Đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao ở Hưng Yên

ND - Những năm qua, tỉnh Hưng Yên luôn luôn quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

Tạo môi trường thuận lợi cho công tác đào tạo nghề Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mật độ dân số đông, nguồn lao động dồi dào, với hơn 80% số dân sống ở khu vực nông thôn. Nhiều năm qua, phát huy tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông..., tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. Tính đến năm 2010, tỉnh quy hoạch 14 khu công nghiệp (KCN); trong đó, có năm KCN đã đi vào hoạt động, thu hút 813 dự án đầu tư trong nước và ngoài nước, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 44 nghìn tỷ đồng và hơn 1,2 tỷ USD. Tỉnh đã có 475 dự án đi vào hoạt động, góp phần quan trọng đưa Hưng Yên từ một tỉnh nông nghiệp đang trở thành tỉnh công nghiệp, với nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006-2010 ước đạt hơn 11,2%/năm. Trong quá trình phát triển, Hưng Yên luôn luôn quan tâm công tác đào tạo nghề, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao trình độ phát triển, sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong nền kinh tế. Theo đó tỉnh áp dụng các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở vật chất, hồ sơ, thủ tục... để các nhà đầu tư, các nhà trường đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Xã hội hóa công tác đào tạo nghề, nhất là tạo mối liên kết giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Huy động các nguồn vốn đầu tư cho dạy nghề, xây dựng quỹ hỗ trợ đào tạo nghề với sự đóng góp của doanh nghiệp... Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đoàn Văn Hòa cho biết: Những chính sách hỗ trợ phát triển đào tạo nghề ở Hưng Yên đã bước đầu phát huy hiệu quả. Mạng lưới, quy mô đào tạo được mở rộng, từ chỗ chỉ có vài trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề khi tái lập tỉnh, đến nay đã có 37 cơ sở. Trong đó, có hai trường đại học, bảy trường cao đẳng, sáu trường trung cấp nghề, hai trường đào tạo nghề ngắn hạn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học được đầu tư cải thiện; các cơ sở đã tham gia đào tạo hơn 50 ngành nghề phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương. Số lượng và chất lượng đào tạo nghề từng bước được nâng cao. Năm 2010, đào tạo khoảng 45 nghìn người, trong đó đào tạo dài hạn khoảng năm nghìn người. Trong giai đoạn 2006-2010, Hưng Yên đào tạo nghề khoảng 170 nghìn người, trong đó khoảng 70% đào tạo cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên khoảng 40%. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Khu đô thị đại học Phố Hiến ở Hưng Yên. Khi đề án này hoàn thành sẽ tạo sự phát triển mang tính đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực Bắc Bộ trong tương lai. Đào tạo nghề phát triển giúp tỉnh Hưng Yên giải quyết được hàng chục nghìn việc làm mới mỗi năm, góp phần chuyển dịch số lượng lớn lao động ở khu vực kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Từ chỗ lao động nông nghiệp năm 2006 chiếm hơn 62,5% tổng số lao động của tỉnh, nay giảm xuống còn khoảng 53%; lao động trong khu vực công nghiệp - dịch vụ tăng dần, chiếm khoảng 47%. Sự chuyển biến về chất trong cơ cấu lao động của tỉnh đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Nhu cầu lao động chất lượng cao Mặc dù đào tạo nghề phát triển, chất lượng lao động từng bước được cải thiện, nhưng số dự án đầu tư đi vào hoạt động ngày càng nhiều, cho nên nhu cầu lao động, nhất là lao động kỹ thuật trình độ cao trong các KCN ngày càng lớn đã dẫn đến hiện tượng "cung" chưa đáp ứng "cầu". Ông Đỗ Tuấn Cảnh, phụ trách nhân sự Công ty nội thất Hòa Phát cho biết: Hiện công ty đang mở rộng sản xuất cần tuyển thêm hàng trăm lao động kỹ thuật, nhưng rất khó tuyển. Về vấn đề nguồn cung ứng lao động, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đình Hiệp nhận xét: Trên thị trường đang thiếu hụt lao động kỹ thuật cao. Đơn vị chúng tôi đã đến tất cả các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh để tuyển người nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp; thậm chí cả lao động phổ thông đôi lúc cũng khó tuyển. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do công tác đào tạo chưa bắt kịp sự phát triển của công nghiệp. Tỷ lệ lao động được đào tạo dài hạn, trung cấp, cao đẳng hằng năm ở địa phương còn thấp, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lao động được đào tạo; trong khi đó, lực lượng lao động đào tạo ngắn hạn, chuyển giao công nghệ lại chiếm tỷ lệ lớn, dẫn đến trình độ kỹ năng chuyên sâu của phần lớn lao động chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của các doanh nghiệp. Một vấn đề quan trọng khác là tâm lý một bộ phận lao động trẻ hiện nay thích theo học đại học, hoặc các trường thuộc khối kinh tế; chưa quan tâm theo học các trường, lớp đào tạo nghề. Vì thế, nhiều cơ sở đào tạo nghề không tuyển đủ học sinh theo chỉ tiêu, đào tạo mất cân đối ngành nghề... Đào tạo nghề phục vụ CNH, HĐH Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,5%/năm, chất lượng cơ sở hạ tầng được cải thiện, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh, tỷ lệ lao động ở khu vực nông nghiệp giảm xuống dưới 30%... Để thực hiện các mục tiêu nói trên, nguồn nhân lực được đào tạo phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hào cho biết: Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đang nỗ lực nâng cao năng lực đào tạo nghề với nhiều giải pháp như tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, triển khai tốt Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, xã hội về vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đa dạng hóa biện pháp tư vấn, thông tin về thị trường lao động, ngành nghề đào tạo, hình thức và nơi học nghề, xu thế phát triển nghề và các thông tin có liên quan. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, thành lập mới trung tâm dạy nghề ở một số huyện, bổ sung thêm chức năng dạy nghề cho các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm hướng nghiệp tổng hợp ở các huyện, thành phố. Tỉnh tăng cường đầu tư hỗ trợ cơ sở đào tạo nghề nâng cấp trang thiết bị, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đào tạo, học nghề gắn với giải quyết việc làm; xây dựng và thực hiện tốt mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm với các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đào tạo, sử dụng lao động. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật lao động đối với đơn vị sử dụng lao động, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động sinh sống và làm việc... Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề; đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu đô thị đại học Phố Hiến, giao mặt bằng sạch và cơ chế thông thoáng cho dự án đầu tư của các trường vào Khu đô thị đại học; coi đây là điểm đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=180412&sub=127&top=39