Đại hội quốc dân Tân Trào

Năm 1945, Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh tiêu diệt phát xít Đức và Nhật Bản, chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, quân đội Nhật ở Đông Dương hoang mang, Chính phủ thân Nhật hoàn toàn tê liệt, phong trào cách mạng trong nước dâng cao. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập và đã đánh chiếm nhiều căn cứ quân sự của Nhật ở Yên Bình, Chợ Chu, phủ Yên Thế, Tam Đảo... Các cuộc biểu tình chống thuế, chống bắt phu bắt lính, phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, trấn áp bọn tay sai... diễn ra khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, khí thế chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền lan khắp cả nước.

Ngày 9-8-1945, Thường trực Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị số 7 nêu rõ nhiệm vụ cấp bách của các hội, đoàn thể và các giới là chống nạn bắt phu làm đường, làm cầu cho giặc và tổ chức các đội tự vệ bảo vệ dân làng. Ngày 12-8-1945 Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng ra lệnh khởi nghĩa. Cùng ngày, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và phát đi bản Quân lệnh số 1 chỉ rõ: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!”. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân Tân Trào khai mạc (tại Tuyên Quang), do Tổng bộ Việt Minh triệu tập. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu Bắc - Trung - Nam, đại biểu các đảng phái chính trị,các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Đại hội đã phân tích tình hình trong nước và thế giới, hiệu triệu các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh, thi hành 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, một hình thức Chính phủ lâm thời, thay mặt quốc dân giao thiệp với nước ngoài và chủ trì mọi việc ở trong nước. Ủy ban gồm có lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, các Ủy viên gồm các ông Phạm Văn Đồng, Cù Huy Cận, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Đình Thi, Chu Văn Tấn, Dương Đức Hiền, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huy Liệu, Phạm Ngọc Thạch. Ủy ban còn cử ra Ủy ban Thường trực gồm 5 vị: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền. Ngày 17-8-1945, Ủy ban giải phóng dân tộc làm lễ ra mắt. Đại hội quốc dân Tân Trào cũng quy định: Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca. Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước, các đoàn thể cứu quốc nổi dậy giành chính quyền, gia nhập Việt Minh, làm cho Việt Minh lớn mạnh và chính sách của Việt Minh được thực hiện khắp cả nước. Đại hội quốc dân Tân Trào là một mốc lịch sử quan trọng trong lịch sử dân tộc ta. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội, các địa phương trong cả nước đã nhất tề khởi nghĩa giành chính quyền, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 đến thắng lợi hoàn toàn, thành lập Chính phủ mới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một trang sử mới cho dân tộc. Với việc triệu tập Đại hội quốc dân Tân Trào và tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước, Mặt trận Việt Minh đã thực sự lớn mạnh, được toàn dân ủng hộ, là cơ sở cho sự đoàn kết, đấu tranh của toàn dân tộc. Trong lịch sử 80 năm của MTDTTN Việt Nam, Mặt trận Việt Minh với những hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp mà điển hình là Đại hội quốc dân Tân Trào và Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mãi mãi là một điểm sáng chói ngời, là niềm tự hào của MTDTTN Việt Nam. Trần Hậu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=19459&menu=1396&style=1