Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Võ công truyền quốc sử”

(TT&VH) - Hôm nay 25/8, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Thế giới đã dành nhiều tính từ ở mức cực đại để tôn vinh ông, một danh tướng kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn. Ở Việt Nam, câu đối GS Vũ Khiêu tặng Đại tướng đủ khái quát về cuộc đời lẫm liệt của ông: “Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm”.

Câu đối của GS Vũ Khiêu mang tính tổng kết, tôn vinh, khắc ghi công lao, tầm vóc một nhân vật lỗi lạc của thời đại. Đó cũng là lòng mến phục trân kính của một Anh hùng lao động với một Anh hùng quân sự. Những tài năng lớn bao giờ cũng nể vì, liên tài trong khát vọng cùng cống hiến. GS Vũ Khiêu là bạn thân của Đại tướng, hai ông nhiều lần gặp nhau tại Viện Sử học và các cuộc họp. Năm nào GS cũng đến nhà thăm tri kỷ. Câu đối đắt giá của GS Vũ Khiêu Về câu đối tặng Đại tướng, GS Vũ Khiêu cho biết: “Tôi viết cách đây 20 năm. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của Đại tướng, tôi đã trao bức trướng tặng Đại tướng tại nhà ông. Hai hàng chữ Hán thêu chỉ vàng buông dọc trên nền gấm đỏ, ý nghĩa của nó là: Sự nghiệp quân sự của tướng Võ lưu truyền trong lịch sử của Tổ quốc. Văn hóa, đạo đức trùm lên lòng người”. Ông cắt nghĩa và nhận định: “Võ Nguyên Giáp là con người toàn diện, một trí thức yêu nước, hội tụ đầy đủ truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, phát huy, phát triển thành nhà quân sự đại tài, nhà văn hóa lớn. Ở ông có 3 đức tính toàn vẹn. Nhân (yêu nhân dân, nhân hậu), Trí (trí tuệ, sáng suốt trong các quyết định, mệnh lệnh trọng đại), Dũng (cử chỉ, hành động anh hùng). Ông có đời sống tinh thần dồi dào: đọc sách nhiều, tư duy sắc sảo, yêu chuộng nghệ thuật. Nhờ thế, ông đã huy động được nhiều trí thức, nghệ sĩ theo kháng chiến và nhận được lòng yêu quý của văn nghệ sĩ, báo giới trong nước và quốc tế nhiều thế hệ”. “Tôi rất nhớ, lần tôi cùng Đại tướng dự Hội thảo 600 năm sinh Nguyễn Trãi, Đại tướng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng nhất. Lúc ấy, tôi càng thấy, từ trẻ tới già ông vẫn là nhà sử học tầm cỡ”. (GS Vũ Khiêu) GS Vũ Khiêu có 1 album lớn ảnh chụp cùng Đại tướng. Đó cũng là những khoảnh khắc được lưu lại trong chuỗi kỷ niệm mà hai ông có với nhau trong sự nghiệp đa dạng, tận hiến phi thường. Công chúng khâm phục Đại tướng ở lĩnh vực quân sự với chiến thắng hiển hách Điện Biên 1954 chấn động địa cầu, mà chưa biết nhiều ở lĩnh vực văn hóa. GS Vũ Khiêu kể: “Tôi rất nhớ, lần tôi cùng Đại tướng dự Hội thảo 600 năm sinh Nguyễn Trãi, Đại tướng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng nhất. Lúc ấy, tôi càng thấy, từ trẻ tới già ông vẫn là nhà sử học tầm cỡ”. Với sinh nhật đại thọ của Đại tướng, GS Vũ Khiêu khẳng định: “Ai nói Đại tướng 101 tuổi là không đúng, hôm nay, ông tròn 100 tuổi. Sinh nhật là tính tuổi theo năm sinh, nhiều người có thói quen cộng thêm 1 tuổi, gọi là “tuổi ta” là cách tính “thêm” tùy tiện. Hai con số “11” (1911 và 2011) ở cuộc đời Đại tướng rất quý. Đây là ngày cực kỳ quan trọng, sống 100 năm từ thế kỷ này sang thế kỷ sau, văn hóa