Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lời kể của con gái

Đại tướng Võ Nguyên Giáp dạy con bằng chính thực tế cuộc sống, chính những việc làm, cách ứng xử của mình.

Bà là người hạnh phúc, đơn giản là “con gái anh Văn, con gái nữ chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Thị Quang Thái”. Bà là cố GS.TS khoa học Võ Hồng Anh.

Đài TNVN xin trích đăng cuộc phỏng vấn với cố GS.TSKH Võ Hồng Anh năm 2006.

PV: Bà có được nghe cha kể về mối tình thiêng liêng giữa cha và mẹ - nữ chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Thị Quang Thái?

GS.TSKH Võ Hồng Anh: Đó là năm 1929, trong chuyến hành trình công tác Huế - Vinh - Hà Nội - Vinh - Huế - Sài Gòn, rồi trở về Huế, với tư cách là đại diện Tổng bộ Đảng Tân Việt có trụ sở đặt tại Huế, ba tôi đã được đặt chân tới quê hương của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Mục đích của chuyến công tác xuyên ba miền ấy của ba tôi là bàn việc hợp nhất tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và Việt Nam Cộng sản Đảng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái Võ Hồng Anh trong một lần trên tàu về quê Quảng Bình

Cũng nhân dịp đó, cùng bàn với các đồng chí ở chi bộ Vinh và Hà Nội tổ chức cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đi thoát ly.

Tại cuộc gặp này, ba tôi đã được nghe cái tên Nguyễn Thị Quang Thái - người em ruột của nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai. Mặc dù còn trẻ nhưng rất hăng hái tham gia các hoạt động dưới sự dìu dắt của bà Nguyễn Thị Minh Thái.

Nghe mà chưa gặp mặt. Thế rồi, trên chuyến tàu trở về Huế, ba tôi đã gặp mẹ tôi. Mẹ tôi lên tàu tại ga Vinh cùng một người bạn là cô Cầm, em gái cô Hải Đường - một nữ sinh trường Đồng Khánh.

Ba kể rằng, hôm đó mẹ mặc áo dài, tóc để xõa, gương mặt sáng ngời, đặc biệt là đôi mắt. Ba tôi lúc đó vào vai một nhà báo khá chững chạc. Về sau mẹ mới cho ba biết ấn tượng đầu tiên của mình: Là một chàng trai có vẻ “hơi công tử bột”, chỉ khi nghe giới thiệu là nhà báo thì mẹ mới chịu bắt chuyện.

Hai người kết hôn với nhau khi mẹ tôi 20 tuổi, nhưng mãi đến gần chục năm sau, mẹ mới sinh tôi vì ba mẹ còn “giữ” để được thoát ly hoạt động cùng nhau.

Thế nhưng, rồi cả ước hẹn cùng thoát ly ấy họ cũng không thực hiện được, bởi khi ba tôi nhận được chỉ thị của tổ chức Đảng sang Trung Quốc gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc để nhận nhiệm vụ mới, thì tôi lại còn quá bé.

Lúc đấy ba cảm thấy rất bịn rịn, nhưng mẹ đã kiên quyết khuyên ba hãy yên tâm lên đường, mẹ sẽ cố gắng cho con được cứng cáp, gửi gắm con để cùng thoát ly...

Cuộc chia tay của ba với hai mẹ con bên một gốc cây cổ thụ trên đường Cổ Ngư đã được ông tả lại trong tập Hồi ký “Từ nhân dân mà ra”.

Ba mẹ dặn dò nhau giữ gìn sức khỏe, gắng tìm cách cho nhau biết tin, hy vọng ngày tái ngộ sẽ không xa... Cả hai không hề ngờ rằng đó là phút họ vĩnh biệt nhau!

PV: Nhưng trong mỗi trái tim của cha và mẹ bà, tình yêu đó không bao giờ mất!?

GS.TSKH Võ Hồng Anh: Đúng thế! Có một nhà văn đã viết “Đời người, tình yêu... đâu phải chỉ được đo bằng độ dài của năm tháng” - câu này luôn hiện lên trong tâm trí tôi mỗi khi tôi nghĩ, tôi nhớ đến mẹ.

Chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Hồng Anh

Và những năm tháng của cuộc đời đã làm cho tôi cảm nhận được vị trí thiêng liêng và độc nhất vô nhị của mẹ trong lòng ba tôi. Có hình mẹ trong những chặng đường cách mạng gian nguy mà ông đã đi qua, trong những khoảnh khắc lóe sáng của tư duy dẫn ông đến những quyết định duy nhất chính xác đem lại thắng lợi cho cuộc chiến đấu, có hình ảnh mẹ bước những thăng trầm của lịch sử, những biến động của thời cuộc, những chông gai trên con đường mà ông đã vượt qua.

Tôi cảm nhận sâu sắc rằng mẹ tôi là người phụ nữ thật hạnh phúc, chính vì mẹ đã nhận mọi gian khó, hy sinh, nhận cả cái chết để đem lại cho đời những điều thật tốt đẹp và được nhận ở đời, ở người một tình yêu không bao giờ phai nhạt.

Giờ đây tôi hiểu rằng, vong linh của mẹ đã được yên lòng về cuộc sống của ba tôi khi vắng bóng bà. Còn tôi thì luôn tâm niệm phải sống làm sao cho xứng đáng, phải luôn hoàn thiện để ba, vong linh của mẹ được đẹp lòng.

PV: Như vậy, sự trưởng thành của bà chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ, dẫu rằng mẹ bà mất khi bà còn rất bé. Bà có thể nói rõ hơn về điều đó?

