Đại tá Nguyễn Đức Chung – Phó giám đốc CATP Hà Nội: “72,6% vụ giết người do mâu thuẫn xã hội bột phát”

(Petrotimes) - Do những nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong những năm gần đây, hoạt động của các loại tội phạm hình sự (TPHS), tệ nạn xã hội (TNXH) trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng tăng với diễn biến phức tạp.

Đại tá Nguyễn Đức Chung Trong đó, số vụ giết người tăng nhanh, và phần lớn nguyên do của những vụ này đều là mâu thuẫn xã hội. Đại tá Nguyễn Đức Chung – Phó giám đốc Công an TP Hà Nội đã có những ý kiến cụ thể về thực trạng này. PV: Thưa ông, với những diễn biến phức tạp của loại TPHS và các TNXH, lãnh đạo CATP đã phân tích được những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên? Đại tá Nguyễn Đức Chung: Trong những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thủ đô đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn thủ đô. Song do những điều kiện khách quan như: Cơ chế quản lý xã hội còn có sơ hở, bất cập, thiếu sót. Khoảng cách phân hóa giàu – nghèo ngày càng lớn. Làn sóng di dân cơ học từ các tỉnh về Hà Nội tiếp tục gia tăng. Tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Tình hình thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả một số mặt hàng quan trọng như giá vàng, ngoại tệ và các mặt hàng thiết yếu đến đời sống nhân dân có nhiều biến động, ảnh hưởng đến đầu tư, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tỉ lệ người không có công ăn việc làm hoặc việc làm không ổn định cao. Bên cạnh đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, làm nhiều nông dân không còn điều kiện sản xuất nông nghiệp và không có trình độ để làm các công việc khác… Chính vì những yếu tố trên, nên hoạt động của các loại TPHS, TNXH trên địa bàn thành phố Hà Nội trong các năm qua diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, số loại tội phạm xâm phạm nhân thân đang có chiều hướng gia tăng, trong đó có loại tội phạm giết người do các nguyên nhân xã hội. PV: Được biết, chỉ trong khoảng hai năm rưỡi, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố đã tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Và số vụ có nguyên nhân xã hội cũng tăng đáng kể. Đây là những thống kê thực sự đáng lo ngại…? Đại tá Nguyễn Đức Chung: Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và đặc biệt là sự giúp đỡ của nhân dân thủ đô. Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ của CATP mà chủ công là lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) Hà Nội, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và CA các tỉnh, thành phố trong cả nước, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh trấn áp; Kết quả đã kiềm chế sự gia tăng của TPHS. Công tác điều tra, khám, phá án đạt hiệu quả cao. Đã điều tra, khám, phá 10.171 vụ TPHS, bắt 15.301 đối tượng, đạt tỉ lệ 74,4%. Điều tra, khám, phá 185/190 vụ giết người, bắt 383 đối tượng, đạt tỉ lệ 97,4%. PV: Thế còn về vấn đề nổi cộm là những vụ giết người, phần lớn đều có nguyên nhân xã hội, ông đánh giá thế nào về hiện trạng này? Đại tá Nguyễn Đức Chung: Qua các số liệu thống kê, phân tích, CATP nhận thấy, có những vụ giết người do mâu thuẫn giữa các ổ nhóm tội phạm, cờ bạc, 4,2% vụ do đối tượng thần kinh gây án, cũng có những vụ do tranh chấp đất đai, vay nợ. Đáng lưu ý còn có 5,3% tổng số các vụ giết người là do đánh chết trộm. Nhiều vụ việc khiến dư luận xã hội bất bình do giết người vì mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn tình ái, thậm chí là giết người do bệnh tật, giết con rồi tự tử, hoặc giết người để che giấu hành vi phạm tội. Tuy nhiên, qua phân tích nguyên nhân cụ thể của các vụ án giết người trên, nổi cộm nhất là các vụ giết người do mâu thuẫn xã hội bộc phát (138/190 vụ =72,6%). Đa phần, các vụ án xảy ra chỉ vì những va chạm, mâu thuẫn, xích mích rất đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày như: va chạm giao thông, xích mích trong khi uống rượu, bia; mâu thuẫn vì lời nói, cử chỉ… Đây là một thực trạng khiến cho công tác phòng ngừa của lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn. Qua phân tích thành phần của các đối tượng gây ra các vụ án giết người trên, có thể thấy thành phần đối tượng gây án rất đa dạng. Song chủ yếu vẫn là số đối tượng không nghề nghiệp; số người làm nông nghiệp có trình độ thấp, ít hiểu biết về pháp luật; số học sinh, sinh viên phạm tội cũng chiếm tỉ lệ tương đối cao và khi các vụ án do các đối tượng này gây án, thì thường tạo ra sự quan tâm trong dư luận nhân dân. Các vụ giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra còn do hành vi côn đồ càn quấy của một bộ phận thanh niên ở lứa tuổi từ 16 đến 25, ít học hoặc bỏ học, lười lao động, thường tụ tập thành các ổ, nhóm chơi bời lêu lổng, thường có những hành vi thiếu văn hóa, côn đồ, càn quấy nơi công cộng. Các đối tượng này thường đem theo hung khí nguy hiểm như súng tự chế (dạng súng bắn đạn ghém, súng col quay…), dao nhọn, lê, mã tấu… sẵn sàng đâm, chém người khác hoặc thanh toán nhau. Loại tội phạm này tuy chiếm tỉ lệ không cao, nhưng đang có xu hướng gia tăng, khiến người dân cảm thấy lo lắng. Nguyên nhân do số thanh thiếu niên ở độ tuổi này có khả năng tự