“Dằn vặt” - phòng tranh đương đại Việt Nam ra mắt tại Paris

Các bức tranh đa phần bằng chất liệu sơn dầu bđã phản ánh sự trăn trở trước hiện thực cuộc sống.

Chiều 6/2, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris (Pháp) phối hợp với Hiệp hội Pháp ngữ Paris đã làm lễ khai trương phòng tranh đương đại mang chủ đề "Dằn vặt" của nhóm 4 họa sỹ trẻ Việt Nam: Lê Hoài Anh, Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Nguyên Mạnh và Nguyễn Văn Hồ. Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Đăng Giang, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng đông đảo đại biểu khách mời Pháp và Việt kiều.

Trong diễn văn khai mạc, ông Nguyễn Thành Vượng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, nhấn mạnh đến ý nghĩa của phòng tranh, coi đây như một phần của hoạt động giới thiệu với thế giới các tác phẩm đương đại của lớp họa sỹ trẻ, một bộ phận của hội họa Việt Nam. Ông Vượng cũng đề cao sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Hiệp hội Pháp ngữ Paris...với Trung tâm để ra mắt phòng tranh này.

Cuộc triển lãm với chủ đề "Tourmente" (Dằn vặt ) bắt đầu từ ngày 6/2 và sẽ kéo dài cho đến 28/2. (Ảnh: vi.rfi.fr)

Tiếp đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Pháp ngữ Paris đã giới thiệu tổng quan về các bức họa của từng họa sỹ tham gia phòng tranh. Ông nhấn mạnh ảnh hưởng mạnh mẽ của nền hội họa Pháp tới sự hình thành và phát triển của nền hội họa đương đại Việt Nam với sự thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương cách đây trên 100 năm, với sự truyền bá các trường phái hội họa hiện đại như trường phái ấn tượng, trường phái lập thể... đồng thời đề cao sự thể hiện bản sắc Việt Nam trong việc hấp thụ nền hội họa tân tiến thế giới, và hy vọng Việt Nam sẽ có những tác phẩm mang tầm thế giới.

Với chủ đề quán xuyến "Dằn vặt", các bức tranh, đa phần bằng chất liệu sơn dầu, với đối tượng và cách thể hiện đa dạng, đã phản ánh sự trăn trở trước hiện thực cuộc sống. Trong gam mầu trầm chủ đạo, nặng tính trừu tượng, những hình người, vật, khung cảnh... trong các bức tranh hoặc thể hiện sự cô đơn, giằng xé nội tâm, hoặc phản ánh một tâm trạng bi quan, bất bình trước những đảo lộn của thiên nhiên, sự ô nhiễm của môi trường, nỗi ám ảnh của bạo lực và chiến tranh. Nhiều bức tranh cũng thể hiện thái độ phê phán cuộc sống phù hoa đô thị và những thú vui, sinh hoạt xô bồ, phản cảm...

Trao đổi về việc tổ chức phòng tranh, các họa sỹ Lê Hoài Anh, Nguyễn Xuân Hoàng coi đó là một cái duyên tình cờ, với sự giới thiệu của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và sự giúp đỡ của Hiệp hội Pháp ngữ Paris. Các họa sỹ coi đây là dịp để tiếp cận, giao lưu với công chúng yêu hội họa và nền mỹ thuật đương đại Pháp.

“Trong loạt tranh được giới thiệu lần này, đa số các bức là các chân dung, thể hiện những cảm xúc của con người. Nhà tổ chức đã thấy chúng toát lên một cái gì đó như sự dằn vặt và trao đổi bàn bạc (chủ đề) với chúng tôi. Chúng tôi thấy cũng đúng và đồng ý”, họa sỹ Lê Hoài Anh chia sẻ về chủ đề của phòng tranh.

Hai vợ chồng ông bà Jacques và Catherine Paumier, là những người yêu văn hóa Việt Nam, bày tỏ sự thích thú khi lần đầu tham quan một phòng tranh đương đại của các họa trẻ Việt Nam.

Ông Jacques Paumier nhận xét: “Đã có sự thể hiện rất khéo léo các chi tiết trong các bức tranh, khi thì khá cổ điển, khi thì hiện đại nên mối liên hệ đó rất thú vị. Điều tôi thấy ấn tượng nữa là tính trào phúng trong các bức tranh này”.

“Tôi bao trùm các bức tranh là sự phấp phỏng lo âu, tâm trạng sầu muộn, sự nuối tiếc những gì đã qua. Và một số bức phản ánh điều gì đó như bạo lực trong thảm họa”, Bà Catherine Paumier bày tỏ cảm xúc./.

Thái Dương/VOV-Paris

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/dan-vat-phong-tranh-duong-dai-viet-nam-ra-mat-tai-paris-477961.vov