Đánh giá của Moody's gây khó cho VN huy động vốn ngoại

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Moody's hạ định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam có thể gây khó khăn cho Việt Nam trong việc huy động vốn từ thị trường quốc tế, khiến nền kinh tế và thị trường nợ Việt Nam trong năm 2011 có thể có một bước khởi động không mấy thuận tiện.

Ngày 15/12, hãng định mức tín nhiệm Moody’s Investors Service đã cắt giảm định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam, từ mức Ba3 về mức B1. Những lý do mà Moody’s đưa ra cho động thái đánh tụt điểm tín nhiệm này là rủi ro gia tăng về cán cân thanh toán, lạm phát tăng tốc, và gánh nặng nợ nần tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Theo đó, triển vọng mà Moody’s dành cho hạn mức tín nhiệm nợ mới của Việt Nam là “tiêu cực”. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Trọng Nhi, Moody's là một trong 3 cơ quan đánh giá kinh điển của thế giới, bên cạnh Fitch và Standard & Poor's, nên thiết nghĩ chúng ta không cần phải bàn về tính chuyên nghiệp hay khách quan trong các bảng đánh giá của họ. Cuối năm 2009, hãng này cũng từng hạ điểm tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam. Với việc hạ định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ của Việt Nam mới đây, về khuynh hướng sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc huy động vốn từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên khó khăn như thế nào còn tùy vào từng chương trình và vấn đề cụ thể. Một lãnh đạo của Moody's cũng từng nói về hệ quả của việc hạ điểm này: vụ không trả nợ của Vinashin đối với nước ngoài sẽ làm tổn thương khả năng huy động vốn với lãi suất thấp từ các thị trường quốc tế cho những nhu cầu xây dựng hạ tầng. "Theo tôi nhận thấy, ngay từ bây giờ và trong quý đầu tiên của năm 2011, dòng và nguồn vốn từ thị trường nợ quốc tế vào thị trường Việt Nam sẽ khó hơn và phải trả lãi suất cao hơn. Nói một cách khác, năm 2011 nền kinh tế và thị trường nợ Việt Nam sẽ có một bước khởi động không mấy thuận tiện và mất nhiều sức hơn", tiến sĩ Nhi nói. Bên cạnh hạ điểm tín nhiệm nợ quốc gia, lần này Moody’s đã hạ điểm tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ của 6 ngân hàng thương mại khác. Điều này cho thấy thường có mối quan hệ cộng hưởng rất mật thiết trong việc hạ điểm tín nhiệm nợ quốc gia và tín nhiệm hệ thống ngân hàng của quốc gia đó, đặc biệt với những nền kinh tế còn yếu như Việt Nam. Về ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trong nước, việc hạ điểm tín nhiệm từ mức đầu cơ xuống mức rủi ro – có nghĩa là ở dưới mức đầu tư, thì không những thị trường sẽ phản ứng giảm điểm, mà còn có hiệu ứng tạm thời rút vốn khỏi thị trường. Song xu hướng này chỉ là tức thời hay kéo dài, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc Moody’s cắt giảm định mức tín nhiệm của trái phiếu Chính phủ Việt Nam, là hoàn toàn có cơ sở. Những chuyện bất ổn về kinh tế, tài chính vẫn diễn ra, tăng trưởng không bền vững, nợ công tăng nhanh, biến động lãi suất, một số doanh nghiệp nợ đến hạn không trả được… Việc đánh giá này có thể khiến trái phiếu Chính phủ Việt Nam khó phát hành, và giá cổ phiếu một số ngành sụt giảm. Trước đó, hồi cuối tháng 6, Moody’s cũng từng đánh giá và công bố kết quả xếp hạng đối với Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Theo đó, các kết quả xếp hạng của tổ chức này về SHB như sức mạnh tài chính ngân hàng, tiền gửi nội, ngoại tệ… đều ổn, riêng xếp hạng tiền gửi ngoại tệ ngắn và dài hạn cũng bị đẩy về mức B1. Theo quan điểm của Moodys, các nhân tố hạn chế của SHB là tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, rủi ro về tập trung tín dụng cao, dự phòng rủi ro tín dụng còn thấp, và các đặc thù mang tính thách thức của môi trường hoạt động tại Việt Nam... Về việc hạ định mức tín nhiệm đối với tiền gửi ngoại tệ từ mức B1 xuống B2, đồng thời hạ một đến hai bậc xếp hạng tín dụng cơ sở và xếp hạng sức mạnh tài chính ngân hàng đối với 6 ngân hàng lớn của Việt Nam, từ chối đưa ra bình luận, song ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), một trong những ngân hàng được Moody’s đánh giá, cho rằng, đối tượng đánh giá của Moody’s đã có chọn lọc những tổ chức tín dụng uy tín, hoặc tổ chức đó chủ động mời hãng này đánh giá, chứ không phải hãng đánh giá tất cả ngân hàng ở Việt Nam và chỉ có 6 ngân hàng trên bị hạ định mức tín nhiệm. “Việc hạ định mức tín nhiệm các ngân hàng này chủ yếu xuất phát từ việc hạ định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam, và có nguyên nhân từ rủi ro gia tăng về cán cân thanh toán, lạm phát tăng tốc, gánh nặng nợ nần tại Vinashin… Chúng tôi sẽ có bản thông cáo báo chí diễn giải cụ thể về việc đánh giá của Moody’s gửi đi trong tuần này”, ông Toại nói. Còn đại diện Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), một trong 6 ngân hàng được đánh giá, cho biết, BIDV là Ngân hàng Việt Nam đầu tiên thuê Moody’s đánh giá xếp hạng trong hơn 5 năm qua. Ngoài Moody’s, nhà băng này cũng đã thuê Standard & Poor's xếp hạng BIDV từ năm 2010. Vị này còn khẳng định: “Việc công bố kết quả xếp hạng của Moody’s không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của BIDV nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung”. Trong những năm qua, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp với các Tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Standard&Poor’s (S&P) và Fitch Ratings để đánh giá hệ số tín nhiệm của Việt Nam. Trong năm 2007 - 2008, Moody’s đã xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam là Ba3 với mức triển vọng là “ổn định”. Đến cuối năm 2008, do tình trạng khủng hoảng và suy giảm kinh tế chung của kinh tế toàn cầu, nên nhiều quốc gia đã bị đánh tụt hạng tín nhiệm. Vì thế, hệ số tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2009 là Ba3. Năm 2009, mặc dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng tốt, GDP đạt 5,32%, lạm phát kiềm chế ở mức 6,5%, và được Moody’s đánh giá hệ số tín nhiệm ở mức triển vọng là ổn định. Đông Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Danh-gia-cua-Moodys-gay-kho-cho-VN-huy-dong-von-ngoai/201012/123106.datviet