Đại tá, Nhà báo Lưu Vinh, Phó TBT Báo CAND: Chưa bao giờ hết đam mê

Trong ấn tượng của nhiều người, nhà báo Lưu Vinh, Phó Tổng Biên tập Báo CAND là một người bận rộn, bận rộn đến mức hầu như chẳng bao giờ ông cho phép mình được có một ngày nghỉ đúng nghĩa. Còn với những đồng nghiệp có nhiều thời gian gắn bó với ông trong “ngôi nhà chung” Báo CAND thì dường như chưa có giây phút nào ông vơi cạn đam mê với nghề báo, với công việc của một người viết báo.

Hơn 10 năm nay, mặc dù rất bận rộn với công việc của một Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung, nhưng hễ có cơ hội, có đề tài hay là ông lại vội vã lên đường, vội vã tác nghiệp cứ như thể nghề báo đối với ông đã trở thành máu thịt và không thể thiếu. Với sức làm việc không mệt mỏi, với sự lao động và sáng tạo không ngừng nghỉ, nhà báo Lưu Vinh đã vinh dự 8 lần nhận giải thưởng Báo chí quốc gia.

1. Nhà báo Lưu Vinh sinh năm 1952 tại Hưng Hà, Thái Bình, là con của một cán bộ chiến sỹ Công an đã dũng cảm hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Thiếu vắng người cha ngay từ nhỏ nên với ông, người mẹ đã trở thành điểm tựa yêu thương suốt cả thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành. Là một người phụ nữ đức hạnh, yêu thương chồng con hết mực nên những ký ức đẹp đẽ về người chồng dường như đã được bà truyền tải một cách đầy đủ, vẹn nguyên đến đứa con trai yêu dấu. Chính vì lẽ đó mà mỗi khi nghĩ về cha là nhà báo Lưu Vinh lại có thêm động lực để gắng sức học hành, gắng sức làm việc phụ giúp mẹ nuôi em ăn học và nung nấu ý chí vươn lên theo lý tưởng của người cha.

Sau khi tốt nghiệp THPT, nhà báo Lưu Vinh đã hiện thực hóa giấc mơ nối nghiệp cha của mình bằng cách trở thành học viên khóa đầu tiên của Học viện ANND. Trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, ông đã đắm đuối với nghề làm báo, viết báo và cũng đã có bài đăng báo.

Nhà báo Lưu Vinh vẫn còn nhớ rất rõ, bài báo đầu tiên của ông đã được đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam với tiêu đề “Vì nhầm nên hỏng đời con” kể về một câu chuyện khó tin nhưng có thật mà ông thu nhận được trong quá trình đi thực tập. Mặc dù với nhuận bút 9 đồng, chỉ vừa đủ một chầu bia chiêu đãi anh em, nhưng kể từ sau bài báo đầu tiên ấy, nghề báo dường như đã cuộn vào cuộc sống của ông.

Tốt nghiệp ĐH, ông được Bộ Công an phân về đơn vị nghiệp vụ rồi cử đi học nước ngoài. Cho đến bây giờ, nhà báo Lưu Vinh vẫn không thể lý giải được vì sao công việc của một nghiệp vụ trinh sát với nhiều áp lực và bận rộn như vậy, nhưng ông vẫn có thể sắp xếp thời gian để viết báo. Chính ông đã từng ví von một cách hóm hỉnh rằng, hồi đó bản thân ông đã nghiện viết báo cứ giống như người “nghiện ma túy” vậy.

Với sức viết khỏe và không mệt mỏi, có những thời kỳ, ông đã trở thành CTV của 5-6 báo lớn như Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuần tin tức của TTXVN… với sở trường chuyên về phóng sự, điều tra ở mảng xã hội và chống tham nhũng.

Vào những năm 1980-1981, khi Báo CAND phát hành nội bộ, ông là một trong 3 CTV xuất sắc nhất của báo được vinh dự đứng trên bục nhận giải thưởng với phần thưởng là một lọ hoa sơn mài bằng gỗ mà đến giờ ông vẫn giữ. Đến năm 1988, khi Báo CAND chuyển từ nội bộ sang hoạt động công khai, Ban biên tập có chủ trương tuyển lựa một số anh em CTV xuất sắc về đầu quân và ông đã được chọn.

Khi trở thành PV chuyên nghiệp, ông đã dành trọn tâm sức cho nghề báo. Hễ có cơ hội là ông lại lên đường, dù đó là những chuyến công tác ngắn hay dài ngày tới mọi miền Tổ quốc từ vùng đất đỏ ba zan, đến vùng sâu, vùng xa hay biên giới, hải đảo. Để rồi những tên đất, tên người, những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn hay đau đớn trên những vùng đất mà ông có dịp đi qua đều thấm đẫm trong từng trang viết.

Nhà báo Lưu Vinh nhận giải báo chí quốc gia năm 2010.

