Đại dự án Thủy điện Lai Châu và những mối lo có thực

Thủy điện Lai Châu, công trình lớn cuối cùng trong toàn bộ hệ thống thủy điện cả nước sẽ được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp này. Cùng với dự án Điện hạt nhân ở Ninh Thuận, hôm nay (13/11), đại dự án thủy điện Lai Châu sẽ được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Nhà máy thủy điện Lai Châu dự kiến sẽ đặt tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, Lai Châu, nằm ở bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, kế theo là bậc thang thủy điện Sơn La đang xây dựng và dưới cùng là thủy điện Hòa Bình. Băn khoăn độ an toàn Trong bản báo cáo thẩm tra rất chi tiết gửi tới các ĐBQH, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đưa ra nhiều lưu ý về đảm bảo sự an toàn cho nhà máy. Chẳng hạn, về nền móng, vận động địa chấn, thiết kế thân đập, thành phần bê tông, công nghệ đổ bê tông, bảo dưỡng bê tông sau khi đổ, sự nghiêm túc trong chỉ đạo giám sát thi công. Ngoài ra, còn một số yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng là sự cộng hưởng giữa lũ cực đại và trường hợp xảy ra sự cố vỡ đập trên lãnh thổ Trung Quốc. Trên thượng lưu sông Đà, phía Trung Quốc đã quy hoạch 11 hồ thủy điện, tổng dung tích 1,7 tỷ mét khối nước. "Cần tính toán thêm và xem xét đến một số yếu tố bất thường, cực đoan của thời tiết do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra và tình trạng độ che phủ rừng ngày càng suy giảm. Cơn báo số 9 xảy ra ở miền Trung vừa qua là một sự cảnh báo", Chủ nhiệm Ủy ban, ông Đặng Vũ Minh cảnh báo. Ủy ban cũng khuyến cáo, công trình nằm trong khu vực có cấu trúc địa chất và kiến tạo phức tạp, xác suất xảy ra động đất khá cao. Trước đó, khi thẩm tra Dự án Thủy điện Sơn La, Quốc hội đã lưu ý "động đất trên đứt gãy Lai Châu - Điện Biên được đánh giá là nguy hiểm nhất đối với công trình thủy điện Lai Châu, có thể gây chấn động 5,5 độ rích-te ở Thác Lai và Nậm Nhùn". Ở Tuần Giáo trước đây cũng đã từng xảy ra động đất 7,8 độ rích-te. Do đó, cần có những nghiên cứu để làm rõ hơn ảnh hưởng của hoạt động địa chấn của vùng này đến độ an toàn của công trình, đặc biệt là sau vụ động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) năm 2007 và khả năng xảy ra động đất kích thích khi thủy điện Lai Châu, thủy điện Sơn La cùng tích nước. Mặt khác, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng cùng với việc xác định các yếu tố ảnh hưởng tới độ bền vững của nền móng công trình thì việc thiết kế thân đập thủy điện phải được tính toán hợp lý, vừa đảm bảo hệ số an toàn, vừa tránh lãng phí do tăng kích cỡ công trình đập quá mức cần thiết. Ủy ban cũng yêu cầu Chính phủ đánh giá, phân tích kỹ hơn các ưu, nhược điểm của từng phương án quy mô công trình, tương ứng với bốn mực nước dâng. Trong báo cáo, Chính phủ đưa ra bốn phương án mức nước lòng hồ 285, 290, 295, 300 m, song chỉ đề xuất lựa chọn mức nước 295 m và giải trình các thông số kỹ thuật, an toàn, an ninh... tính theo phương án này. Mặt khác, thủy điện Lai Châu là công trình gần biên giới. Nếu mực nước dâng bình thường 295 m thì rìa hồ sẽ cách biên giới Việt-Trung được 15-20 km nhưng khi nước dềnh thì chỉ cách khoảng 2km.Lúc ấy, tỉnh Lai Châu sẽ bị chia cắt, đặt ra bài toán phức tạp về phòng thủ. Trong quá trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt các dự án thủy điện trên sông Đà, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan đã có ý kiến đồng ý về yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ, toàn diện để bảo đảm an toàn cho công trình, bảo vệ hành lang biên giới, phòng thủ đất nước trong trường hợp xẩy ra thiên tai, sự cố thiên nhiên và các trường hợp khác. Dân