Dân công sở ùn ùn “đi buôn” hàng Tết

Nỗi lo thực phẩm bẩn khiến dân Việt đưa cái gì vào mồm cũng lo. Bởi vậy, cận Tết, các bà nội trợ lại càng cất công tìm mua thực phẩm sạch. Thế nên, tranh thủ nhà ở quê sản xuất được nông sản, dân công sở cũng tập tọng buôn bán các mặt hàng Tết cho nhà mình, thậm chí cho cả nhà hàng xóm. Từ cam canh, ổi cho đến bánh chưng, gà sạch…

Từ nhà trồng được…

Sẵn vườn nhà có mấy sào cam canh, lại nghe các chị trong văn phòng than thở mua nhầm cam canh Trung Quốc bị ủng, hoặc cam Việt cũng bị các thương lái yêu cầu chủ vườn hái xuống và đào ngay cạnh gốc cây một hố nước pha chất bảo quản để nhúng cam nên Minh Hương mới mạnh dạn rao khe khẽ rằng vườn nhà em trồng cam canh, đảm bảo sạch. Vậy là mọi người nhao nhao đăng ký khiến mấy tuần giáp Tết, cứ thứ bảy, chủ nhật là cô lại chạy xe về nhà ở Thanh Miện, Hải Dương để thồ vài chục kg cam canh sạch nhà trồng theo đơn đặt hàng của các chị em trong công ty. Tuy giá cao hơn thị trường với 40 nghìn đồng/kg, vỏ cam cũng không được mỏng nhưng yên tâm về nguồn gốc nên “khách quen” của Hương đặt hàng tơi tới khiến trời mưa rét mà cô cũng vẫn cất công đi 40 cây số về nhà lấy cam giao hàng theo đúng “thỏa thuận”. Đặc biệt, đúng đợt cúng ông Công ông Táo năm nay, dân tình đặt hàng cũng kha khá nên cô gái trẻ đành nhờ gia đình gửi xe chuyển lên, tính thêm tiền ship vào giá thành, nhưng cũng không khách nào kêu ca.

Cùng ở Hải Dương, lại đúng địa danh ổi Thanh Hà, cùng quê với ca sĩ Lệ Rơi nên mỗi lần về quê, An Nhiên thường mang ổi ra làm quà cho mọi người trong văn phòng. Quyết định “đi buôn” ổi của cô đến rất tình cờ khi mọi người khen ổi của nhà cô ăn ngon và nhờ mẹ Nhiên gửi ổi ra bằng đường xe khách. Vậy là mấy tháng cận Tết, cô gái đã biết cách rao hàng trên facebook và được mọi người “like” nhiệt tình, đặt hàng hồ hởi. Thậm chí, có người đặt cả hơn chục cân để ăn trong Tết và chia cho gia đình, người thân. Ai cũng yên tâm về nguồn gốc xuất xứ từ ổi nhà trồng, bởi Nhiên cho biết từng quả ổi sạch đều được bọc cẩn thận bằng nilon ngay từ khi mới ra trái.

Đến “đi buôn” hộ

Khác với Hương và Nhiên, chị Trương lại làm một công việc liên quan đến việc kiểm tra chất lượng nông sản, vì thế, năm nào gia đình, họ hàng nhà chị cũng được biếu những món đặc sản địa phương do chị đã “test” sản phẩm và mang về làm quà. Do mọi người truyền tai nhau về những món đặc sản chị hay mua tặng mà rất nhiều người bắt đầu nhờ mua hộ những món thực phẩm Tết ngon và yên tâm nguồn gốc xuất xứ. Thế nên, năm nay, chị Trương đánh hẳn một xe ô tô măng lá về Hà Nội, vừa để biếu, vừa để bán với giá 220 nghìn đồng/kg măng sạch, trong khi giá ngoài chợ khoảng 300 nghìn đồng/kg.

Trong khi đó, để giúp đỡ một nông dân Lý Sơn lặn lội mang tỏi, hành ra tận đất thủ đô “kêu cứu”, anh Quốc cũng tất bật vừa đi làm, vừa kiêm chân cân hành, tỏi, ship hàng giúp chàng nông dân Phạm Văn Thắm bán hết mấy tấn hành tỏi trước Tết. Hiện tại, anh Quốc đang giao 45 nghìn đồng/kg hành và 75 nghìn/kg tỏi. Đặc biệt, dịp cận Tết, hành tím muối xổi rất hợp với bánh chưng và các món ngấy trong Tết nên mấy ngày cuối tuần qua, anh Quốc nhận đơn đặt hàng tơi tới mà chạy không xuể.

Lướt facebook dịp này, không khó để tìm thấy lời rao bán gà sạch, bánh chưng sạch hay các loại thực phẩm “tự trồng”. Thậm chí, đã có nữ nhà báo, dù viết lách nhiều mà khi “rao hàng” trên mạng hộ hàng xóm, chị Hằng Thu vẫn còn thấy “chưa nuột”. Cụ thể, gà mơ, gà ri, gà trống, gà còn sống và bán cả lông, chị Thu bán với giá là 120kg/kg với chú thích “Gà được nuôi thả ở đất Tuyên Quang (toàn gái xinh bón thóc và ngô cho gà ăn) và vùng lân cận”. Cẩn thận hơn, chị còn ghi chú cả công mổ (đi thuê): 10k/con. “Vận chuyển từ Tuyên Quang xuống Hà Nội: 50k/lần gửi ô tô. Nếu lấy từ 5 con trở lên thì chia phí 10-15k/người, còn ít hơn thì em bao tất. Gà sẽ được mổ từ chiều hôm trước, cấp đông qua đêm và sẽ gửi xe vào sáng hôm sau, chiều là sẽ đến tay mọi người, kịp cho bữa tối”. Cũng bởi không phải dân buôn chuyên nghiệp nên chị Hằng Thu cũng chưa nghĩ ra cách nào để ship hàng tới từng người từ bến xe Mỹ Đình, chỉ “tiện đường em sẽ đưa hoặc nếu nhiều nơi thì sẽ liên hệ dịch vụ ship 20k/điểm”.

Ngoài ra, chị Hằng Thu cũng “bán hộ” cả những mặt khác như bánh chưng: 30-35 nghìn đồng/chiếc (lấy tại Thường Tín), giò lụa: 110-120 nghìn đồng/kg (Hưng Yên)…

Với dân công sở, “đi buôn” dịp Tết, ngoài chuyện có thêm thu nhập thì niềm vui mang được những thực phẩm sạch đến cho người thân quen cũng khiến họ có thêm động lực “buôn bán”.

Xem thêm:

Thuận Thục

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-thi-truong/dan-cong-so-un-un-%e2%80%9cdi-buon%e2%80%9d-hang-tet