GS.TSKH Võ Hồng Anh: Mẹ tôi bị bắt khi ba tôi đang hoạt động ở Trung Quốc, và tôi thì còn rất bé... Sự thực, tôi không còn nhớ mặt mẹ mình ở ngoài đời. Nhưng qua những bức ảnh, qua những dòng thư ba mẹ gửi cho nhau, qua lời kể của ông bà nội ngoại, hay các đồng chí của ba mẹ, tôi đã hình dung được thật rõ nét về mẹ, cảm nhận thật sâu sắc về con người, về nhân cách của mẹ.

Và bao trùm lên tất cả là một sợi dây thiêng liêng vô hình nào đó, mà hình ảnh mẹ luôn ăn sâu trong tâm trí tôi. Tôi nhớ về mẹ là một người mẹ dịu dàng, nhân hậu, bình dị giữa đời. Bình dị trong lối sống, sâu sắc trong nội tâm và kiên định trong ứng xử, đặc biệt không khoan nhượng với kẻ thù, kẻ phản bội.

Phải nói rằng vị trí của mẹ trong tôi là một vị trí độc nhất vô nhị, rất thiêng liêng. Trong toán học có những đại lượng gọi là không tương thích (tức là không so sánh được), những người làm toán không bao giờ đem so sánh những đại lượng đó. Trong cuộc sống cũng như vậy. Điều quan trọng là vong linh của mẹ được yên lòng về cuộc sống của ba.

PV: Với người cha, những gì thường hiện về trong tuổi thơ của bà?

GS.TSKH Võ Hồng Anh: Khi nghĩ về tuổi thơ, tôi luôn nghĩ về ba tôi với niềm tự hào thơ trẻ và tình thương yêu gần gũi. Từ khi biết đọc biết viết, tôi đã thuộc những đoạn thư dài mà ba tôi gửi về, đó là những dòng chữ mà tôi cảm nhận được sự ấm áp nồng nàn từ ba.

Đặc biệt ngoài bì thư bao giờ cũng có câu: “Hồng Anh - con gái anh Văn”. Và tôi thích nhất là bức ảnh ba tôi mặc bộ quần áo bộ đội, đội cái mũ Vệ quốc đoàn có gắn sao phía trước mà ba gửi về cho tôi.

Thế nhưng, năm 1946 - khi tôi được gặp lại ba lần đầu trong dịp ba ghé thăm ông bà nội và tôi ở thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) - trên đường đi kinh lý Nam Bộ thì tôi lại ngậm thinh, nhất định không nói một lời nào, kể cả khi ba bế tôi đi dạo chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: “Có nhớ, có thương ba không?”. Có lẽ, đó là một tiền lệ cho kiểu “hiểu không lời” giữa hai ba con cho mãi tới sau này.

PV: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, luôn gắn liền với tên tuổi của cha mình. Cảm tưởng của bà về ngày ấy, về ánh mắt của mọi người rằng đây là “con gái Tướng Giáp”?

GS.TSKH Võ Hồng Anh: Mọi người thường nhìn tôi bằng cái nhìn trầm trồ xen lẫn sự thương cảm cho một cô bé sớm mồ côi mẹ, và luôn phải sống xa cha.

Lúc đó tôi thường nép vào lòng bà nội, tôi ngại sự trầm trồ đấy, bởi tôi không muốn mình khác những đứa trẻ cùng trang lứa. Khi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi đã là một thiếu nhi Tháng Tám, đang chuẩn bị được đưa sang Liên Xô để học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam.

Từ đó đến mãi sau này, trong tôi niềm tự hào về người cha không tách rời niềm tự hào dân tộc. Tôi mong muốn sống xứng đáng với ba mẹ, nhưng bằng sức lực, tình cảm và trí tuệ của riêng mình. Người ta có quyền tự hào và kiêu hãnh về ba mẹ mình.

PV: Trước một trí tuệ, một nhân cách lớn, một vị tướng lỗi lạc và là cha, những điều gì mà bà đã học được?

GS.TSKH Võ Hồng Anh: Với tôi, ba mẹ là tấm gương để tôi noi theo trong cuộc đời mình. Ba tôi không dạy con bằng những lời giáo huấn, mà ông dạy bằng chính thực tế cuộc sống, chính những việc làm, cách ứng xử của mình.

Tôi nhớ mãi câu trả lời nhiều lần của ba, khi người ta hỏi về bí quyết của tuổi thọ và sự thanh thản: “Ít nghĩ về bản thân mình mà nghĩ nhiều về những gì mà mình đã làm được và có thể làm được cho sự nghiệp cách mạng, cho dân tộc mình, cho Tổ quốc”.

Tôi hiểu rõ câu này đã giúp ba tôi vượt qua những gì trong cuộc đời làm cách mạng của ông, nên tôi càng nhớ, và nó cũng không ít lần vang lên trong tôi những lúc tôi buồn, tôi khó khăn.

Tôi cũng rất thấm thía lời của Bác Hồ đã nói với ba tôi trong một đêm gian nan ở Pắc Bó, lúc cách mạng chưa thành công, mà ba tôi thường kể lại cho các con và nhắc lại trong hồi ký của mình: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”- công việc là trên hết.

Tôi hiểu, cả cuộc đời mình, ba tôi đã sống đúng với câu nói ấy, và tôi càng hiểu biết bao nỗi trăn trở, nỗi đau của ông, khi thấy giờ đây, hơn 60 năm sau cách mạng thành công, có lúc có nơi người ta vẫn không “Dĩ công vi thượng”. Tôi hiểu, cả cuộc đời mình, ba tôi đã sống đúng với câu nói ấy./.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!

Huy Nam/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/dai-tuong-vo-nguyen-giap-qua-loi-ke-cua-con-gai/284084.vov