Đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm: Lòng khoan dung lớn dần sau mỗi va chạm, sau mỗi chuyến đi

“Căm ghét một ai là mình khổ trước đấy, mới thoáng nhìn, thoáng nghe tên người ta mình đã hằn học, cau có rồi, là mình khổ trước đấy. Có được sự khoan dung là có được sự bình an cho chính mình…”, Nguyễn Thị Thắm nói.

Cảnh trong phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.

Lòng khoan dung có chung khuôn mặt

Trọn một năm, từ tháng 3.2014 - 3.2015, con đường chu du của bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã qua nhiều liên hoan phim tại nhiều quốc gia.

“Trong 12 tháng, cùng “chị Phụng” qua 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước và sau mỗi chuyến đi, chị chuẩn bị và nhặt được cho mình được điều gì?”. Thắm mỉm cười: “Tôi là người không chịu sự áp lực bởi suy đoán trước về sự đón nhận của bộ phim ở nơi phim sẽ chiếu. Có lẽ tôi là một người rất “sến”, nên đi đâu cũng quan tâm đến tình cảm con người. Ở Pháp, tại Lille, buổi chiếu với khán giả chỉ có 40 - 50 người, chủ yếu cộng đồng người Việt tại Pháp, xúc động như buổi họp mặt gia đình vậy…

Trước khi tới Indonesia, tôi nghĩ đơn giản, những người theo đạo Hồi khá khắt khe với những người đồng tính và chuyển giới (LGBT)… Chuyến đi đến đảo Sumbawa (Indonesia) là một chuyến đi tình cảm vô cùng, tôi gặp những người bạn Indonesia hồn nhiên, rất nghệ sĩ, nồng hậu. Mặc dù bộ phim của tôi không đông khán giả, nhưng chuyến đi khiến tôi cảm thấy mình được tươi mới lại. Ở đảo Bali, và thủ đô Jakarta, phần lớn khán giả trẻ, đón nhận phim của tôi nồng nhiệt hơn.

Ở Myanmar, tại Yangoon, phim được chiếu ở hai rạp, cho hai tầng lớp khán giả hoàn toàn khác nhau. Tôi ngạc nhiên, buổi chiếu đầu tiên, rất đông những người bình dân, lao động như chạy xe ba gác, xe ôm,… vào xem phim. Sau buổi chiếu, nghe khán giả đặt ra câu hỏi, tôi rất xấu hổ cho chính mình vì đã mắc bệnh “nhìn hình thức bên ngoài đánh giá con người”. Người Myanmar là những khán giả nhiệt tình.

Đến Phần Lan, vào mùa đông. Mặc dù biết người Bắc Âu đằm tính, ít thể hiện cảm xúc, nhưng thoạt tiên, tôi hơi… thất vọng vì khi xem phim, khán giả ít tỏ thái độ, phản ứng như ở một vài nước Châu Âu khác. Nhưng sau buổi chiếu, mọi người từ tốn, xếp hàng, lần lượt tới bắt tay chúc mừng tôi. Một vị trong Ban tổ chức cũng ngạc nhiên vì tình cảm người Phần Lan dành cho tôi, bảo “phim của chị đã chạm vào người xem, kích thích họ đủ để họ can đảm bộc lộc cảm xúc…”

“Như vậy, khác nhau về địa lý, lịch sử, văn hóa, cách được nuôi dưỡng, lòng khoan dung trong mỗi con người ở mỗi quốc gia được bộc lộ một cách khác nhau, nhưng cốt lõi, lòng khoan dung vẫn có chung một khuôn mặt?” “Nghệ thuật kết nối con người với nhau, tôi cảm nhận được sự khoan dung của người xem với phim, nhân vật của phim là như nhau, dù cách biểu hiện khác nhau”.

Khoan dung để bình an cho chính mình

Kỷ niệm tròn một năm phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” chính thức ra rạp ở trong nước, đầu tháng 12.2015, Hãng phim Xanh tổ chức hai buổi chiếu bán vé ở Idecaf. Khán phòng không còn chỗ trống. Thắm “run rẩy” xúc động mua một cái bánh kem thật to mang tới chia vui.

Sao chị có thể làm được một phim Thật như thế, vì sao đoàn hát hội chợ phức tạp của những người đồng tính ấy lại có thể mở lòng như thế với chị, chấp nhận và thân thiện như vậy với chị, phải chăng đoàn hát đồng tính ấy nhìn thấy ở chị sự khoan dung nên mới đón nhận chị?

- Khi tôi còn nhỏ, nhìn thấy họ, như nhiều người, tôi cũng sợ và có chút cảnh giác. Khi trưởng thành, sau những tiếp xúc với xã hội, tôi thấy mình có thể gần họ, cảm thông và hiểu họ…

Sự khoan dung trong một con người cũng phải được nuôi nấng, nhen nhóm, tích tụ qua thời gian?

- Thời gian, môi trường sống cũng làm thay đổi tâm tính con người ta chứ. Mầm thiện/ác, trong con người “ẩn náu”. Tôi cũng nghĩ là phần nhiều do giáo dục mà nên. Sống trong môi trường ác thì thành ác, thiện thì thành thiện, lòng khoan dung, khi có điều kiện là nảy nở...

