Đã uống rượu, bia thì không lái xe

Đây là chủ đề của Tháng an toàn giao thông năm nay, đã được rất nhiều người quan tâm và suy ngẫm. Nhưng việc để ai ai cũng nghiêm túc thực hiện thì vẫn còn ở phía trước. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu bài viết của GS.TS Nguyễn Lân Dũng.

Mỗi ngày một "trung đội” ra đi Số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong 7 tháng đầu năm đã làm hơn 12.000 người chết và bị thương. Tính trung bình mỗi ngày có 57 người chết và bị thương vì tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm trước đã tăng thêm 13 người chết và 139 người bị thương. Năm 2010 đã có tới 28.000 trường hợp vi phạm an toàn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã gần bằng cả năm trước với 25.000 trường hợp. Trong dịp lễ 2-9 vừa qua, bình quân mỗi ngày, Khoa cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận hơn 30 ca chấn thương vì tai nạn giao thông, riêng ngày 2-9 có tới 75 trường hợp, tăng 20% so với dịp lễ năm 2010. Trong số này có hơn 50% người có sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông. Cơ quan chức năng cũng cho biết khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông - tương đương với 11% số người tử vong có liên quan đến rượu, bia. Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 88 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nghị quyết này có phần yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu bia. Trong đó, Bộ Y tế và Bộ Công an trong quý IV năm nay phải ban hành được quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người tham gia điều khiển phương tiện giao thông. "Phòng chống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông” là chủ đề của Tháng An toàn giao thông Quốc gia 2011. Tại nhiều quốc gia có luật điều chỉnh về nồng độ cồn trong máu (BAC) khi lái xe hay khi phải làm việc với các máy móc thiết bị nặng, thông thường giới hạn dưới 0,05% tới 0,08%. Trong rượu tự chế thường có lẫn rượu mêtylích (methanol) là một chất rất độc hại đối với cơ thể. Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Y tế) cho biết trung bình người Việt Nam sử dụng tới 6,4 cốc bia/ngày (21,1 cốc/tuần). Trẻ em, phụ nữ và cư dân nông thôn không hoặc ít uống bia. Vậy thì mức độ uống bia của thanh niên thành phố sẽ lớn biết ngần nào? Mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 1,5 tỷ lít bia và khoảng 350 triệu lít rượu . Đấy là chưa kể đến khoảng 2000 loại các thứ rượu, bia tự nấu theo phương pháp thủ công. Tính toán sơ bộ cho thấy người Việt Nam đã chi tới khoảng 6-7 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho bia, rượu (con số này tăng lên khoảng 10% mỗi năm). Con số này bằng khoảng 1,5% GDP mỗi năm và băng số tiền thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2006. Rượu bia và những hệ lụy đến an toàn giao thông Trong rượu bia đều chứa cồn, tức là ethanol (hay rượu ethylic- C2H5OH). Tùy theo từng loại rượu bia khác nhau mà nồng độ cồn khác nhau. Theo các tài liệu khoa học thì cồn được hấp thụ trên toàn tuyến của bộ phận tiêu hóa, bắt đầu ngay từ màng niêm mạc miệng. Cồn được hấp thụ ở đấy sẽ đi thẳng vào máu và vì thế được phân tán ra trên toàn cơ thể. Cồn được hấp thụ ở ruột rồi đi cùng với máu đến gan và được phân hủy một phần ở đó. Khả năng tiếp nhận cồn tăng lên nhờ vào các yếu tố làm gia tăng việc lưu thông máu thí dụ như nhiệt (rượu Irish coffee), đường (rượu mùi) hay CO2 (hơi ga trong sâm banh). Ngược lại, mỡ làm cho cơ thể tiếp nhận cồn chậm lại. Việc này không làm giảm việc hấp thụ cồn mà chỉ kéo dài thời gian ra. Trong gan cồn được enzim phân hóa thành acetaldehyd (CH3CHO). Acetaldehyd tiếp tục bị ôxy hóa thành acid acetic (CH3CH2COOH). Acid acetic được các tế bào trong toàn cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2. Sản phẩm trung gian acetaldehyd chính là thủ phạm của các cơn nhức đầu, hậu quả của việc uống nhiều rượu. Đường là chất ngăn cản việc phân hủy cồn trong cơ thể, vì vậy mà tác động nhức đầu ở các loại rượu có đường là rất cao, nhất là ở rượu mùi và một số loại sâm banh (champagne). Các nhà khoa học xác định rằng: