Đại sứ Pháp chúc Tết báo BizLIVE

"Thú thật, điều làm tôi ấn tượng nhất trong ngày Tết mà không phải là món bánh chưng, hay mứt tết, mà là bầu không khí. Tất cả người dân Việt Nam, dù ở đâu, làm gì, đều tạo ra một không khí tết đầm ấm".

Đại sứ Pháp tại Việt Nam – ông Jean-Noel Poirier. Ảnh: Việt Khôi

Trong buổi sáng lành lạnh đặc trưng của ngày Tết miền Bắc, căn phòng của Đại sứ tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội tràn ngập ánh sáng của sắc xuân năm mới Bính Thân.

Với vốn tiếng Việt dày dặn, Đại sứ Pháp tại Việt Nam – ông Jean-Noel Poirier – dễ dàng hiểu và hòa vào những câu chuyện vui vẻ của chúng tôi về ẩm thực Việt, cuộc sống và không khí đầu xuân.

Thưa Ngài Đại sứ, đâu là những điểm sáng trong quan hệ ngoại giao Pháp – Việt năm vừa qua?

Quả thực khi bàn về quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam, năm 2015 không có nhiều sự kiện bận rộn như năm 2014. Nhưng phải thừa nhận năm 2014 là một cột mốc rất đặc biệt vì hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Do đó tính về số đoàn ngoại giao viếng thăm thì có thể không bằng, tuy nhiên trong năm 2015, cũng có rất nhiều đoàn quan trọng từ Pháp với Việt Nam và ngược lại, từ Việt Nam tới Pháp.

Đặc biệt, chúng tôi thấy rằng Pháp và Việt Nam đã đạt được một số định hướng cơ bản trong hợp tác.

Nổi bật nhất là một sự kiện cũng mới diễn ra gần đây trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Chúng ta biết rằng để chuẩn bị cho hội nghị COP21 do Pháp đứng ra đăng cai, có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa đoàn Việt Nam với phía Pháp. Việt Nam không chỉ tham dự COP21 mà còn được lựa chọn để tham gia sự kiện tiền COP21 để chuẩn bị cùng phía chủ trì.

Điều này cho thấy Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Pháp tại châu Á trong việc tổ chức hội nghị này vào năm ngoái.

Đó là ví dụ đầu tiên. Một điểm nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là hợp tác trong kinh tế. Giao thương giữa hai nước phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu giữa Pháp và Việt Nam tăng lên gấp đôi – một thành quả ấn tượng.

Hiện tại chưa có một con số tổng kết chính xác cho cả năm 2015, nhưng tôi ước tính kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt 5 tỷ euro, trong đó có gần 4 tỷ euro là xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier cho rằng Pháp và Việt Nam đã đạt được một số định hướng cơ bản trong hợp tác trong năm 2015. Ảnh: Việt Khôi

Cũng cần ghi nhận đóng góp lớn từ các hợp đồng bán máy bay Airbus của châu Âu, trong đó có Pháp, cho Việt Nam. Ngoài ra, có rất nhiều dự án kinh tế khác đã được triển khai trong những năm trước và thu được nhiều thành quả trong năm 2015 như trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, hàng xa xỉ, dược phẩm...

Đó là kết quả của năm 2015, cũng là kết quả của sự chuẩn bị từ hai bên trong nhiều năm trước đó.

Vậy triển vọng cho mối quan hệ ngoại giao Pháp – Việt trong năm nay là gì thưa Ngài?

Trong năm 2016, Pháp - Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong kinh tế. Về mặt chính trị, hai bên sẽ trông đợi những chuyến thăm cấp cao từ Pháp sang Việt Nam và ngược lại.

Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tập trung hơn vào một lĩnh vực hướng tương lai, đó là đào tạo các thế hệ thanh thiếu niên của hai nước.

Chúng ta thường nói đến một cộng đồng đông đảo du học sinh Việt Nam đang theo học tại Pháp, nhưng cũng có một cộng đồng ngày càng lớn các du học sinh Pháp sang Việt Nam theo học. Con số lên đến vài trăm chứ không ít.

Họ sang đây để học tập trong những chương trình dài hạn kéo dài 1 – 2 năm, bên cạnh các khóa học 1 – 2 tháng dành cho các bác sĩ và y tá trong bệnh viện của Việt Nam. Đây cũng là hình thức đào tạo tại Việt Nam được chúng tôi khuyến khích.

Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam đã kết thúc đàm phán trong năm 2015, liệu đây có được xem như cú hích đối với làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam?

Quả thực các doanh nhân Pháp đã ý thức được rằng Việt Nam là mảnh đất tăng trưởng, là thị trường tiềm năng cho nhiều dự án công nghiệp.

Tuy nhiên như mọi người biết, Việt Nam là một thị trường không đơn giản để thâm nhập và phát triển. Đồng thời, các thủ tục đầu tư ở đây khá phức tạp đối với doanh nhân ngoại.

Tuy nhiên, đó cũng là lý do tại sao Đại sứ quán Pháp phải hết sức nỗ lực để giải thích cho các doanh nhân Pháp hiểu được quy trình tại Việt Nam, giúp họ vượt qua những khó khăn đó để khẳng định sự hiện diện về kinh tế ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam.

Đã có nhiều năm vui Tết tại Việt Nam, ấn tượng về Tết trong Ngài là gì?

Cá nhân tôi đã sống tổng cộng hai nhiệm kỳ, tương ứng 7 năm rưỡi tại Việt Nam và đã trải qua 7 cái Tết tại đây.

Quả thực Tết là một dịp rất đặc biệt đối với người Việt Nam, còn với những người ngoại quốc như tôi thì cảm thấy rất thú vị.