phương Tây rất coi trọng. Tướng Giáp đã thành biểu tượng bất hủ. Tôi nhớ kỷ niệm chụp cùng Đại tướng và GS Trần Văn Giàu, phía sau là 7 giáo sư nữa. Võ Nguyên Giáp là nhà văn hóa lớn”. Tầm vóc kiến thức của bậc giáo sư, học giả Tối 14/8, tôi may mắn gặp ông Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng tại tư gia nhà sử học Dương Trung Quốc - người thân thiết với gia đình Đại tướng. Khuôn mặt ông Nam giống cha, nhất là đôi mắt, tôi đã nhận thấy từ lâu qua TV và khi có dịp cùng vào tận phòng chỉ huy của Đại tướng tại Mường Phăng năm 2004 khi Đại tướng và phu nhân trở lại Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng. Ông Nam Cao 1m73, dìu ba 1m60, cùng mẹ, vợ con từ trực thăng TU 172 đáp xuống bên cánh đồng sát rừng Mường Phăng. Có nhiều dịp đi cùng cha, ở bên cha khi tiếp khách, chuyện trò, ông Nam từng tháp tùng Đại tướng sang Vương quốc Bỉ năm 1996. Chuyến công du ấy, phiên dịch rất nhàn vì Đại tướng nói tiếng Pháp. Nhiều bộ phim tư liệu còn lưu giữ hình ảnh Đại tướng trả lời phỏng vấn bằng tiếng Pháp với phong thái hào hoa, tự tin. Nhà sử học Dương Trung Quốc nói với con trai Đại tướng: “Thế hệ các cụ xưa, không chỉ được đào tạo tiếng Pháp, mà còn được truyền thụ văn hóa Pháp”. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử VN thành lập từ 1994 do tôi làm Tổng biên tập rất tự hào khi là tạp chí được đăng tải nhiều nhất các bài viết của Đại tướng. Đó là các bài viết, tham luận tổng kết, đánh giá của ông trong các dịp hội thảo, hoạt động trong kỷ niệm, tưởng niệm các nhà yêu nước, nhà văn hóa: Nguyễn Trãi, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng; các tướng lĩnh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Sơn. Tôi sẽ tập hợp các bài này in thành những cuốn sách quý”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân trên máy bay trong chuyến trở về Mường Phăng năm 2004 - Ảnh Đoàn Hoài Trung Đương kim Tổng thư ký lâu năm của Hội Khoa học Lịch sử VN Dương Trung Quốc đánh giá: “Ông Võ Nguyên Giáp là vị Chủ tịch danh dự rất gắn bó với Hội, chứ không chỉ là hình thức. Ngoài các sự kiện, hoạt động mang tính khoa học nói trên, Đại tướng còn luôn tâm huyết với các vấn đề lịch sử, thời cuộc với các bằng chứng, vật thể cần được gìn giữ. Nhiều lần ông mời các giáo sư sử học đến làm việc về các vấn đề lớn... Cả khi ông nghỉ mát ở Hải Phòng, cũng gọi tôi xuống bàn việc”. Cùng niềm đam mê lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc có nhiều điều kiện gần gũi Đại tướng trong công việc. Không những thế, ông còn được sự tin cậy của toàn thể gia đình Đại tướng. GS Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng, sau quãng thời gian giảng dạy tại ĐH Sư phạm, về công tác tại Viện Đông Nam Á (một bộ phận tách ra từ Viện Sử học), là đồng nghiệp thân thiết của ông Quốc. Từ công việc giáo chức thời Pháp thuộc, Võ Nguyên Giáp đã viết cho các tờ báo công khai của cách mạng VN: Le Travail (Lao động), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta). Kiến thức uyên thâm, uyên bác, Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu, viết về lịch sử bằng tư thế của một người say mê khoa học này, dù không có thời gian chuyên sâu. Bởi hai cuộc chiến tranh kéo dài với 2 cường quốc Pháp, Mỹ, ông chỉ có thể dồn sức lực, tài năng cho binh nghiệp. