DOTA 2: Những vị tướng auto repick nếu random phải

Random mode luôn là một trong những tính năng thú vị bậc nhất DOTA 2 mà chắc hẳn hầu hết game thủ, bất kể chuyên nghiệp hay nghiệp dư đã từng trải qua.

Tuy nhiên, DOTA 2 có tới hơn 100 vị tướng, và không phải lúc nào vận may cũng mỉm cười với người chơi trong mỗi lần lựa chọn may rủi. Có khá nhiều hero, vì nhiều yếu tố khác nhau luôn khiến các game thủ phải cáu bẳn mà ấn cho mình vào nút repick.

Meepo

Đây có lẽ là vị tướng thú vị, cũng như sở hữu sức mạnh gánh team tương đối ổn trong DOTA 2. Nhưng đổi lại, để sử dụng thành thục Meepo, hay ít nhất là ở mức biết chơi cũng đòi hỏi khá nhiều ở trình độ một game thủ bình thường.

Ngoài khả năng micro khá phức tạp, Meepo còn đòi hỏi người chơi phải có óc quan sát, cũng như đọc bản đồ và phán đoán tình huống nhanh nhạy. Thêm vào đó, ở giai đoạn đầu game, vị tướng này hoàn toàn không khỏe, cũng như lượng máu cực kỳ mỏng manh và là kẻ thù ưa thích của những sát thủ phía bên kia.

Hơn nữa, Meepo cũng là hero khá phụ thuộc vào sự bảo kê của đồng đội, đặc biệt là khi chưa có đủ item. Những bãi stack, những tình huống cắm ward hay thậm chí là đi theo và bảo kê tận chân răng là điều mà người chơi Meepo luôn cảm thấy cần thiết từ đồng đội.

Nhưng đến khi có đủ item cần thiết như Aghanim’s Scepter hay Blink Dagger, khả năng độc lập tác chiến của hero này là tốt nhất nhì trong DOTA 2.

Chen

Cũng giống với Meepo, muốn sử dụng Chen hiệu quả cũng không phải là điều dễ dàng. Sức mạnh của vị tướng này phụ thuộc khá nhiều vào dàn đệ thu phục được của mình. Và khác với Meepo, Chen hoàn toàn không sở hữu sức mạnh vượt trội, và có thiên hướng hỗ trợ nhiều hơn là gánh team. Đây cũng là một trong những đặc điểm khiến phần đông người chơi không ưa hero này và thường repick ngay khi random phải.

Đầu tiên, chơi Chen khá mất tay khi kỹ năng micro của người chơi phải thật sự tốt và hợp lý mới có thể phát huy sức mạnh của vị tướng này. Thêm vào đó, một khi hoàn thành được những Guardian Graves hay Aghanim’s Scepter là Chen dường như đã đạt đến ngưỡng sức mạnh của mình, và gần như không thể tăng tiến thêm là bao.

Đây cũng là hero có thiên hướng push nhà, và thường chỉ phát huy năng lực ở những thời điểm ban đầu của trận đấu. Bản thân vốn không khỏe, khó chơi và đặc biệt là rất yếu về cuối game, Chen rõ ràng không phải là vị tướng được ưa thích mà đa số game thủ mong muốn khi bấm vào nút random.

Terrorblade

Mặc dù rất được ưa chuộng tại đấu trường chuyên nghiệp trong thời gian gần đây, thế nhưng trong mắt đa số người chơi DOTA 2, Terroblade vẫn xếp đầu trong danh sách những vị tướng buồn tẻ và nhàm chán nhất DOTA 2.

Lối chơi của Terrorblade không có gì thật sự nổi bật và đột biến. Kể từ thời điểm đầu cho tới cuối game, đa phần người chơi hero này chỉ có duy nhất nhiệm vụ farm và push trụ. Nói về sự cơ động thì TB thua kém hoàn toàn những Anti Mage, Juggernaut.

Bàn đến khả năng solo tay đôi thì rõ ràng những Phantom Lancer hay Phantom Assasin vẫn trội hơn hẳn. Khả năng đóng góp cho combat của vị tướng này cũng không bằng Gyrocopter. Tốc độ farm và push trụ thì cũng không nổi bật hơn là bao so với Lycan. Tựu chung mọi yếu tố, Terrorblade xứng đáng là một vị tướng nhàm chán. Và rõ ràng khi random để mong chờ một sự thú vị thì không bao giờ bạn hài lòng với lựa chọn tẻ nhạt như Terroblade.

Hero này tẻ nhạt đến mức có một thời, trào lưu Terrorblade để lượng hp thấp, rồi mua Blink Dagger hoặc Shadow Blade tiếp cận và sử dụng ultimate kết hợp với Dagon để tiêu diệt đối thủ đã trở nên thịnh hành, và phá hoại không biết bao nhiêu MMR của nhân loại.

Earth Spirit

Đại dịch Ebola Earth Spirit đang lan tỏa khắp các đấu trường chuyên nghiệp, nhưng ngược lại, hero này rất ít khi xuất hiện cũng như được ưa chuộng tại các trận đấu pub.

Một phần vì mặc dù có sức mạnh khủng khiếp cũng như sự cơ động và đa dạng cao, nhưng Earth Spirit cũng nằm trong top những hero khó chơi và khó xử lý nhất DOTA 2.

Sức mạnh của hero này thường chỉ được phát huy tối đa khi đặt vào tay các game thủ có kỹ năng cao, hoặc ít ra phải nhanh tay và phán đoán tình huống chuẩn xác. Điều này có vẻ hơi xa xỉ đối với đa số người chơi thường thường bậc trung.

Đặc biệt, ở trong phiên bản 6.86e vừa ra cách đây không lâu, sức mạnh của Earth Spirit thậm chí còn bị giảm đi một cách thậm tệ sau khi IceFrog nhận ra những bất cập của hero này. Đã khó chơi, nay lại còn bị nerf thảm hại, Earth Spirit càng dễ dàng bị repick hơn mỗi khi các game thủ random ra.

DOTA 2: Shadow Blade hay Blink Dagger, đâu là sự lựa chọn tối ưu?

Nguồn GameK: http://gamek.vn/esport/dota-2-nhung-vi-tuong-auto-repick-neu-random-phai-20160210123242513.chn