Đàm phán TPP: DN dệt may cần phối hợp chặt chẽ

(HQ Online)- Dệt may là một ngành rất được quan tâm trong quá trình đàm phán Hiệp định Xuyên Thái Bình dương (TPP).

Triển lãm nguyên phụ liệu tại Hội chợ quốc tế ngành công nghiệp dệt may 2012.Ảnh N.H

Tại hội thảo" Những thay đổi cần thiết của dệt may Việt Nam nhằm chuẩn bị tốt cho việc tham gia TPP tổ chức tại TP.HCM vừa qua, ông Lê Quốc Ân, Cố vấn cao cấp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thành viên nhóm công tác của Vitas tham gia đàm phán Hiệp định TPP cho biết, dệt may là một ngành rất được quan tâm trong quá trình đàm phán TPP.

Tuy nhiên, việc đàm phán các điều khoản trong lĩnh vực dệt may giữa Việt Nam và Mỹ đang gặp không ít khó khăn. Trong đó điều khoản gây tranh cãi nhiều nhất liên quan đến quy tắc xuất xứ các sản phẩm dệt may XK.

Theo đó, yêu cầu từ phía Mỹ đưa ra là các sản phẩm dệt may Việt Nam XK vào Mỹ được hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng được các quy tắc về sợi.

Tuy nhiên nếu các quy tắc này được áp dụng thì chỉ có rất ít các DN XK dệt may có khả năng đáp ứng do ngành dệt nhuộm của Việt Nam còn kém phát triển.

Mặc dù vậy, theo ông Ân, theo phương án đang được thỏa thuận có thể sẽ có quy định ngoại lệ đối với một số nhóm hàng.

Trong đó, đối với các sản phẩm đáp ứng được tất cả các điều kiện về quy tắc xuất xứ sẽ được hưởng thuế suất XK 0%, đối với các sản phẩm chưa hoàn toàn đáp ứng được về nguyên tắc xuất xứ sẽ thực hiện giảm thuế theo lộ trình, đặc biệt sẽ có danh mục những nguyên phụ liệu mà các nước TPP chưa sản xuất được sẽ được tổng và các DN được sử dụng các sản phẩm thay thế từ các nước ngoài TPP.

Do vậy, để có những điều khoản có lợi cho ngành dệt may Việt Nam, các DN dệt may phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhóm công tác TPP.

Cụ thể, các DN cần cung cấp các thông tin liên quan đến việc sản xuất và NK nguyên phụ liệu, đồng thời đề xuất các sản phẩm nào tạm thời chưa áp dụng quy tắc xuất xứ, thời điểm nào có thể áp dụng, mã HS của từng sản phẩm…Trên cơ sở thông tin của DN, Hiệp hội dệt may sẽ tổng hợp lại để làm căn cứ đấu tranh trong quá trình đàm phán

Ngoài ra, theo ông Lê Quốc Ân, việc tham gia TPP mở ra cho ngành dệt may rất nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại cho các DN dệt may không ít thách thức.

Việc hưởng ưu đãi thuế suất NK đồng nghĩa với việc DN phải chịu gánh nặng về quy tắc xuất xứ với rất nhiều thủ tục phát sinh chưa kể đến các thủ tục về tạo lập thuế quan và các thủ tục khác.

Do vậy, ngay từ bây giờ các DN cũng cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để có thể tận dụng tối đa các lợi thế mà TPP mang lại, trong đó chú trọng đến việc chuẩn bị đối tác hợp tác sản xuất, đặt hàng may, cung cấp nguyên phụ liệu trong và ngoài TPP.

Bên cạnh đó, các DN cũng cần củng cố cơ sở dữ liệu, đối với các lô hàng XK vào thị trường Mỹ như một bước tập dượt trước khi để thích nghi dần với việc tham gia vào Hiệp định TPP./.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dn-det-may-can-phoi-hop-chat-che-voi-hiep-hoi-trong-qua-trinh-dam-phan-tpp.aspx