Đất nước rạng ngời sau 30 năm đổi mới

Sau hơn 70 năm giành độc lập, tự do, 30 năm đổi mới, sau 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc thành công tốt đẹp, cả dân tộc đã và đang chuyển mình đi lên mạnh mẽ. Trong không khí giao hòa trời đất, xuân Bính Thân này, đất nước ta đứng trước một vận hội mới: Chắt lọc tinh hoa cho phát triển mạnh giàu.

Những mốc son kinh tế

Trong môi trường nhiều biến động của thế giới, Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định về chính trị xã hội, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đó. Có những giai đoạn như từ 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó. Đặc biệt, trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhiều quốc gia tăng trưởng âm thì GDP giai đoạn 2011 – 2015 của Việt Nam vẫn đạt 5,9%/năm (trong đó năm 2015 ước đạt 6,68%), được coi là mức cao của khu vực và thế giới.

Tính đến cuối năm 2015, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 2.300 USD. Những nỗ lực đổi mới trong 30 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước. Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển. Từ chỗ cả nước còn thiếu ăn nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới...

Từ năm 1986 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng đều qua các năm. So với năm 1986 thì kim ngạch xuất khẩu năm 2013 tăng gấp khoảng 167 lần (132,2 tỷ USD). Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường 220 nước và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục. Nước ta có vị thế ngày càng lớn trong xuất khẩu hàng hóa toàn cầu và được xếp vào nhóm 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, thậm chí là có xuất siêu hàng tỷ USD/năm. Tính đến hết năm 2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 312,87 tỷ USD, tăng 10,3% (tương ứng tăng 29,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014.

Văn hóa xã hội phát triển vượt bậc

Chặng đường vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng tính đa dạng của văn hóa, quyền tự do sáng tạo của người hoạt động văn hóa - văn nghệ. Nhờ vậy, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đã được phát huy, gìn giữ. Sự phát triển văn hóa đã góp phần quan trọng tạo không khí dân chủ, cởi mở hơn, dân trí được nâng cao, tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người được phát huy, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Nhiều phong trào, cuộc vận động về văn hóa đạt kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa được mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Sau 30 năm đổi mới, ngành Y tế nước ta cũng đã giành được những thành tựu to lớn và quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việt Nam luôn là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch bệnh khi khống chế thành công dịch SARS và nhiều dịch bệnh nguy hiểm, không để bùng phát thành dịch lớn như: Cúm A/H5N1, H1N1… đã thanh toán được các bệnh như: Bại liệt, phong, uốn ván sơ sinh và các bệnh nhiễm trùng. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, lao… đã giảm từ 10 đến 100 lần so với giai đoạn trước đây nhờ thực hiện thành công Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong bà mẹ và tử vong trẻ sơ sinh… Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam xếp vào loại cao trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí cao hơn hẳn so với các nước có cùng mức thu nhập. Công tác chữa bệnh cũng có nhiều kết quả đáng tự hào. Nhiều kỹ thuật cao lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam như ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư, sử dụng rô-bốt trong mổ nội nhi khoa, phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ trong thay và sửa van tim, vá các dị tật trong tim...

Ba mươi năm qua, ngành Giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển cả về quy mô và chất lượng. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2.000; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I năm 2014; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010. Tính đến năm 2015, đã có 32 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Trong 4 năm gần đây, 100% học sinh tham gia các cuộc thi quốc tế đều đoạt giải. Cụ thể, từ năm 2000 đến năm 2015 đoạt 101 huy chương vàng, 169 huy chương bạc, 174 huy chương đồng và 43 Bằng khen.

An ninh quốc phòng vững chắc

“Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” là một trong những vấn đề quan trọng được đề cập trong Văn kiện Đại hội XII và là một trong 6 nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong nhiệm kỳ tới. Trong văn kiện Đại hội XI, Đảng ta ghi rõ "Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" nhưng đến Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII, vấn đề này được nhấn mạnh thêm cụm từ "trong tình hình mới" thành "Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới". Điều đó cho thấy, quốc phòng, an ninh là những lĩnh vực quan trọng luôn được Đảng ta đề cập trong các văn kiện Đại hội Đảng. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, những nhận định, đánh giá, định hướng chính sách trong các lĩnh vực này có sự bổ sung, phát triển mới. Đảng, Nhà nước và toàn dân là chủ thể bảo vệ Tổ quốc.

Ba mươi năm qua, chúng ta đã bảo vệ vững chắc thành trì CNXH, bảo vệ hiệu quả những thành quả cách mạng của dân tộc. An ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững, vai trò của các lực lượng chuyên chính được nâng cao. Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới: Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND và CAND là nòng cốt. Nhận thức, quan điểm nêu trên đã chỉ rõ vai trò chủ thể trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó là kết quả đổi mới về nhận thức đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chiến lược đến năm 2020...

Hội nhập quốc tế sâu rộng

Ba mươi năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập quốc tế về mọi mặt của nước ta với việc thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế.

Các thành tựu đáng chú ý như việc tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN với dấu mốc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ngày 31/12/2015 và hoàn thiện cơ chế thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Cho đến nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương (gồm 06 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN; 4 FTA đàm phán với tư cách là một bên độc lập); vừa hoàn tất đàm phán 2 FTA (Liên minh châu Âu và TPP); đang tích cực đàm phán 3 FTA khác (ASEAN – Hồng Kông; EFTA; RCEP). Việc tham gia ký kết và đàm phán tham gia các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, nhất là đến nay Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giầy.

Năm 2016 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta. Đây là năm đầu tiên chúng ta triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bước vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, công tác đối ngoại trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ như: Quán triệt triển khai và vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và chủ động tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện các mục tiêu, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tập trung vào phát triển kinh tế của đất nước; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng với các nước. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ đó, chúng ta cần xây dựng các chương trình hành động cụ thể trong các quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng. Bước vào thời kỳ hội nhập mới, sau khi chúng ta đã tham gia và sắp tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP), với Liên minh châu Âu... Trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, phổ biến cập nhật thông tin đầy đủ tới cộng đồng các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ những cơ hội, thách thức khó khăn để tận dụng cơ hội, biến những thách thức thành những thuận lợi nhằm triển khai thành công hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hội nhập trong lĩnh vực khác.

Các bác sỹ Việt Nam cũng có bước thành công đột phá trong kỹ thuật ghép nội tạng từ người sống và người cho chết não, mang lại triển vọng tốt đẹp cho chuyên ngành ghép tạng. Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới có nền Y học cổ truyền phát triển và Đông Tây y được kết hợp và triển khai rộng khắp từ trung ương đến trạm y tế xã.

(Ảnh trong bài: Đất nước trên con đường phát triển và hội nhập. Ảnh: T.L)

Tường Minh/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dat-nuoc-rang-ngoi-sau-30-nam-doi-moi-20160129112952396.htm