Năm 2009, tôi gặp đoàn hội chợ, tức là sau 5 năm tôi bước ra đời, va chạm với xã hội, nhiều thành phần khác nhau, rõ ràng trong quá trình va chạm ấy, mình mở mang thế giới quan của mình. Quan trọng hơn là mình, một thân một mình vào Sài Gòn, nhận được quá nhiều sự giúp đỡ, bao dung của mọi người. Tôi nghĩ, những con người, những số phận tôi gặp ở Sài Gòn đã khiến tôi cảm thấy mình được hướng thiện.

Nói không phải tự khen, tôi, về tự nhiên là người lành tính. Nhưng từ nhỏ, sống trong môi trường tập thể của công trường thủy điện, đâu đó, cũng phải chứng kiến những bất cập, đấy là một tập thể, trong đó có tệ nạn xã hội, những cảnh hàng xóm căm ghét nhau, bố mẹ mình phải chịu cực thế nào. Tôi thú nhận: Lúc đó trong lòng tôi khởi lên một sự hằn học... Chính vì thế khi đi thi đại học, tôi đâm đơn cả vào Học viện Hành chính quốc gia với suy nghĩ đơn giản là tốt nghiệp Học viện này, “bèo” cũng làm... sếp, có chút chức vị nào đó, như trưởng thôn chẳng hạn, có chút quyền hành để hành hạ lại những người đã có lúc đối xử không tốt với mình và gia đình mình. Tốt nghiệp đại học, mơ ước tôi đơn giản - ra trường, đi làm, kiếm tiền cho mình, có nhà.

Trước khi vào Sài Gòn, tôi hay nhìn nhận, nghĩ theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn, ích kỷ, tính toán chi li, cũng là xuất phát từ điều kiện sống của mình. Từ Đắc Lắk xuống Sài Gòn, tôi luôn được căn dặn phải dè chứng, cẩn thận.

Tới khi vào Sài Gòn, môi trường tiếp xúc rộng, gặp nhiều người ở các vùng đất khác nhau, nhận ra được, gặp người tốt, va chạm với nhiều người tốt, mầm thiện cứ lớn dần. Tôi gặp toàn người tốt, từ những người bạn cùng ở trọ, trong khóa học điện ảnh Varan. Tôi đã gặp được những con người quá tốt với tôi, vị tha vì tôi, họ bao giờ cũng nghĩ cho tôi trước khi nghĩ cho họ, cả về tinh thần lẫn vật chất, điều này khiến tâm tính, con người tôi hoàn toàn thay đổi. Và cũng là nhờ thông qua lớp học Varan - lớp học điện ảnh tài liệu trực tiếp.

Làm phim, hay nói rộng hơn, làm nghệ thuật cũng là một cách thực hành lòng khoan dung?

- Tôi nghĩ thêm, ở chiều ngược lại, chính vì trong cuộc sống nếu gặp nhiều cái tốt điều này sẽ nuôi dưỡng việc làm phim.

Có thể thực hành lòng khoan dung bằng cách sau: Không thích một người nào đó, quyết định làm phim về người đó, để đặt mình vào vị trí người ta, thông cảm hơn với người ta, sẽ có thể trở nên khoan dung hơn?

- Trước kia, ai đó cư xử không tốt với tôi, tôi sẵn sàng xửng cồ, cắt đứt quan hệ, sau lưng họ cũng thốt lên vài câu tức tối. Sau khi làm phim, thực sự tôi không còn cư xử như vậy nữa. Tới giờ, trong các mối quan hệ khi bị “gãy”, vỡ, (tình bạn, quan hệ công việc) tất nhiên tôi rất buồn, nhưng không còn cảm giác hằn học, mà tưởng tượng đặt mình vào vị trí người ta, nghĩ, chắc phải có lý do gì đó, người ta mới cư xử như thế, nghĩ được thế, thấy nhẹ lòng, thanh thản, không còn cay cú suy nghĩ “ăn miếng trả miếng”…

Có nhà văn khuyên thế này “Hãy thương lấy họ. Họ ra nông nỗi ấy, họ trở nên ác độc vậy vì họ không được yêu thương”. Nhưng nếu “họ” là người ích kỷ, cứ muốn được nhận nhiều hơn nữa, thì chị có thể mãi khoan dung? Chị có nhận thấy điều này trong quá trình đi làm phim trước đây và hiện giờ?

- Có chứ. Con người ta trở nên cay nghiệt, ghen ghét vì họ không được yêu thương. Như trong đoàn hội chợ, ngoài những người như chị Phụng, có những con người lang bạt, thiếu thốn tình cảm, họ chịu sự khắt khe của xã hội, họ nghèo khó, nhưng khi họ được yêu thương, có cơ hội để yêu thương, tính tình họ trở nên dịu hiền hơn. Chúng tôi tới, gặp họ, dành tình cảm cho họ, được đáp lại vô cùng xứng đàng… Trao cho con người ta tình cảm chân thành và trong sáng thì rõ ràng nhận lại được tình cảm như vậy…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/dao-dien-tre-nguyen-thi-tham-long-khoan-dung-lon-dan-sau-moi-va-cham-sau-moi-chuyen-di-516600.bld