Đá gà kiểu Campuchia: Những con quỷ khát máu

(Dân Việt) - Anh Phan Thành Thọ (Rạch Giá, Kiên Giang) vừa bị gà chọi đá thủng tim! Nghe thì tưởng chuyện lạ nhưng với trò đá gà kiểu Campuchia đang du nhập vào Việt Nam, chuyện ấy là thường.

Là người yêu môn chọi gà, tôi xin khẳng định những trận “giác đấu” của các chú gà bên kia biên giới không thể gọi là môn chơi nghệ thuật. Những con quỷ khát máu Qua mấy trường đá gà bên Campuchia, bỗng thấy sợ môn chơi mang tính thượng võ này. Xem qua dăm trận, dù có đặt cược chút tiền cho phải phép nhưng tôi không dám để mắt vào sân đấu. Họ đá gà “bọc cựa”. Thợ gà đá kiểu “giác đấu” hoàn toàn có thể lấy những chấn thương giữa hai đùi làm thước đo cho sự chuyên nghiệp của mình. Ở miền Bắc của Việt Nam, “bọc cựa” là một hành động phong lưu mã thượng, gà lớn hơn sẽ phải chấp bọc cựa lại bằng vải 1 – 2 hồ đấu tùy theo chênh lệch kích thước. “Bọc cựa” tại các trường gà ở đây khác hẳn; mục đích để gà nhanh chết. Những chiếc cựa thép nhỏ như đầu đũa, dài 7 phân, mài nhọn hoắt được ốp vào cựa gà. Chỉ cần dính một cước là “xong vụ”, thời gian là vàng có khác, chưa một trận đấu nào tôi chứng kiến kéo dài quá 3 phút, không hồ đấu, không “vần” gà, đánh chết thôi. Không con nào chịu đánh thì “gò sới”, vòng quây thu hẹp, hai con sát sạt nhau, không muốn đánh cũng không được. Con chết sau thắng con chết trước (cực hiếm ở các sới gà ngoài Bắc) là chuyện thường. Đúng là kiểu “giác đấu”. Cú “duỗi cẳng” hạ nốc ao đối thủ. Ở miền Bắc Việt Nam, có những ông chơi gà tìm cả đời mới được đủ 3 con theo ba “sở” khác nhau: Thước thợ, nguyệt cung, chiều tà. Đó là khuôn vàng, thước ngọc của môn chơi gà chọi: Thước thợ đá đẹp, đá như biểu diễn; nguyệt cung đánh đòn âm, chủ yếu phá đòn đối phương nhưng khi ra đòn thì cực kỳ tàn độc; chiều tà vật vờ nhưng ra đòn nhẹ mà kín, một đòn là xong. Cả ba loại đều có một “tật” để người ta yêu, bao giờ cũng đánh thăm dò, chờ đòn của đối phương ra trước. Thế nên 3 thứ bảo vật này gặp mấy anh gà “cơ điên” ở đây là “hết thuốc chữa”. Các anh “cơ điên” là loại “không biết địch – không biết ta” xông vào là đá văng mạng, hễ yếu cơ hơn thì chạy như chuột, đố ông nào đuổi được. Thứ binh pháp mạt hạng này nhờ chiếc cựa thép 7cm nhọn hoắt đâm ra lại đắc dụng. Chỉ cần đánh trúng một đòn là xong, sau đó có chạy quanh, chạy quẩn, tránh đòn, chờ đối phương chảy hết máu lăn đùng xuống giãy đành đạch là xong. Vì chơi gà bọc cựa thép nên mấy “thợ gà” tại các trường gà này có dáng “kẹp gà” xấu không thể tả. Hiếm người biết được, việc “kẹp gà” quyết định tới 50% kết quả trận đấu. Trước khi xung trận, gà được thợ gà kẹp chặt giữa hai đùi, mục đích là làm gà cuồng cẳng để lúc gặp đối thủ, gà có được cú “duỗi cẳng” hoàn hảo. Với kiểu đá gà truyền thống, nhiều khi sau cú “duỗi cẳng”, kết quả trận đấu đã được định đoạt. “Duỗi cẳng” là cú đánh phủ đầu mang toàn bộ sức mạnh khiến đối phương phải kiêng nể, dè chừng (ngôn ngữ đá gà gọi là bị “chột”). Với trò đá gà kiểu khát máu mới du nhập này thì tất nhiên đòn “duỗi cẳng” càng mang tính quyết định hơn. Thế mà mấy ông thợ gà lúc “kẹp gà” nhìn rúm ró như mấy anh nghiện, một tay ôm gà, một tay (xin lỗi) ôm hạ bộ. Chiếc cựa bọc thép dài 7cm là kẻ thù của tất cả các bộ phận loanh quanh khu vực giữa hai đùi. Thợ gà đá kiểu “giác đấu” hoàn toàn có thể lấy những chấn thương giữa hai đùi làm thước đo cho