Đã ăn hàng ngày Tết, đừng than "bị chém"!

Trong khi dân tình được xúng xính đi ăn, đi chơi ngày Tết thì những người làm dịch vụ cũng gặp khá nhiều vất vả, thiệt thòi để phục vụ trong dịp này. Vậy nên, chuyện giá cả có vống lên âu cũng là chuyện "thuận mua vừa bán". Năm nào cũng thế và ai cũng biết, vậy mà vẫn cứ vừa ăn vừa kêu. “Chặt” là quyền của chủ quán nhưng để “bị chém” là quyền của người ăn.

Mới đây, dân tình cũng đã xôn xao với hộp cơm hải sản 200.000 đồng tại Đà Nẵng. Chuyện là một khách du lịch tại TP.HCM đã bức xúc khi mua hai hộp cơm xào hải sản mang về, nhân viên tính tiền và thông báo 2 hộp cơm hải sản có giá 400.000 đồng. Mỗi hộp có giá 200.000 đồng.

Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi kiểm tra thì cửa hàng này có niêm yết giá đĩa cơm xào hải sản là 200.000 đồng. Như vậy là họ bán đúng giá và lỗi một phần do du khách không tham khảo giá bán trước”. Tuy nhiên, ông Cường cũng đánh giá, “Tôi cho rằng bán như thế là quá đắt”.

Tất nhiên, với giá 200.000 đồng một hộp cơm hải sản là đắt so với giá của một quán cơm bình dân. Trong khi đó, chất lượng và định lượng sản phẩm vẫn chưa được đánh giá. Dù vậy, trong chuyện này khách hàng cũng có một phần lỗi một phần lỗi khi không hỏi giá trước hoặc không quan sát bảng giá đã ghi. Nếu như biết trước mức giá thì quyền quyết định để "bị chặt chém" hay không hoàn toàn thuộc về người ăn.

Dịch vụ ăn uống ngày Tết tăng mạnh vì cung ít hơn cầu, người người muốn nghỉ ngơi, đi chơi du xuân. Vì vậy, nhiều người tranh thủ những ngày này để “kiếm ăn” cũng chẳng có gì sai. Ở Hà Nội trong những ngày đầu năm, các quán bún riêu, bún ốc đua nhau mọc lên với giá bán đắt hơn hẳn. Một bán bún riêu có giá rẻ nhất trong thời điểm này được bán với giá 50.000 đồng trong khi đầy đủ “phụ kiện” như giò, đậu, thịt bò thì 100.000 đồng. Đặc biệt trong các khu có đông du khách tham quan thì giá sẽ đắt đỏ hơn nhiều, có thể lên đến 200.000 đồng/ bát, xong ở những khu chợ bình dân thì giá bát bún ốc dao động cũng chỉ từ 50.000-60.000 đồng/bát, đắt gấp đôi so với ngày thường.

Tết đến, ai cũng muốn chơi, ngại làm nên nhân lực phục vụ, thậm chí trả lương cao cũng chẳng có ai ham, bởi vậy, giá cả dịch vụ ngày xuân đắt hơn ngày thường là điều dễ hiểu. Bởi vậy, đã muốn du xuân vui vẻ đầu năm, ăn bát bún riêu để giải ngấy cũng là một niềm vui nho nhỏ, đừng so bì tiền bạc để ăn bát bún mất ngon. Còn không muốn rước bực vào người, cần trang bị đầy đủ kinh nghiệm hàng quán để "thuận mua vừa bán", đừng vừa ăn, vừa kêu "chặt chém" trong khi chính mình đồng ý đưa "cổ" để "bị cứa".

Hương Nguyên

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-thi-truong/da-an-hang-ngay-tet-dung-bi-chem