kiềm chế kém. Đồng thời, nghiên cứu sâu về số đối tượng trong nhóm này cho thấy, đa phần số thanh thiếu niên phạm tội này đều sinh ra trong những gia đình không có cuộc sống thực sự lành mạnh, không nhận được sự giáo dục đầy đủ ngay từ nhỏ. Mặt khác, đã chịu sự tác động mạnh của môi trường xấu xung quanh như: tụ tập, chịu sự ảnh hưởng của số đối tượng côn đồ hung hãn, có tiền án, tiền sự; chịu tác động về các hành vi bạo lực trong phim ảnh, game online… PV: Vậy CATP đã làm gì để kịp thời ngăn chặn sự gia tăng loại hình TPHS và các TNXH này? Đại tá Nguyễn Đức Chung: Căn cứ vào tình hình thực tế xảy ra trên địa bàn, trong từng thời gian, CATP Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa. Cụ thể là công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những mâu thuẫn trong đời sống nhân dân, nhất là những mâu thuẫn giữa các nhóm thanh, thiếu niên để tiến hành các biện pháp hòa giải, cảm hóa, giáo dục, thuyết phục ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Đồng thời, kết hợp với Ban Giám hiệu, Đoàn thanh niên của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên; phát hiện những mâu thuẫn giữa học sinh, sinh viên để kịp thời ngăn chặn. Vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm, phát hiện những đối tượng, nhóm đối tượng có biểu hiện mâu thuẫn, côn đồ hung hãn chuẩn bị vũ khí để đánh nhau. Trước tình hình do mâu thuẫn tại các vũ trường, quán bar, quán karaoke, quán Internet… dẫn đến án mạng; CATP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định đối với các cơ sở kinh doanh. Đặc biệt, đã xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh quá giờ quy định. Tổ chức kiểm tra phương tiện ôtô, xe máy của các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn tại các bãi trông giữ xe của cơ sở kinh doanh để phát hiện các hung khí nguy hiểm. CATP Hà Nội đã tổ chức đấu tranh trấn áp mạnh mẽ, hiệu quả đối với các loại tội phạm côn đồ hung hãn, xâm phạm nhân thân. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về các vụ án giết người xảy ra, Giám đốc CATP đều tập trung chỉ đạo các đơn vị từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, các lực lượng trong CATP tập trung điều tra, nên đa số các vụ án xảy ra đều được khám phá nhanh, bắt hung thủ sớm, nên tạo ra lòng tin nhân dân thủ đô với lực lượng Công an. PV: Với sự gia tăng các loại hình TPHS, TNXH và những diễn biến phức tạp, chắc hẳn các lực lượng Công an thủ đô đang gặp không ít khó khăn? Đại tá Nguyễn Đức Chung: Tỉ lệ điều tra khám phá các vụ giết người tuy đạt hiệu quả cao, nhưng trong một số vụ án do các ổ nhóm tội phạm sử dụng súng tự chế gây án, vẫn còn một số vụ chưa bắt giữ được đối tượng chính và thu hồi vũ khí cao, nên vẫn tiềm ẩn số đối tượng này tiếp tục gây án. Nói đến các khó khăn, cần phải đề cập tới các quy định của Pháp luật về xử lý tội phạm giết người với tội phạm cố ý gây thương tích chưa có giải thích, hướng dẫn rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật. Đây là kẽ hở mà trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, dẫn đến đối tượng phạm tội bị xử lý không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định tội cố ý gây thương tích, bắt buộc phải có tỉ lệ thương tích mới có căn cứ xem xét. Đây là kẽ hở cho tội phạm lợi dụng, nhất là các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức, bọn lưu manh chuyên nghiệp. Sau khi đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người bị hại, có khi rất nặng, sau đó lại tiếp tục đe dọa, khống chế, tác động để bị hại không dám đi giám định thương tích và Cơ quan cảnh sát điều tra không thể xử lý hình sự được chúng. Hoặc, theo Điều 230 Bộ luật Hình sự chỉ quy định tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật thì mới bị xử lý hình sự. Song trong thực tế, tội phạm hình sự đang sử dụng rất nhiều súng tự tạo (súng bắn đạn ghém, súng do Trung Quốc sản xuất hình bút máy, hình bật lửa, súng col quay…), công cụ hỗ trợ (như súng điện, roi điện, súng bắn quả nổ, bình xịt hơi cay, bình xịt gây mê…) và các loại hung khí khác như dao, kiếm, đao, dáo, mác… vào việc gây án giết người, cố ý gây thương tích. Song khi bị bắt giữ về việc tàng trữ, mua bán thì chỉ bị xử lý hành chính. Đây là kẽ hở cho tội phạm lợi dụng để tàng trữ và sử dụng các vũ khí nóng tự chế, công cụ hỗ trợ, dao kiếm. Ban Lãnh đạo CATP đã có ý kiến đề nghị Bộ Công an sớm có văn bản hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp tàng trữ các loại súng bắn đạn ghém, súng tự chế và các hành vi tàng trữ công cụ hỗ trợ, dao kiếm. Đồng thời có những sửa đổi, tạo hành lang pháp lý cho việc phát động phong trào quần chúng nhân dân, có cơ chế bảo vệ hiệu quả người dám đấu tranh chống tội phạm, xây dựng được hệ thống phương tiện, cũng như quy chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có thể dễ dàng sử dụng các biện pháp, phương tiện đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, hoặc tố giác, trình báo kịp thời về các hành vi sử dụng bạo lực xâm phạm nhân thân. PV: Xin cảm ơn ông! Huyền Trang

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/doi-thoai/2011/07/dai-ta-nguyen-duc-chung-pho-giam-doc-catp-ha-noi-726-vu-giet-nguoi-do-mau-thuan-xa-hoi-bot-phat