Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ đo ván tướng Pháp - Mỹ nào?

Hiếm vị tướng quân đội nào trên thế giới có được thành tích kỷ lục đánh bại 10 vị tướng của 2 siêu cường như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Kiến Thức gửi tới độc giả bài viết về vị Đại tướng huyền thoại trong lòng dân.

Trong thời gian từ năm 1946 đến 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh nhiều chiến dịch lớn, làm thất bại chiến lược địch, trong đó có 7 tướng quân đội Pháp và 3 tướng quân đội Mỹ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cách để Đại tướng hạ đo ván các tướng Pháp, Mỹ trên chiến trường Việt Nam là làm cho ý định chiến lược của Pháp và Mỹ mà các vị tướng lừng danh ấy được cử làm đại diện bị thất bại thảm hại.

Tướng 4 sao Philippe leclerc là người bị thất bại đầu tiên. Tướng Philippe leclerc nhậm chức tại Việt Nam vào tháng 8/1945, đến tháng 6/1946 bị triệu hồi vì thất bại trong chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”. Trong thời kỳ này, núp bóng quân Anh, quân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ rồi đưa quân ra Hải Phòng, Lạng Sơn, phá bỏ các hiệp định, tạm ước đã ký với Chính phủ ta, quyết bắt sống cơ quan đầu não chính quyền Nhà nước non trẻ. Tuy nhiên, kế hoạch ấy đã bị phá sản nhanh chóng vì bị các lực lượng vũ trang của ta giam chân không thể tốc tiến thực hiện ý đồ.

Vị tướng Pháp đầu tiên bại trận trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tướng 4 sao Etienne Valluy sang thay, đến tháng 5/1948 lại bị triệu hồi vì thất bại trong Thu Đông 1947. Trong giai đoạn này, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các lực lượng của ta đã cầm chân địch tại các thành phố lớn vượt thời gian dự kiến, trong đó cuộc chiến khốc liệt, anh dũng ở thủ đô Hà Nội kéo dài gần 2 tháng đã gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề. Trong Thu Đông 1947, quân Pháp dùng chiến lược 2 gọng kìm, tấn công lên ATK bằng cả đường bộ, đường thủy và đường không nhằm tiêu diệt chủ lực của ta, bắt sống chính phủ nhưng bị bẻ gẫy. Với cách đánh du kích mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo là “Đại đội tập trung, tiểu đoàn phân tán” đã đập tan nhiều cuộc hành quân của quân Pháp, không cho các “gọng kìm” hợp lực với nhau. Việt Bắc trở thành “mồ chôn quân pháp” và chiến dịch Thu Đông 1947 của chúng thất bại thảm hại.

Người thứ 3 bị thất bại dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tướng 4 sao C.Blaijat. Vị tướng này sang Việt Nam thay được một năm, đến tháng 9/1949 lại phải về nước vì không thực hiện được chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt”.

Tiếp đó, sau khi sang thay C.Blaijat, tướng 4 sao M.Corgente lại bị một đòn đau trong Chiến dịch Biên Giới vào tháng 12/1950 để rồi sau đó được thay bằng tướng Delattre De Tassigny. Đây là vị tướng 5 sao, người tài nhất của nước Pháp lúc bấy giờ, nhưng cũng chỉ được một năm vì bị thua trận ở khắp nơi, nhất là việc xây dựng hàng nghìn lô cốt boong ke để co về cố thủ.

Tướng Raul Salan sang thay, tướng 4 sao này trụ được từ tháng 12/1951 đến tháng 5/1953 lại bị thay vì thua trong chiến dịch Hòa bình và các mặt trận ở toàn Đông Dương.

Tướng Navarre.

Cuối cùng là tướng 4 sao Henri Navarre, ông này bị thua đậm nhất ở khắp các chiến trường Đông Dương mà đau nhất là ở Điện Biên Phủ, ông từng thách tướng Giáp đánh Điện Biên, nhưng cuối cùng phải dùng máy bay Mỹ trực tiếp ném bom xuống Điện Biên Phủ mà vẫn không cứu vãn được.

Sau khi bị thua ở đây, tháng 6/1954, tướng 5 sao Ely sang thay. Ông này may mắn, vì một tháng sau Hiệp định Giơnevơ đã ký, nên Ely chỉ làm nhiệm vụ thu quân, cuốn cờ về nước.

Tướng Westmoreland.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1955 đến 1960, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, họ đã phải thay hai đại sứ Mỹ ở miền Nam. Từ 1961 đến 1964, bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Mỹ – tướng Hakin phải triệu hồi. Từ 1965 đến 1968, Mỹ lại tiếp tục thua trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Tổng tư lệnh Westmoreland bị cách chức.

Từ 1965 đến 1975, Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thời gian này, Tổng tư lệnh C.Abrams được thay bằng tướng F.C.Weyand, ông này là người cuốn cờ để rút quân về Mỹ. Như vậy, Mỹ phải 4 lần thay Tổng tư lệnh. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn bị chết 12 tướng, bị thương 8 tướng khác trong chiến tranh Việt Nam.

Đại Dương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su-viet-nam/tuong-phap-my-nao-bai-tran-truoc-dai-tuong-vo-nguyen-giap-432102.html