Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận

Đặc điểm nổi bật trong mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là:

“Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”. Điều đó được khẳng định trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó cũng được luật hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân Ảnh: HOÀNG LONG Về thực chất, đó là mối quan hệ giữa giai cấp với dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, nhưng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân đông đảo. Đảng lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội mới do mình làm chủ. Sự nghiệp ấy chỉ có thể được thực hiện bằng sức mạnh của cả dân tộc, bằng đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, theo quan điểm của Người, đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng nhất đảm bảo thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Quán triệt quan điểm trên, từ khi mới thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản, là động lực chủ yếu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn chăm lo đến chính sách, tổ chức và công tác Mặt trận. Qua quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, nhân dân ta ngày càng thấm thía: Nếu không có Đảng Cộng sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện lãnh đạo cách mạng thì không có Cách mạng tháng Tám thắng lợi, không có kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thành công, không có công cuộc đổi mới như ngày hôm nay. Vì vậy, nhân dân ta thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam. Sự thừa nhận đó là khách quan, không tùy thuộc vào bất kỳ ý muốn và sức mạnh chủ quan nào, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo” (1) Ngược lại, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn những người cộng sản Việt Nam : “Gốc có vững, cây mới bền., Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” 80 năm qua, nhận thức sâu sắc trách nhiệm lớn lao của mình trước vận mệnh của dân tộc, của Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua được nhiều ghềnh thác hiểm nghèo là nhờ ở sự đồng tâm, hiệp lực của nhân dân Việt Nam anh hùng, thông minh và đầy lòng quả cảm, nhờ ở Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã gắn bó keo sơn với Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng, lúc khó khăn sóng gió cũng như khi thắng lợi vẻ vang; cùng Đảng tập hợp toàn dân dưới ngọn cờ đại nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Một trong những bài học lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đúc kết trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam là: Muốn cách mạng thành công phải phát động được đông đảo quần chúng tham gia. Đảng lãnh đạo cách mạng chứ không thay dân làm cách mạng. Đảng đứng trong nhân dân, trong giai cấp công nhân, trong Mặt trận để lãnh đạo, không thể đứng ngoài và tuyệt đối không đứng trên để lãnh đạo. Sức mạnh vĩ đại của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Là tổ chức chính trị, chắc chắn nhất, cách mạng nhất, là bộ tham mưu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc, Đảng lãnh đạo xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, đồng thời lại là thành viên của Mặt trận Đảng lãnh đạo Mặt trận trước hết bằng việc xác định chính sách Mặt trận đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng. Muốn lãnh đạo Mặt trận, lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết, Đảng phải thực sự đoàn kết thống nhất. Đoàn kết trong Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Sự đoàn kết trong Đảng càng được củng cố thì đoàn kết dân tộc càng được tăng cường. Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân tạo nên nội lực mang tính quyết định của cách mạng Việt Nam để vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù đi đến thắng lợi cuối cùng. Những yếu tố cơ bản để xác định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận là Đảng có đường lối, chính sách đúng và có năng lực lãnh đạo. Muốn đường lối, chủ trương, chính sách Mặt trận đúng đắn cần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Đã có được chủ trương, đường lối đúng thì điều quan trọng là Đảng phải có năng lực tổ chức lãnh đạo để biến chủ trương, đường lối đó thành hiện thực trong cuộc sống. Như vậy, Đảng lãnh đạo là thực hiện vai trò tiên phong của mình bằng việc đề ra đường lối, chính sách, bằng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, bằng tổ chức kiểm tra, bằng việc bố trí cán bộ và phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận là tất yếu khách quan, là vấn đề có tính nguyên tắc, đảm bảo cho Mặt trận không ngừng được củng cố và mở rộng. Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua Đảng đoàn. Điều quy định này rất quan trọng. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thì Đảng đoàn phải nghiêm túc chấp hành theo đúng Điều lệ Đảng. Song đối với Mặt trận, hiệp thương dân chủ là một nguyên tắc làm việc quan trọng. Mọi vấn đề đều phải thông qua hiệp thương dân chủ để đi đến nhất trí. Căn cứ vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Đảng đoàn nêu vấn đề Mặt trận cùng nhau bàn bạc, thông qua hiệp thương dân chủ để xây dựng chương trình hành động chung của Mặt trận. Qua hoạt động thực tiễn cho thấy có những việc nhân danh Mặt trận để tiến hành thì thuận hơn; hiệu quả chính trị - xã hội rõ hơn là nhân danh Đảng. Cũng có trường hợp, Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua đại diện của tổ chức Đảng tham gia Ủy ban Mặt trận, trực tiếp trình bầy chủ trương của Đảng và kiến nghị với Mặt trận những vấn đề cần bàn bạc, phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đó. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng việc chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và giới thiệu những đảng viên có phẩm chất, có uy tín, có năng lực làm công tác Mặt trận để Mặt trận lựa chọn theo đúng Điều lệ. Lãnh đạo Mặt trận, điều quan trọng nhất là lãnh đạo sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, nhất là sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền. Thực tế đã chỉ rõ sự phối hợp giữa các tổ chức thành viên, nhất là giữa Mặt trận với chính quyền thường rất khó nếu như người lãnh đạo Mặt trận không phải là Phó Bí thư hoặc Ủy viên Thường vụ. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận cần khắc phục hai khuynh hướng sau: 1. Xem nhẹ công tác Mặt trận và tổ chức Mặt trận, ít quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, khoán trắng cho những đảng viên được phân công làm công tác Mặt trận. 2. Bao biện, làm thay, hạn chế tính chủ động và hoạt động sáng tạo của tổ chức Mặt trận, không phát huy được vai trò của Mặt trận trong đời sống chính trị - xã hội. *** Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam” và: “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”. Là thành viên của Mặt trận, Đảng không chỉ có trách nhiệm phải thực hiện mọi nghĩa vụ mà Điều lệ MTTQ Việt Nam đã quy định như mọi thành viên khác, mà hơn thế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng phải là thành viên hoạt động nhất, gương mẫu nhất. Đại diện cấp ủy Đảng tham gia Ủy ban Mặt trận có trách nhiệm sinh hoạt đầy đủ, chủ động trình bày các chủ trương và những kiến nghị của Đảng đối với Mặt trận, đồng thời lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các thành viên, đối thoại, thuyết phục, thực hiện hiệp thương dân chủ và thống nhất hành động. Các cấp ủy Đảng phải giáo dục, vận động đảng viên gương mẫu thực hiện chương trình hành động chung của Mặt trận đã được các thành viên thỏa thuận. Bác Hồ thường nhắc: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Sự gương mẫu của Đảng trong mọi hoạt động của Mặt trận có tác dụng thúc đẩy các thành viên khác noi theo và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ Việt Nam thực hiện tốt sự nghiệp tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyễn Túc Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam (1) Những sự kiện lịch sử Đảng - Tập 1 NXB Sự thật Hà Nội 1976 trang 472

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=19313&menu=1501&style=1