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tầm vóc kiến thức lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc giáo sư, học giả. Ông xứng đáng với các giải thưởng lớn nhất cho lĩnh vực này”. Khi làm việc với các nhà khoa học, Đại tướng biết lắng nghe mọi người, song lại độc lập khi đưa ra ý kiến. Khi gặp gỡ các văn nghệ sĩ, ông có thể trò chuyện thoải mái, sâu sắc nhiều mảng bởi kiến văn sâu rộng. “Cuộc đời Tướng Giáp phản ánh, gắn liền với lịch sử dân tộc trong thế kỷ sôi động nhất”, ông Quốc khẳng định. “Cánh rừng Đại tướng” Con gái cả, GS-TS Võ Hồng Anh đã mất, Đại tướng còn 4 người con, 2 gái, 2 trai. Hai người con gái Hòa Bình, Hạnh Phúc ở riêng. Gia đình hai người con trai Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam sống cùng cha mẹ tại nhà 30 Hoàng Diệu, mỗi người con Đại tướng đều có 2 con trai. Những lúc rảnh, Đại tướng thích đọc sách, chơi dương cầm và thả bộ trong khu vườn rợp xanh cổ thụ và nhiều hoa, cây trái. Ông sống thanh bạch, luôn chan hòa với nhân dân, nhân quần. Bố tôi (đạo diễn NSƯT Vi Hòa) đã nhiều lần tới tư gia Đại tướng quay phỏng vấn, về quê Quảng Bình cùng ông. Và giờ tôi tự trách mình trong tiếc nuối, sao tôi không tận dụng các cơ hội cùng bố vào thăm ông, khi ông còn khỏe. Chia tay chú Võ Hồng Nam, tôi đã chia sẻ với chú điều ấy và nói trước khi chào: “Cho cháu chúc ông sức khỏe, an lành”. Lại nhớ bộ phim Già Poong kể chuyện Mường Phăng trong phim tài liệu 21 tập Khát vọng Tây Bắc do NSƯT Vi Hòa đạo diễn, làm về cụ già người Thái vì tình cảm lớn lao với Đại tướng, tự nguyện bao năm trông coi cánh rừng Mường Phăng. Máy hắt lên cao, những tán cổ thụ tỏa bóng chan đầy tiếng hát NSND Tường Vi, bài hát do bà sáng tác: Dân trìu mến gọi rừng Đại tướng và hợp xướng thiếu nhi hát bài Dân tin dân yêu giữa màu lá điệp trùng... Cuộc đời xuyên hai thế kỷ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một huyền thoại đẹp đẽ của VN. Nhân loại tôn vinh ông như bậc thầy quân sự, một tượng đài. Còn tôi nếu được ví ông như một biểu tượng, tôi thấy ông không chỉ là cây cao bóng cả mà là một cánh rừng. Rừng của lòng nhân, của vẻ đẹp văn hóa, tình yêu đồng loại và hòa bình. Một thế kỷ - Hai cuộc trường chinh NXB Kim Đồng vừa ấn hành cuốn sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Một thế kỷ - Hai cuộc trường chinh. Sách này do tác giả Anh Chi biên soạn, tập hợp gần 300 bức ảnh, trong đó có nhiều ảnh tư liệu mới, được sắp xếp theo chiều dài thời gian và địa danh lịch sử gắn với tài thao lược của Đại tướng. Cuốn sách ảnh này sẽ giúp bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ hiểu hơn về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng kiệt xuất của Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách ảnh còn cung cấp nhiều thông tin về “hai cuộc trường chinh” của dân tộc trong thế kỷ 20. Trạc Tuyền Vy Thùy Linh

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/132n20110825042317571t0/dai-tuong-vo-nguyen-giap-vo-cong-truyen-quoc-su.htm