm ra những điều bất thường. Thông thường, chỉ sau khi kiểm tra toàn diện, bác sĩ mới đưa ra chẩn đoán và bắt đầu việc điều trị.

Phương pháp điều trị tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp bao gồm “đốt cháy” tuyến giáp bằng thuốc i-ốt phóng xạ và/ hoặc dùng thuốc chống lại sự hoạt động quá mức của tuyến giáp. Phương pháp điều trị bằng phóng xạ có thể chữa được căn bệnh khi các hóc-môn tuyến giáp được tiết ra nhưng chúng sẽ khiến hoạt động tuyến giáp bị suy giảm về sau. Điều này đòi hỏi bệnh nhân phải kiên nhẫn sử dụng thuốc bổ sung hóc-môn tuyến giáp nhân tạo để cung cấp đủ lượng hóc-môn tuyến giáp mà cơ thể cần. Đây cũng là phương pháp chủ yếu để điều trị bệnh suy giảm hoạt động của tuyến giáp.

Nếu lo ngại rằng mình đang gặp phải những khác thường về tuyến giáp, bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá các triệu chứng và tiến hành xét nghiệm máu nhằm đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất. Đối với những phụ nữ đang ở trong độ tuổi tiền mãn kinh, việc kiểm tra này là điều rất cần thiết.

HỒNG XUÂN (theo Everydayhealth.com)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2011/Pages/dau-hieu-cac-benh-ve-tuyen-giap-o-phu-nu.aspx