Đã là đường cao tốc phải có lớp tạo nhám

An toàn cho tính mạng còn người và phương tiện không thể tính bằng tiền được. Kể cả có đắt hơn bao nhiêu lần đi chăng nữa thì vẫn bắt buộc phải làm.

Đây là ý kiến của các giáo sư, chuyên gia của tiểu ban kỹ thuật thuộc Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng như các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực kết cấu mặt đường ô tô tại cuộc họp mở rộng của Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ GTVT diễn ra ngày 4/6/2010 nhằm trao đổi, thảo luận và đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật của lớp tạo nhám và một số giải pháp kỹ thuật liên quan đến Dự án đường ô tô cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Phóng viên Báo GTVT lược ghi một số ý kiến tại cuộc họp trên. Giáo sư, Tiến sĩ Dương Học Hải, Trường Đại học Xây dựng HN: Không có lớp tạo nhám không thể gọi là đường cao tốc Đã là đường cao tốc thì phải có lớp tạo nhám mặt đường. Bê tông nhựa thông thường chỉ có thể cho phép chạy an toàn với tốc độ từ 60 - 80 km/h. Đặc biệt vào trời mưa, bê tông thông thường sẽ tạo độ trơn trượt cao, nếu chạy với tốc độ cao sẽ rất nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Nếu bây giờ chưa thảm lớp phủ tạo nhám thì buộc lòng chủ đầu tư phải cắm biển hạn chế tốc độ, khi đó đường cao tốc sẽ không còn đúng nghĩa là đường cao tốc nữa, hiệu quả đầu tư xây dựng sẽ giảm. Còn nói lãng phí thì nếu không thảm lớp tạo nhám sẽ khiến các phương tiện không thể chạy đúng tốc độ, TNGT tăng cao thì còn lãng phí hơn rất nhiều lần. Chính vì vậy, cơ quan bảo hiểm của nước Pháp đã từng bỏ kinh phí riêng của họ để làm lớp tạo nhám nhằm giảm tiền đền bù bảo hiểm do tai nạn xảy ra trên đường cao tốc và kết quả là chỉ sau 2 năm, họ đã hoàn vốn. Quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Phán, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nên học tập cách làm của tư nhân và lấy ví dụ cách làm đối với đường Nguyễn Văn Linh ở TP Hồ Chí Minh là không đúng vì con đường này là đường đô thị. Thậm chí kể cả những điểm cục bộ đầu cầu, dù biết trước có thể sẽ còn lún thì vẫn cần phải làm lớp tạo nhám và khi bị lún thì phải bù ở chỗ tiếp giáp này để đảm bảo tính đồng bộ, liên tục về tốc độ và bảo đảm an toàn cho các phương tiện. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Bửu, Trường Đại học Xây dựng HN: Kể cả có đắt hơn vẫn chọn Novachip Lớp phủ tạo nhám trên đường cao tốc không chỉ quan trọng mà phải nói là tối quan trọng. Nếu không có lớp này mà đã đưa vào khai thác, khi phương tiện chạy với tốc độ nhanh, độ trơn trượt lớn, nếu xảy ra TNGT thì không chỉ 1 xe mà là liên hoàn hàng chục xe, mức độ thiệt hại không kể xiết. Một trong những vấn đề mà trước đây Hội đồng nghiệm thu nhà nước chưa thể nghiệm thu đối với tuyến Pháp Vân- Cầu Giẽ dù đã đưa vào khai thác nhiều năm là do chưa có lớp tạo nhám. Ở Việt Nam bê tông nhựa thông thường chưa có công nghệ nào đáp ứng được độ nhám cần thiết cho đường cao tốc, do đó bắt buộc phải làm lớp tạo nhám. Hiện nay, Việt Nam có 2 công nghệ tạo nhám được sử dụng là Novachip và VTO. Tuy nhiên, Novachip có lớp Novabon kết dính tốt, chống nước mưa nên chất rất tốt. Hơn nữa, máy rải Novachip có tốc độ nhanh hơn hẳn VTO và cho độ nóng cũng như chất lượng nhựa cao nên dù có đắt hơn từ 1,1- 1,2 lần thì vẫn nên chọn Novachip. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Huy Khang - Trường Đại học GTVT: An toàn không thể tính bằng tiền được Đã là đường cao tốc thì phải có lớp phủ tạo nhám là điều không phải bàn cãi. Đó là chưa tính đến việc công nghệ tạo nhám Novachip theo tính toán của chủ đầu tư và nhà thầu không đắt hơn nhiều bê tông nhựa thông thường và tương đương với công nghệ VTO. Ông Nguyễn Đức Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ VN: Cần thảm cả những vị trí còn lún cho đồng bộ Việc tầm quan trọng của lớp tạo nhám cho đường cao tốc thì không phải bàn cãi vì đã là đường cao tốc phải bắt buộc có. Tuy nhiên, hiện nay tuyến cao tốc TP. HCM- Trung Lương vẫn còn một số điểm chưa thảm Novachip do phải chờ lún. Điều này là thiếu đồng bộ và rất nguy hiểm cho các phương tiện. Các phương tiện đang chạy với tốc độ cao ở những đoạn đã thảm lớp tạo nhám, phải đột ngột giảm tốc ở những vị trí chưa thảm rất dễ gây tai nạn. Do đó cần phải thảm nốt những đoạn còn lại cho đồng bộ, kể cả có tốn kém cũng phải làm. Hơn nữa, những điểm này còn lại rất ít và chiếm tỷ lệ không nhiều so với cả tuyến đường cao tốc dài 40km. Ông Phạm Dũng- Chủ tịch HĐQT Cienco 1: Nhà thầu VN hoàn toàn chủ động về công nghệ Trước khi triển khai ở đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương, Novachip đã được thảm thử ở đường Bắc Thăng Long- Nội Bài. Cho đến nay đã được 2 năm nhưng chất lượng của lớp thảm này vẫn rất tốt. Cienco 1 là đối tác liên danh với công ty Hall Brothers của Mỹ nên không có yếu tố chuyên gia nước ngoài, do vậy giá thành của Novachip mới rẻ như hiện nay. Bên cạnh đó, không có chuyện nhà thâùViệt Nam phụ thuộc vào nước ngoài mà hoàn toàn chủ động về mặt công nghệ. Hiện tại ở Việt Nam đã có 2 máy thảm Novachip do liên danh nhà thầu đặt mua của Đức. Bản thân Cienco 1 cũng không phải bỏ tiền ra mua công nghệ mà 2 đối tác cùng đầu tư và chia sẻ lợi nhuận kinh doanh. Theo báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận gửi Bộ GTVT, sau 4 tháng khai thác tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương có tổng số 5 vị trí xuất hiện lún. Tổng chiều dài của các vị trí này sau khi xử lý bù lún và làm phẳng bề mặt cho phù hợp với địa hình thực tế cho cả 2 chiều là 0,251km/79,6km (khoảng 0,3%). Tình trạng lún cục bộ của 5 vị trí trên tập trung tại điểm tiếp giáp giữa phần kết thúc hoặc bắt đầu của công trình và nền đường. Đối với giá thành bê tông nhựa tạo nhám, theo chứng thư do Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá miền Nam cung cấp, tổng dự toán chi phí xây dựng sau thuế là hơn 107 tỷ đồng. Dự toán chi phí xây dựng sau tiết kiệm là hơn 105 tỷ đồng. Khối lượng thảm là 914.897 m2/48.798 tấn. Đơn giá 1 tấn bê tông nhựa tạo nhám (bao gồm cả thi công) là 2.156.734 đồng/tấn. Tại cùng thời điểm (tháng 7/2009) thì đơn giá 1 tấn bê tông nhựa thông thường cụ thể là: bê tông nhựa hạt mịn (bao gồm cả thi công cho lớp 5cm) là: 1.136.428 đồng/tấn; bê tông nhựa hạt trung (bao gồm cả thi công cho lớp 7cm) là: 1.168.502 đồng/tấn. Như vậy, đơn giá so sánh cho 1 tấn giữa Novachip và bê tông nhựa thông thường là 1,7 lần.Tuy nhiên, các chuyên gia trong cuộc họp cho biết việc so sánh này là không có ý nghĩa vì không thể dùng bê tông nhựa thông thường để làm lớp tạo nhám, dù là bê tông nhựa hạt thô. Đức Thắng (Ghi)

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Khoa-hoc-Doi-song/Khoa-hoc-cong-nghe/Da_la_duong_cao_toc_phai_co_lop_tao_nham/