trong gan, enzim dehydrogenase sẽ oxy hóa cồn thành acetaldehyd, sau đó tiếp tục oxy hóa nhờ enzim acetaldehyd dehydrogenase mà tạo thành acid acetic (vô hại). Hai phản ứng oxy hóa này đi đôi với việc khử NAD + thành NADH (NAD là nicotinamid adenin dinucleotid). Trong não, ít có sự oxy hóa cồn thành acetaldehyd. Nhưng thay vào đó, enzyme catalase sẽ tham gia vào việc oxy hóa cồn thành acetaldehyd. Những người có sự thiếu hụt di truyền về các enzyme chịu trách nhiệm chuyển hóa acetaldehyd thành acid acetic có thể có nguy cơ lớn hơn do dẫn tới bệnh Alzheimer. Gần đây một nghiên cứu trên 818 người nghiện rượu cho thấy rằng những người này có nhiều acetaldehyd hơn những người khác do khiếm khuyết về gen tạo enzim acetaldehyd dehydrogenase, do đó có nguy cơ phát triển bệnh ung thư ở đường tiêu hóa trên và ở gan. Tốc độ phân hủy cồn không thay đổi trong giới hạn nhất định. Ở phần đông người châu Âu là khoảng 1gam cồn trên 10 kg cân nặng trong một giờ. Có nghĩa là một người 70kg trong 1giờ chỉ có thể phân hủy được tối đa 7gam cồn. Nếu uống quá sẽ là rất có hại cho cơ thể. Tốc độ phân hủy cồn không tăng lên vì việc hay uống rượu. Hiệu ứng quen với cồn thường được nhìn thấy ở những người nghiện rượu không phải do việc phân hủy cồn nhanh mà là do hệ thống thần kinh đã quen với lượng chất độc cao hơn so với những người khác. Họ ít say hơn, ít đỏ mặt hơn nhưng tác hại của cồn thì không có gì thay đổi Theo các bác sĩ thì nồng độ cồn trong máu (BAC) ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái của cơ thể. Cụ thể là sau khi uống rượu, cơ thể có những phản ứng qua nhiều giai đoạn tương ứng với các lượng cồn trong máu như sau: -Hưng phấn (khi BAC= 0,03-0,12% ). Người uống cảm thấy tự tin hơn, liều lĩnh hơn, khả năng tập trung giảm, thời gian chú ý rút ngắn, mặt có thể đỏ ửng, giảm khả năng phán đoán, nhận xét, thường nghĩ gì nói đó, thiếu suy xét, gặp khó khăn trong trong các cử động khéo léo như viết, ký tên... -Kích động ( BAC= 0,09-0,25%). Người uống cảm thấy khó nhận thức hay ghi nhớ một vấn đề, phản ứng chậm, dễ mất thăng bằng, giảm sút các khả năng cảm giác như: nhìn mọi vật đều mờ ảo, nghe, nếm kém... -Hoang mang (BAC= 0,18-0,30%).Người uống cảm thấy có thể không biết mình là ai, đang làm gì, hoa mắt, chóng mặt, đi đứng lảo đảo, có những cảm xúc cực đoan: rất hung hăng hoặc rất nhút nhát, có khi lại rất trìu mến..., cảm thấy buồn ngủ, lời nói không mạch lạc, câu chữ líu nhíu, giọng nói lè nhè, động tác rời rạc, kết hợp kém, chẳng hạn như chụp một vật được rồi ném tới một cách rất khó khăn, khó cảm thấy đau đớn hơn so với người bình thường. -Mê mẩn (BAC= 0,25-0,4%). Người uống cảm thấy hầu như không thể di chuyển, đi, đứng hay trả lời các câu hỏi... lúc tỉnh, lúc mê, có khi nôn mửa, -Bất tỉnh ( BAC= 0,35-0,50%). Không còn có ý thức được nữa. Phản ứng của cơ thể giảm mạnh, đồng tử hầu như không phản ứng với ánh sáng. Hơi thở chậm và yếu. Nhịp tim chậm dần. Có cảm giác lạnh (nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới thân nhiệt bình thường) -Tử vong: dễ dàng xảy ra khi BAC > 0,50% Các bác sĩ cho biết khi BAC chỉ khoảng 0,02% (tương đương với 1/3 mỗi cốc bia hay 100ml rượu mạnh) đã đủ tác động lên hệ thần kinh, nhất là não bộ, khiến người uống có phản ứng chậm đi và góc nhìn thu hẹp lại. Chỉ cần uống 1 lon bia cũng đủ để giết chết khoảng 100 nghìn tế bào (!). Một cơn say rượu có thể làm chết đi tới 10 triệu tế bào (!). Cồn làm giảm tính tự kiềm chế và vì thế tăng hưng phấn tình dục. Như vậy rõ ràng là nếu uống rượu , bia quá khả năng phân hủy kịp thời trong gan (để chuyển thành acid acetic) thì sẽ rất có hại cho sức khỏe. Đặc biệt cần nhớ là ngay với nồng độ cồn trong máu chưa cao lắm (BAC= 0,03-0,12%) thì khả năng điều khiển ô tô, xe máy cũng đã bị ảnh hưởng rõ rệt và khi đó rất dễ gây ra tai nạn cho chính mình và cho người khác. Những hậu quả và hệ lụy của bia rượu, có lẽ không cần nhắc lại quá nhiều. Đặc biệt là với người tham gia điều khiển tất cả các loại phương tiện giao thông. GS.TS Nguyễn Lân Dũng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=38152&menu=1427&style=1