Đạo đức nghề nghiệp trong sản xuất, kinh doanh

ND - Hằng năm, vào dịp đầu tháng Tám âm lịch, trẻ em ở mọi miền đất nước lại háo hức đón chào ngày rằm để được phá cỗ Trung thu. Ngoài hoa quả, trong mâm cỗ ấy không thể thiếu các loại bánh Trung thu truyền thống. Mọi gia đình, dù không dư giả, cũng đều cố gắng sắm sửa mâm cỗ cho cháu cho con.

Có cầu ắt có cung, cứ đến dịp Trung thu, các cơ sở chế biến và sản xuất bánh Trung thu lại hoạt động khá sôi động, từ đó ra đời các loại bánh với những kiểu dáng, chất liệu và hương vị phong phú, mẫu mã đa dạng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu, túi tiền của người tiêu dùng. Đã có một số cơ sở chế biến, sản xuất bánh Trung thu tạo được uy tín và thương hiệu trên thị trường nhờ các tiêu chí ấy. Tuy nhiên, lại có một số cơ sở sản xuất vì lợi nhuận đã tận dụng dịp này để làm ra những chiếc bánh trong điều kiện rất thiếu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Những biểu hiện thường thấy là: cơ sở sản xuất bố trí ở nơi không bảo đảm vệ sinh; nguyên liệu phơi cạnh đường đi lối lại; bánh được làm từ nguyên liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; rồi người làm bánh không được khám sức khỏe, không được trang bị đồ bảo hộ; sản phẩm không ghi hạn sử dụng,... Điều đáng nói là hầu hết các loại bánh sản xuất từ các cơ sở này lại được chuyển tới các vùng kinh tế còn khó khăn. Người dân ở đó chấp nhận mua bánh rẻ tiền và kém chất lượng về cho cháu con vui tết trông trăng. Và như thế, việc làm của các cơ sở sản xuất này không chỉ là trục lợi, vi phạm luật pháp mà còn là có liên quan tới đạo đức và văn hóa kinh doanh. Bất cứ doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nào khi đã tổ chức sản xuất và kinh doanh đều cố gắng thu lợi nhuận cao, nhưng có rất nhiều cách thức để vừa bảo đảm uy tín, chất lượng, vừa hạ giá thành sản phẩm. Trên thực tế, lối làm ăn chụp giật, không quan tâm tới vệ sinh, chất lượng sản phẩm,... đã không chỉ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn làm ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất có uy tín. Nguy hại hơn, còn góp phần làm băng hoại đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, làm mất lòng tin của người tiêu dùng với các sản phẩm truyền thống trong nước. Bấy lâu nay, các sở y tế vẫn tổ chức những đợt học tập, tuyên truyền, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở sản xuất; các đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã được thành lập để kiểm tra đột xuất, xử phạt và đình chỉ những cơ sở sản xuất vi phạm. Tuy nhiên, với mức xử phạt quá nhẹ và do sự lơ là giám sát của các cấp chính quyền địa phương, cho nên khi đoàn kiểm tra vừa đi khỏi tình trạng vi phạm lại tái diễn. Tăng cường các biện pháp quản lý và giám sát, tăng mức độ xử phạt vi phạm, kiên quyết đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không đáp ứng điều kiện sản xuất là những biện pháp mạnh để giảm bớt hiện tượng tiêu cực tại các cơ sở sản xuất. Thiết nghĩ, vấn đề then chốt nhất vẫn là nhận thức của nhà sản xuất, là đạo đức của họ trong hoạt động kinh doanh. Chạy theo lợi nhuận, bất chấp hậu quả đối với người tiêu dùng, xét đến cùng là việc làm phi đạo đức, làm giảm uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước. Vì thế, các chủ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất cần nhận thức rằng, việc thực hiện những quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm không đơn thuần là yêu cầu bắt buộc mà còn cần được thực hiện một cách tự nguyện, vì đó là hành vi đạo đức, thể hiện tính văn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh - một tiêu chí quan trọng, cần thiết đối với xã hội và với chính doanh nghiệp.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=157301&sub=56&top=38