Đối với người Việt Nam, đặc trưng đầu tiên là ẩm thực. Người Việt Nam có nét tương đồng lớn với người Pháp về vấn đề ẩm thực trong năm mới với những món ăn truyền thống. Mà nói đến món ăn truyền thống của Việt Nam thì không thể thiếu bánh chưng.

Năm nay tôi đã quyết định thăm gia đình một cặp vợ chồng Pháp - Việt và tham gia làm bánh chưng tại nhà cùng họ. Sau đó, tôi sẽ biết cách làm món ăn dân gian đặc trưng này của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu bạn có dịp thưởng thức món bánh chưng do tôi làm, sẽ thấy là thịt mỡ trong bánh của tôi ít hơn nhiều so với công thức truyền thống của người Việt (cười).

Ngoài bánh chưng, còn rất nhiều món ăn thú vị khác để thưởng thức trong dịp Tết. Đặc biệt trong những ngày rét đậm vừa qua tại Hà Nội thì món lẩu nóng rất thú vị.

Ngài Đại sứ tâm sự, đây là lần thứ 8 ăn Tết ở Việt Nam nhưng lần đầu tiên gói bánh chưng. Ảnh: Lê Hiếu

Nhưng xin thú thật, điều làm tôi ấn tượng nhất trong ngày Tết mà không phải là món bánh chưng, hay mứt tết, mà là bầu không khí. Tất cả người dân Việt Nam, dù ở đâu, làm gì, đều tạo ra một không khí tết đầm ấm. Qua đó, chúng ta có thể nhìn thấy một sự thống nhất về mặt văn hóa giữa tất cả con người Việt Nam.

Có thể đây không chỉ là đặc trưng riêng của Việt Nam, mà của tất cả các nước Đông Nam Á, nhưng nói chung tôi vẫn rất ấn tượng với bầu không khí tại Việt Nam. Các nhân tôi nghĩ rằng đó chính là nền tảng cho sự thống nhất trong toàn xã hội, một ưu thế của người Việt Nam.

Người Việt Nam cho rằng nhắc về những chuyện buồn đã qua là một điều xui xẻo cho năm mới, tuy nhiên tôi vẫn muốn gợi lại một sự kiện, vì nó đã làm thay đổi nhận thức của cả thế giới về an ninh quốc gia và là một bài học cho sau này, đó là vụ đánh bom khủng bố liên hoàn tại Paris. Cảm xúc đầu tiên trong Ngài khi nghe tin dữ là gì?

Quả thực là khi mới nhận được thông tin về vụ khủng bố hàng loạt tại Paris, cảm giác của tôi cũng giống như bất cứ người dân nào khác có người thân tại Paris, đó là lo lắng, muốn tìm hiểu xem bạn bè, người thân của mình tại thành phố Thủ đô Pháp có bị ảnh hưởng gì không. Đây là một phản xạ tự nhiên trong tâm trí, cũng là một hành động rất "người".

Tuy nhiên, sau khi lắng đọng một chút, chúng tôi cũng có những phân tích về mặt chính trị. Như tôi đã nói, Việt Nam vào ngày Tết có những biểu hiện về sự thống nhất văn hóa, đó là nền tảng tạo nên sự ổn định mà dân tộc Việt Nam may mắn có được.

Đáng tiếc là ở Pháp chúng tôi trong điều kiện hiện tại, có một bộ phận trong cộng đồng dân tộc, dù nhỏ thôi, đang muốn chối bỏ các giá trị văn hóa, chối bỏ những di sản, chống lại cả xã hội Pháp. Hệ quả là thảm kịch vừa diễn ra.

Tất nhiên, họ cũng chịu sự ảnh hưởng, điều khiển từ các thế lực bên ngoài để châm ngòi một cuộc chiến tranh giữa các nền văn hóa.

Trước thực trạng này, nước Pháp phải đứng lên để tự bảo vệ mình, trên cả phương diện quân sự và văn hóa. Chúng tôi phải tuyên truyền, giáo dục để khẳng định những giá trị về chính trị, văn hóa mà chúng tôi theo đuổi, để nước Pháp vốn là một nước hùng mạnh trong quá khứ, cũng sẽ là nước hùng mạnh trong lai.

Trước thềm xuân mới, mong ước lớn nhất trong Ngài là gì?

Đối với nhân dân Việt Nam, mong ước lớn nhất của tôi trong năm 2016 là kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng.

Như các bạn đã biết, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một nước may mắn khi chưa chịu nhiều ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng, có thể nói là mang tính chất toàn cầu, hay những sự kiện bất ổn ở Indonesia và Philippines cách đây vài tuần.

Điều này cho thấy Việt Nam rất may mắn khi có một môi trường ổn định. Sự ổn định đó là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế thêm nữa trong năm 2016. Đây là lý do vì sao đôi khi chúng tôi nói vui với nhau rằng Việt Nam là Thụy Sỹ ở châu Á trên phương diện an ninh.

Ngài có lời chúc gì gửi đến bạn đọc BizLIVE?

Với báo BizLIVE, tôi chúc ban biên tập và tờ báo mạng càng ngày càng mở rộng và phát triển hơn nữa. Cá nhân tôi mới đọc các bài trong chuyên mục tiếng Anh mới mở trên trang BizLIVE, tôi cảm thấy thích thú khi thấy các chủ đề rất phong phú, đa dạng, nhiều bài viết hay. Hy vọng trong năm 2016, BizLIVE sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn Ngài!

LỀ PHƯƠNG - MINH TUẤN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-su-phap-chuc-tet-bao-bizlive-1586817.html