2. Gần 25 năm gắn bó với Báo CAND, trong đó có đến gần 2/3 thời gian làm công tác quản lý song nhà báo Lưu Vinh chưa bao giờ nguôi ngoai niềm đam mê viết báo của mình. Đặc biệt là trong hơn 10 năm trở lại đây, mặc dù giữ cương vị của một Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung của Báo CAND với bộn bề những việc không tên, nhưng ông vẫn quần quật lao động, quần quật viết báo một cách say mê, không mệt mỏi. Vốn sống, sự tích lũy, kinh nghiệm quá khứ cùng với khả năng tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ cả trong việc phát hiện đề tài, lẫn cách thể hiện của một người làm báo ở vào độ “chín” đã giúp nhà báo Lưu Vinh gặt hái được rất nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có 8 giải thưởng báo chí quốc gia, một thành tích mà không phải người làm báo chuyên nghiệp nào cũng có được.

Ngoài một số tác phẩm chính luận đoạt giải viết chung với các đồng nghiệp của Báo CAND như loạt bài về chống FULRO ở Tây Nguyên; Vi phạm đất đai ở Thái Hà - Nhà Chung (cùng các tác giả Hồng Thái, Đăng Trường…) thì các tác phẩm đoạt giải báo chí còn lại như “Doanh nhân Việt Nam nụ cười và nước mắt”, “Dấu ấn Bác Hồ ở Boston”, “Bác Hồ với quyết định thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”, “Văn hóa giao thông - trông người mà ngẫm đến ta”… đều mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà báo Lưu Vinh.

Trong số này, có một số tác phẩm được nhà báo Lưu Vinh “thai nghén” trong khoảng thời gian ngắn được tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác ở nước ngoài. Nhà báo Lưu Vinh tâm sự: Trong cuộc đời làm báo của mình, ông vinh dự có hơn 10 lần được tháp tùng Chủ tịch nước, Thủ tướng đi công tác nước ngoài. Nếu ai đã từng có cơ hội tham gia các chuyến đi này thì đều biết lịch trình làm việc đều rất dày đặc, cường độ làm việc hết sức khẩn trương. Để có thời gian tìm hiểu thêm những vấn đề mà mình quan tâm, người làm báo chỉ còn cách tận dụng thời gian nghỉ ngơi vào buổi đêm, hoặc lúc nghỉ trưa để tác nghiệp.

Thế mới có chuyện, trong chuyến công tác ở Mỹ, dù đã 2-3h sáng, hầu hết cả đoàn đều đi ngủ thì nhà báo Lưu Vinh vẫn lọ mọ ở công trường xây dựng tòa tháp đôi, lang thang ở phố Wall, tượng đài lính Mỹ chết trận để tìm tư liệu cho các bài viết của mình. Và trong khi hầu hết mọi người đều tranh thủ chợp mắt nghỉ trưa thì ông lại một mình bắt xe đến khu tưởng niệm Bác Hồ tại Boston - nơi mà cách đây một thế kỷ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng sống và làm việc. Đó là khoảng thời gian Bác là thợ làm bánh ở khách sạn House Parker tại thành phố Boston (Hoa Kỳ). Bây giờ gian bếp này đã trở thành một khu di tích lịch sử dành cho khách tham quan khắp thế giới. Sau chuyến đi này, nhà báo Lưu Vinh đã viết bài “Dấu ấn Bác Hồ ở Boston”, đăng trên chuyên đề Văn nghệ Công an của Báo CAND. Và bài báo này sau đó cũng đã đoạt giải C báo chí quốc gia năm 2008.

Cũng với tinh thần làm việc quên mệt mỏi ấy, trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước dự hội nghị APEC ở Nhật Bản, nhà báo Lưu Vinh đã viết bài “Văn hóa giao thông – trông người mà ngẫm đến ta”. Với góc nhìn mới mẻ và nhân văn trong bối cảnh tai nạn giao thông đang trở thành vấn đề bức thiết và nhức nhối, bài báo này cũng đã vinh dự mang về cho nhà báo Lưu Vinh giải C báo chí quốc gia năm 2011.

Ngoài việc sở hữu 8 giải thưởng báo chí quốc gia, nhà báo Lưu Vinh còn là chủ biên, biên soạn và là tác giả của hàng chục ấn phẩm khác nhau như: “Hồ Chí Minh - con người đẹp nhất” (NXB Hồng Đức); “Theo dấu chân Bác” (NXB Giao thông); “Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn” (NXB CAND); “Phan Trọng Tuệ - vị tướng đức độ tài năng”; “Trung tướng Trần Quyết - Người cộng sản trung kiên”; 17 tập “Doanh nhân Việt Nam nụ cười và nước mắt”, “Nỗi đau thời hậu chiến”; “Huyền thoại cầu Hiền Lương” (NXB Giao thông); “Tình người nơi đất trại” và “Những nẻo đường hoàn lương” (NXB Hồng Đức); “Năm lần tháp tùng Thủ tướng”, “Mười ngày trên đất Mỹ” (NXB Văn hóa Thông tin); “Những nhân chứng lịch sử”, “Tội phạm thời mở cửa”, “Theo vết đường dây đen” (NXB CAND)… Đồng thời, nhà báo Lưu Vinh cũng là tác giả của 5 tập thơ như “Thơ và đời”, “Theo dòng thời gian”…

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/trongmatdan/2012/6/174317.cand