Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ V

Ngày 21/10, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức long trọng Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ V và Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II của ngành Giáo dục. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo TW đã đến dự.

Dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ V có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ GD-ĐT các thời kỳ; các lãnh đạo bộ ban, ngành cùng hơn 700 đại biểu tập thể, cá nhân đại diện cho toàn ngành Giáo dục. Trong 5 năm qua, ngành GD-ĐT đã nỗ lực phấn đấu, phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn tạo nên những bước phát triển về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục, thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 - 2010. Công tác Thi đua - Khen thưởng đã góp phần huy động sức mạnh của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, sinh viên, học sinh trong ngành thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Giáo dục, góp phần đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao cho sự nghiệp phát tiển Kinh tế - Xã hội của đất nước. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã báo cáo Tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2006-2010. Từ phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đã được triển khai giai đoạn trước, từ năm 2006 đến nay, ngành Giáo dục đã có những đổi mới quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo và đánh giá công tác thi đua, khen thưởng, thông qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội”; Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đây là bước đột phá trong công tác thi đua của ngành, tạo không khí mới, chấn chỉnh kỉ cương, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần vào những thành tựu phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Chỉ tính từ tháng 9 năm 2005 đến nay toàn ngành đã có 40 tập thể, 05 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho 03 tập thể, Huân chương Hồ Chí Minh cho 18 tập thể và 02 cá nhân, Huân chương Độc lập cho 141 tập thể 50 cá nhân; 321 nhà giáo được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. So với 5 năm trước tỷ lệ cá nhân được khen thưởng cao tăng hơn... Tuy nhiên, công tác thi đua khen thưởng cũng còn một số hạn chế, đó là ở một số cơ sở giáo dục, cấp ủy Đảng và chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức các phong trào thi đua chưa thực sự thiết thực với nhiệm vụ chính trị được giao, chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục. Công tác thi đua ở khối các trường đại học, cao đẳng chưa thật sự chuyển biến so với yêu cầu đổi mới; chưa tương xứng với phong trào thi đua, còn nặng về khen thưởng thường niên, chưa gắn việc khen thưởng với nhân điển hình tiên tiến. Một số tập thể và nhà giáo được khen thưởng cao chưa đảm bảo được tính tiêu biểu, nêu gương và giáo dục, đặc biệt sự tỏa sáng sau khi được tôn vinh chưa thật sự hiệu quả… Giai đoạn 2011 - 2015, toàn ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo định hướng tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong ngành Giáo dục mà nòng cốt là phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” với sự cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua của ngành, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổ chức các phong trào thi đua, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị quản lý giáo dục và từng trường học. Việc khen thưởng được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời và đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng việc, tăng cường khen thưởng cá nhân là giáo viên trực tiếp đứng lớp và người lao động. Tiếp tục tôn vinh các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chăm lo phát triển giáo dục, tôn vinh các nhà quản lý giỏi, các giáo viên dạy giỏi…. Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, sắp tới, giai đoạn 2011-2015, đất nước và ngành giáo dục đang đứng trước thách thức và trách nhiệm rất to lớn. Đại hội Đảng xác định có 3 khâu độ phá trong đó có phát triển nguồn nhân lực để biến khó khăn tạm thời thành sức mạnh quốc gia trong cạnh tranh quốc tế làm nền tảng phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đưa ra 4 bài học trong việc thực hiện phong trào thi đua, đó là việc chọn mục tiêu thi đua phải thiết thực, hiệu quả và khả thi; tạo được sự tham gia của toàn xã hội; bám sát thực tiễn, đánh giá thực tiễn để điều chỉnh và phát hiện điển hình; khen thưởng kịp thời và hiệu quả. Phó Thủ tướng cũng yều cầu ngành Giáo dục quan tâm giới thiệu gương mặt các nhà giáo, nhà quản lý, gương học sinh chăm ngoan, học giỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều hơn nữa nhằm nhân rộng các điển hình tiên tiến trong toàn ngành. Tại Đại hội lần này, ngành Giáo dục đã công bố quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho PGS.TS.NGND Nguyễn Thị Trâm – Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội và 4 tập thể là trường ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) và ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGTP.HCM).

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=429969&co_id=30085