Đắk Nông: Chuyển giao kỹ thuật cạo mủ cao su cho đồng bào buôn BuzaraH

Được sự chỉ đạo của Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (Trung tâm) phối hợp với Phòng Công Thương huyện Đắk R’lấp đã triển khai nhiệm vụ: “Chuyển giao kỹ thuật cạo mủ cao su cho đồng bào dân tộc buôn Buzarah, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp”. Thông qua nhiệm vụ trên, để giúp đồng bào nắm vững kiến thức về kỹ thuật cạo mủ cao su, ngày 19.9.2009 Trung tâm mở lớp tập huấn “kỹ thuật cạo mủ cao su” cho 50 học viên là người đồng bào buôn Buzarah, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp. Thời gian lớp tập huấn kéo dài trong 30 ngày (bắt đầu từ 19.9 và kết thúc vào ngày 19.10), các học viên tham gia tập huấn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm phối hợp với cán bộ của Công ty cao su Đắk Lắk truyền đạt những kỹ năng cạo như: thời điểm cạo, vị trí cạo; kỹ thuật cạo phá dăm (mở miệng cạo), cạo toàn vòng xoắn, nửa vòng xoắn; biện pháp kích thích ra mủ…, các học viên còn được trực tiếp thực hành ngay trên vườn cao su.

Buôn Buzarah có 92 hộ dân, với 512 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 77 hộ, với 443 nhân khẩu. Diện tích cao su của buôn là 171ha chiếm 15,4% tổng diện tích cao su của xã (huyện Đắk R’lấp có 6.383,8 ha cao su, riêng xã Nghĩa Thắng có 1.111ha). Diện tích cao su được trồng từ năm 2000 - 2004 là 92ha, đến nay đã cho thu hoạch mủ. Tuy nhiên, phần lớn diện tích cho thu hoạch được người dân tự cạo, không qua lớp đào tạo nào lên tình trạng cạo phạm, cạo không đúng kỹ thuật đã làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng mủ và quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Do đó, việc tổ chức lớp tập huấn sẽ giúp cho đồng bào trồng cao su nắm bắt được tiêu chuẩn cao su đưa vào khai thác, giữ đúng nhịp độ cạo mủ và các biện pháp chăm sóc cây. Qua đó, hạn chế các bệnh do cạo sai gây ra như: loét sọc miệng cạo, khô miệng cạo, khô mủ… nhằm đưa diện tích cao su đến thời điểm kinh doanh vào khai thác mủ đúng kỹ thuật, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Đồng thời, các học viên tham gia tập huấn còn là đội ngũ nòng cốt, đáp ứng ban đầu cho việc khai thác sản phẩm cao su trên địa bàn buôn Buzarah nói riêng, xã Nghĩa Thắng nói chung, từ đội ngũ này sẽ được nhân rộng trong cộng đồng bằng cách hướng dẫn lẫn nhau “nông dân dạy nông dân” để đáp ứng cho thực tế sản xuất. Trước khi kết thúc tập huấn, tất cả các học viên tham gia sẽ được kiểm tra, đánh giá xếp loại và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. Đinh Văn Thuần (Sở KH&CN Đắk Nông)

Nguồn HĐKH: http://www.tchdkh.org.vn/ttchitiet.asp?code=10538