tái định cư phải được tạo việc làm bền vững Để xây dựng nhà máy, sẽ có tới 1.331 hộ gia đình, tương đương với 5.867 khẩu thuộc 8 xã và 1 thị trấn. Các điểm tái định cư chủ yếu phân bố ở huyện Mường Tè. Theo dự kiến, cơ chế tái định cư của Dự án thủy điện Lai Châu được áp dụng như cơ chế di dân tái định cư của Dự án thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, việc di dân tái định cư ở Sơn La, cho đến nay đã bộc lộ không ít hạn chế. Người dân đến nơi tái định cư không đủ đất trồng trọt, phải rời bỏ tập quán canh tác cũ trong lúc chưa có nghề nghiệp mới. Chủ nhiệm Ủy ban, ông Đặng Vũ Minh lưu ý, cần rút kinh nghiệm việc tổ chức di dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La trước khi áp dụng. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý, cần xây dựng các phương án quy hoạch phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp dân cư, dạy nghề, tạo việc làm bền vững. Ngoài tái định cư, thì phương án huy động vốn cho dự án cũng cần phải tính kỹ. Theo tính toán, nhà máy sẽ có tổng mức đầu tư sơ bộ là 32.568,590 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, số tiền trên được tính vào thời điểm quý II năm 2008. Vì vậy, cần làm rõ vào thời điểm hiện nay (sau 16 tháng) dự toán có những thay đổi như thế nào. Thực tế, ngay dự án Thủy điện Sơn La đến thời điểm này cũng phải tăng 39% vốn so với dự kiến. Dự án được thực hiện theo phương thức gồm 20% vốn tự có của chủ đầu tư, 80% vốn huy động từ nguồn vay ngoại tệ mua thiết bị, vay tín dụng ưu đãi trong nước, vay các ngân hàng thương mại trong nước. Để bảo đảm sự chủ động, Ủy ban này khuyến cáo cần cân đối khả năng đóng góp vốn tự có trong tình hình, khả năng tài chính của mình, gắn với đề án thu xếp vốn và cơ chế tài chính cho các dự án điện trong Quy hoạch điện VI. Theo báo cáo của EVN, trong giai đoạn từ 2009-2015, khả năng cân đối vốn của EVN đạt tỷ lệ thấp so với nhu cầu để thực hiện các dự án do EVN làm chủ đầu tư của Quy hoạch điện VI... Rút kinh nghiệm từ thủy điện Sơn La Là dự án triển khai cuối cùng, nên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khuyến cáo, nên nghiên cứu để rút kinh nghiệm từ dự án thủy điện Sơn La đang triển khai. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Vũ Minh, thực tế, trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện lớn, đặc biệt là thủy điện Sơn La đã phát sinh những khó khăn, bất cập. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giám sát đầu năm nay đã chỉ ra một số tồn tại của dự án này, như tăng vốn đầu tư khá lớn, công tác di dân tái định cư chưa thật sự bảo đảm mục tiêu người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn ở nơi ở cũ một cách bền vững rồi việc tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật xây dựng để bảo đảm an toàn cho công trình... Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần sớm rút kinh nghiệm cả mặt được và mặt chưa được để việc quyết định chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện Dự án thủy điện Lai Châu sẽ đạt được hiệu quả cao nhất có thể. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tính toán để rút ngắn thời gian thi công nhà máy thay vì như đề xuất: Khởi công cuối 2010, phát điện tổ máy đầu tiên vào 2016 và hoàn thành toàn bộ vào 2017. Bởi Nhà máy thủy điện Lai Châu có công suất phát điện bằng công trình Sơn La; khối lượng bê-tông cũng chỉ bằng hơn một nửa. Thời gian thực hiện dự án Sơn La là tám năm (2005-2012) thì như thế với những kinh nghiệm thu lượm được, dự án Lai Châu có thể rút ngắn được 1-2 năm. In Email Thảo luận

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/2009-11-12-dai-du-an-thuy-dien-lai-chau-va-nhung-moi-lo-co-thuc