Dấu ấn Hà Nội qua những công trình nổi tiếng

Những công trình kiến trúc độc đáo đã trở thành một phần không thể thiếu của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Nhà hát Lớn

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, đầu phố Tràng Tiền, gần hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp, có cách tổ chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh... giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20.

Mặc dù là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong. Ra đời muộn hơn các nhà hát ở Sài Gòn và Hải Phòng, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của thành phố Hà Nội

Đại học Tổng hợp

Nằm trên phố Lê Thánh Tông, ĐH Tổng hợp Hà Nội (cũ) là một trong những công trình tiêu biểu của trường phái kiến trúc Đông Dương, do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế năm 1926.

Tên gọi ban đầu của trường là ĐH Đông dương, sau đó chuyển thành ĐH Tổng hợp và bây giờ là ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Kiến trúc công trình có hai điểm đáng chú ý, đó là đã sử dụng những chi tiết kiến trúc bản địa, giải quyết tốt bài toán vi khí hậu kiến trúc trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm và các không gian sảnh được thiết kế rất đẹp.

Chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân hình thành năm 1889 do người Pháp lập nên sau khi bồi lấp dòng chảy của sông Tô Lịch và sông Hồng. Nằm trong tổng Đồng Xuân nên chợ có tên là Đồng Xuân. Trước kia, người ta coi chợ Đồng Xuân là cái "dạ dày" của Hà Nội, sản vật các vùng miền đều đưa về bán ở đây.

Khi người Pháp xây dựng cầu Long Biên thì buôn bán phát triển nhanh do có vị trí đắc địa về đường bộ, đường thủy và đường sắt. Năm này qua năm khác, chợ Đồng Xuân ngày càng phát triển trở thành điểm thăm thú của người dân Hà thành và người nơi khác đến Hà Nội.

Chợ Đồng Xuân, trải qua bao thăng trầm, ngày nay vừa lưu giữ được kiến trúc đẹp, cổ kính lại vừa mang vóc dáng hiện đại. Chợ Đồng Xuân là niềm tự hào của người Hà Nội, không những lớn về tầm vóc quy mô, mà còn lớn ở sự lan tỏa văn hóa, đồng thời là một nhân chứng của lịch sử Thăng Long Hà Nội, mãi là một địa chỉ trân trọng không thể thiếu cho những lớp người Hà Nội về cả phương diện thương mại lẫn văn hóa.

Nhà thờ Lớn

Nhà thờ Lớn tọa lạc tại số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Công trình kiến trúc đặc sắc này nằm trên một khu đất rộng, liền kề với Tòa Tổng giám mục Hà Nội, Đại chủng viện Hà Nội, Dòng Mến Thánh giá Hà Nội.

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở Châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bồi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc.

Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông trên hai tháp

Cầu Long Biên

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng được xây từ thời Pháp thuộc. Cầu có cấu trúc tương tự cầu Tolbiac ở Quận 13, Paris, Pháp và người thiết kế chính là cha đẻ của tháp Eiffel. Cầu Long Biên không chỉ là cây cầu sắt nhiều tuổi nhất Việt Nam mà đây còn là nơi in dấu ấn nhiều chiến công trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Phủ Chủ tịch

Phủ Chủ tịch là nơi làm việc của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tòa nhà nằm trong khuôn viên của khu Phủ chủ tịch, gần lăng Hồ Chí Minh và quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Theo thiết kế ban đầu dành cho phủ toàn quyền Đông Dương, mặt bằng của tòa nhà được thiết kế đối xứng, có một khối lớn ở giữa và hai khối ở hai bên.

Tòa nhà này có hai tầng chính đặt trên một tầng đế, trên cùng là một tầng sát mái. Tầng đế là một tầng nửa hầm xây nổi, có kẻ mạch vữa giả đá thường thấy trong kiến trúc cổ điển Pháp, đặt các phòng phục vụ, tầng hai vốn là phòng khách, phòng làm việc và phòng đại tiệc. Tầng ba là những phòng riêng và nơi ở của toàn quyền.

Giống nhiều kiến trúc thuộc địa Pháp cùng thời, nó có phong cách hoàn toàn Châu Âu. Yếu tố Việt Nam duy nhất trong khu vực là các cây xoài trồng ở vườn xung quanh.

Bưu điện Hà Nội

Bưu điện Hà Nội được thực dân Pháp thành lập từ năm 1884, ngay sau khi triều Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng, chấp nhận chế độ bảo hộ. Vị trí của Bưu điện Hà Nội là nền chùa Báo Ân cũ. Bốn dãy nhà hai tầng được dựng lên, phía bắc tiếp giáp với phố Lê Thạch, mặt chính là phố Đinh Tiên Hoàng, phía nam là phố Đinh Lễ, còn phần hậu của bưu điện là Bắc Bộ phủ. Công trình có kiến trúc đơn giản, cầu thang gỗ, phía trên lợp ngói ardoise màu đen.

Ngay sau khi tiếp quản thủ đô vào sáng 10/10/1954, công việc bàn giao Bưu điện Hà Nội được tiến hành theo thỏa thuận trước đó. Mặc dù đã thống nhất phải để lại nguyên trạng Bưu điện Hà Nội, nhưng một số thiết bị tại đây đã bị phá hủy, một số khác bị người Pháp mang đi và trên thực tế chỉ còn một tổng đài điện thoại 1.500 số với gần 600 thuê bao.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm giữa 2 mặt phố, số 1 Tràng Tiền và số 1 Phạm Ngũ Lão - Hà Nội, được thành lập ngày 3/9/1958 trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất của Bảo tàng Louis Finot (bảo tàng được xây dựng từ năm 1926, trưng bày về nghệ thuật phương Đông), là nơi lưu giữ bảo quản và phát huy tác dụng những di sản văn hóa của dân tộc từ thời tiền sơ sử đến Cách mạng tháng Tám (1945).

Hệ thống trưng bày của bảo tàng được trình bày trên diện tích 2.200 m2, với hơn 5000 hiện vật, gồm nhiều sưu tập đặc sắc sắp xếp theo tiến trình lịch sử giới thiệu cho công chúng truyền thống dựng nước và giữ nước cũng như lịch sử văn hóa rực rỡ của dân tộc Việt Nam.

Bài đọc nhiều:

> Sạt lở bờ sông đe dọa nhiều nhà dân ở Hà Nội

> Điểm danh 41 tên đường phố mới được đặt ở Hà Nội

> TP HCM: Sạt lở 4 phòng trọ, 6 người thoát chết

> Du khách "hết hồn" khi qua đường ở Hà Nội

> TP HCM: Vẫn "đau đầu" với cảnh loạn số nhà

Hà Thủy (TH)

Nguồn Dothi.net: http://dothi.net/doi-song-do-thi/19451/dau-an-ha-noi-qua-nhung-cong-trinh-noi-tieng.htm