sự chuyên nghiệp của mình. Ám ảnh “gà cặp” Hai đấu sĩ gà chuẩn bị vào cuộc sống mái tại một trường gà ở Campuchia. Trên bất cứ bức tường quây của tất cả các trường gà đều in rành rành dòng chữ “Cấm đá gà cặp. Phạt 20 triệu đồng” cùng với dòng “Quay phim chụp ảnh – phạt 20 triệu”. “Gà cặp” là hai con gà đã biết nhau từ trước, thắng thua đã rõ ràng, gà thắng gọi là “phổng”, còn thua là gà “tẹt”, cho đánh nhau nhiều lần để khiến một con phải “tâm phục, khẩu phục” và cũng để con “tẹt” dạn đòn. Dạn đòn có nghĩa là khi thả gà ra, con thua không chạy ngay mà sẽ cố đánh dăm miếng lấy lệ với “người quen” sau đó mới bỏ chạy, điều này tránh để khán giả nghi ngờ. Còn tất nhiên khi hai chủ gà bắt tay nhau, lại biết rõ kết quả trận đấu thì ai cũng hay rằng tiền sẽ ồng ộc chảy vào đâu. “Vần gà” là chỉ việc chăm sóc, huấn luyện gà, còn “ma vần” chỉ việc đào tạo “gà cặp”, sau này từ “ma vần” còn được dân gian hóa chỉ những chuyện bẩn thỉu. Chỉ thấy bất công với chúng tôi, đá gà cặp, nếu thoát thì ăn vài trăm triệu như bỡn, bị phát hiện phạt 20 triệu. Chúng tôi sang viết bài, chụp ảnh kiếm mấy đồng nhuận bút còm, bị phát hiện cũng phạt 20 triệu đồng. Thế hóa ra người lương thiện lại bị đối xử tàn tệ hơn kẻ bất lương. H, chàng thanh niên đưa chúng tôi qua đây chép miệng: “Hổng dễ đâu nghe, vớ phải “cặp ngược” như tui là mất nghiệp đó”. H là dân thị trấn Tân Hưng (Long An), làm nghề buôn trâu. Nghề buôn trâu được xác lập từ khi H bị một trận “cặp ngược” đến mức tán gia bại sản. Để gò được một trận gà cặp, H phải gửi gà xuống tận TP. Long An để “ma vần”. Khi “vần” xong xuôi, một con được mang từ Hưng Điền qua, một con mang tận TP. Long An tới, khó ai có thể nghi ngờ được. Dân “chạy biển” (báo tỉ lệ cược và ghi cáp cho khách chơi) hôm đó được bữa chạy bở hơi tai, bao nhiêu cũng “tưới”. Khách đánh độ cũng được bữa “bung” hết tầm, gà “đồng chạng” (cùng cân) mà chấp cuối cùng đến 7 ăn 10, bạc “lụt” luôn. Khi trọng tài hô “Chuẩn bị, “chạy biển” ra khỏi sới, làm nóng gà, rồi các cánh cửa vào trường gà đóng sập lại (đề phòng có kẻ “bùng chạc”), H mừng rơn. Kiểm toán lại thấy hơn hai trăm triệu chỉ còn chờ cánh cổng kia mở ra là sẽ nằm gọn trong túi mình. Vào trận, hai con đá nhau chí chạp, sau ba đòn lấy lệ, con “tẹt” đã bị dính đòn vào ức, chẳng bao lâu sẽ mất máu chết. H và “đồng bọn” thở phào nhẹ nhõm. Sau ba đòn, con “tẹt” cắm cổ chạy, con “phổng” lao rát sau lưng. Cùng đường, đến sát vách sới, con “tẹt” lao lên đạp đúng nơi có tấm biển “Cấm đá gà cặp” rồi nhảy quay lại, đúng lúc con “phổng” cũng lao lên đòi ăn thua đủ. Lần nhảy tháo thân này thành cú “mã hồi” khủng khiếp, cả hai chiếc cựa đóng ngập vào thân con “phổng” trong một tư thế quái gở: Một cựa xuyên diều, một cựa xuyên qua nách. Tư thế “chéo cẳng gà” này đóng chặt con “phổng” xuống đất, cựa đóng qua nách vào phổi sủi bong bóng, đó là kiểu bị đòn chóng chết nhất. Trên sàn, H cũng chỉ mong được chết ngay như con “phổng” kia. Hỏi về chuyện bịp bợm kiểu ấy liệu còn không khi bây giờ gà đá theo bốc thăm, không được tùy ý chọn cặp. H bảo: “Ừ! Thì bốc thăm rồi sau đó tráo gà ai biết”. Chỉ tấm biển “Cấm đá gà cặp” rồi tôi chỉ tay vào chủ trường gà bảo H: “Ông cấm chúng tôi đá “gà cặp” thì ai cấm ông” - H cười thổn thức. Nam Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/20583p1c24/da-ga-kieu-campuchia-nhung-con-quy-khat-mau.htm