Đà Nẵng: Vẫn tồn tại vừa khám bệnh, vừa bán thuốc

Theo quy định tại Điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh về các hành vi bị cấm thì những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không được bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức. Thế nhưng trên thực tế, thực trạng bác sĩ tư vừa khám bệnh, vừa bán thuốc vẫn đang tồn tại.

Công khai bán thuốc

Chị Nguyễn Thị Doãn, một bệnh nhân đến khám tại phòng khám chuyên khoa sản của bác sĩ L. trên đường Ngô Gia Tự (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, chị đã mua thuốc nhiều lần tại phòng khám này sau khi bác sĩ kê đơn. Vợ của vị bác sĩ này đảm nhận việc ghi danh sách bệnh nhân và kiêm luôn bán thuốc. Nơi chứa thuốc của phòng khám chỉ là căn phòng nhỏ hẹp rộng vài mét vuông, thuốc được để chen lẫn cùng với một số loại giấy tờ khác. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng được để công khai mà được cất trong phòng kín sát bên cạnh. Chị Doãn nói, lần nào bác sĩ kê đơn thì tôi cũng mua thuốc luôn tại đây, giá hơi cao so với bên ngoài chứ cũng không đắt lắm. Khi được hỏi tại sao không cầm đơn thuốc và mua trực tiếp ở hiệu thuốc, chị Doãn cho biết: “Tiện đây mua luôn chứ sợ ra ngoài lại không có thuốc được kê trong toa”.

Thuốc bày trên kệ tại phòng khám của một bác sĩ.

Tại phòng khám tai - mũi - họng của bác sĩ H. trên đường Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng cũng tương tự, nhưng bác sĩ này trực tiếp bán thuốc và nhận tiền của bệnh nhân. Các loại thuốc được đóng trong bao nhỏ, không nhãn mác, không còn nguyên vẹn trong vỉ thuốc.

Khảo sát tại phòng khám chuyên về xương khớp của bác sĩ R. ở đường Cao Thắng, chúng tôi cũng gặp tình trạng bác sĩ kê đơn xong, trực tiếp đưa đơn thuốc cho người nhà để lấy thuốc bán cho bệnh nhân.

Tại buổi làm việc ở Sở Y tế, một đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng đã chất vấn lãnh đạo Sở về việc quản lý, kiểm soát hành nghề y tế tư nhân, trong đó lưu ý tình trạng bác sĩ vừa kê đơn, vừa bán thuốc. Bởi thực trạng này đang diễn ra ở một số phòng khám của các bác sĩ tư nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý. Thực tế với nhiều người bệnh, có tin tưởng bác sĩ thì mới đến khám và việc mua thuốc được xem là chuyện đương nhiên, cần thiết cho bản thân. Do vậy, phần lớn bệnh nhân đều không thắc mắc đến chuyện bác sĩ trực tiếp bán thuốc cho mình và thậm chí họ cũng không biết rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Khó kiểm soát

Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng thừa nhận, một số bác sĩ tư ở Đà Nẵng có sai phạm này nhưng mức độ không lớn (?!). Trong khi đó, ông Hồ Lai Dũng, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, trong năm 2013 sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc bác sĩ tư vừa khám bệnh, vừa bán thuốc. Trước mắt, lực lượng thanh tra Sở Y tế quá mỏng, không thể tiến hành thường xuyên việc kiểm tra các phòng khám tư nhân để phát hiện những trường hợp nêu trên.

Với cơ quan quản lý là vậy. Còn về phía người dân, tuy chưa có ý kiến phản ánh về chất lượng thuốc do bác sĩ tư bán nhưng điều họ băn khoăn là giá thuốc cao so với thị trường. Như thế, họ bị “móc” túi 2 lần, vừa trả chi phí cao để khám tư, vừa mua thuốc giá cao. Vẫn biết là tìm đến với bác sĩ tư cũng như việc mua thuốc của các bác sĩ này là sự tự nguyện của chính người dân. Thế nhưng đang có những hành vi sai phạm mà người dân là đối tượng bị thiệt, còn cơ quan chức năng thì chưa thể kiểm soát hiệu quả.

Bài và ảnh: HÀ AN

Theo Thanh tra Sở Y tế là… khó! Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, “Cơ sở khám chữa bệnh không có nhà thuốc thì không được bán thuốc. Đề nghị bệnh nhân khi đi khám, nếu bác sĩ yêu cầu mua thuốc thì phải từ chối và gọi điện đến đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế là 04. 39985765 để phản ánh. Nếu người bệnh mua thuốc rồi thì gửi tài liệu đến để chúng tôi đấu tranh, xử lý”- ông Cường khuyến cáo.

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20130221101016227p61c67/da-nang-van-ton-tai-vua-kham-benh-vua-ban-thuoc.htm