ĐBSCL: Trái ngon sẵn sàng chạm mốc 2 tỷ USD

ĐBSCL hiện có nhiều trái ngon đã, đang và sẽ đóng góp tốt cho mục tiêu xuất khẩu rau quả chạm ngưỡng 2 tỷ USD trong năm nay./ Để mang về 2 tỷ USD xuất khẩu rau quả

Bưởi da xanh trong 3 tháng trở lại đây xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây ở Ngã Ba Bềnh, xã Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho biết, sự chuyển đổi sản xuất nhanh tại các địa phương đang tạo ra giá trị gia tăng khá cao trên từng vùng quy hoạch phát triển cây ăn trái gắn với tiêu chuẩn sạch, an toàn.

Từ tháng 6/2015 đến nay cơ sở đã xuất khẩu bưởi da xanh và Năm Roi sang thị trường Trung Quốc với sản lượng bình quân khoảng 5 - 6 container/tháng.

Ngoài ra, các thị trường truyền thống như: Canada, Đức, Anh, Hà Lan… cũng liên tục gọi điện đặt hàng. Thị trường Trung Đông như Dubai rất tiềm năng và cơ sở đang thương thảo giá cả và sản lượng ăn hàng với đối tác.

Giá xuất khẩu bưởi da xanh từ mức 2 USD/kg trở lên thì cơ sở mới ký hợp đồng xuất bán. Chính giá xuất tốt cộng với nhu cầu bưởi của nhiều nước trong 3 tháng qua tăng mạnh nên ngay chính vụ 2015 giá trong nước luôn đứng ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, bưởi da xanh loại 1,4 kg trở lên có giá 42.000 đồng/kg, loại 1,2 - 1,4 kg có giá 32.000 đồng/kg; bưởi Năm Roi có giá 20.000 đồng/kg loại 1,2 kg trở lên.

Ông Phan Văn Khổng, Giám đốc Trung tâm KN-KN Bến Tre nói: Để có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu như hiện tại thì cách đây 5 năm Bến Tre đã quy hoạch, đầu tư phát triển 5.000 ha bưởi da xanh và đến nay đã vượt mục tiêu đề ra. Ngoài bưởi thì chôm chôm và nhãn xuồng cơm vàng cũng được quy hoạch và phát triển.

Đi đôi với quá trình quy hoạch thì ngành nông nghiệp luôn hướng nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên tất cả các loại cây ăn trái. Kết quả đến nay đã có chôm chôm và nhãn xuồng cơm vàng đi vào thị trường Mỹ, bưởi xuất khẩu được nhiều thị trường khó tính.

ThS Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long nói, Vĩnh Long là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL sau Tiền Gang với trên 44.541 ha, chiếm 38,07% đất sản xuất nông nghiệp.

Để nâng cao giá trị gia tăng của từng loại cây ăn trái và phát triển bền vững, Vĩnh Long đã chọn 5 giống cây ăn trái chủ lực để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành hàng cây ăn trái là: Nhãn, bưởi Năm Roi, cam sành, sầu riêng, xoài xiêm núm.

Trên thực tế bưởi Năm Roi, nhãn tiêu da bò, cam sành đã và đang đóng góp giá trị rất lớn cho xuất khẩu. Vùng nguyên liệu 8.000 ha bưởi Năm Roi nằm dọc theo sông Hậu đang bước vào mùa thu hoạch, có nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ưu điểm vùng nguyên liệu bưởi Năm Roi là đã có khoảng 100 ha được nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên việc xuất khẩu đang rất thuận lợi. Vĩnh Long đã quy hoạch phát triển vùng chuyên canh bưởi Năm Roi trên cơ sở mỗi năm tăng thêm khoảng 5% so với diện tích hiện tại là 8.000 ha.

Ông Nguyễn Thành Chua, Giám đốc HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (TX Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết, ngay lúc này là mùa thu hoạch bưởi chính vụ và trái chín của 14 thành viên trong Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, đã được một số doanh nghiệp đến đặt hàng thu mua xuất khẩu sang Hà Lan, Trung Quốc...

Chính nhờ xuất khẩu tốt nên giá trái mùa chính vụ năm nay ổn định và đang đứng ở mức cao. Bưởi Năm Roi bán xô được thương lái mua với giá 9.000 đồng/kg; bưởi lựa có trọng lượng 900 gam trở lên có giá trên 16.000 đồng/kg.

Nếu như bưởi Năm Roi VietGAP, GlobalGAP đang dồi dào nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì cây chôm chôm, nhãn tiêu da bò, nhãn Edaw cũng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu không nhỏ.

Vĩnh Long đã quy hoạch vùng chuyên canh nhãn giữ mức ổn định 8.000 ha với các giống ngon đạt chuẩn xuất khẩu. Hiện tại, 10 ha của Tổ hợp tác nhãn tiêu da bò tại xã Tân Hạnh (Long Hồ, Vĩnh Long) đã được Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu 2 cấp mã COS để xuất khẩu sang Mỹ.

Giống nhãn xuồng cơm vàng ở xã An Bình (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cũng được cấp mã COS trong thời gian tới. Sở NN-PTNT Vĩnh Long tiếp tục đề nghị cấp mã COS cho nhãn Edaw.

Đối với cây bưởi da xanh đang được nông dân huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) chuyển đổi sản xuất nhanh và hiện có trên 1.000 ha. Để phát huy giá trị gia tăng của trái bưởi da xanh, huyện Vũng Liêm đã xúc tiến các thủ tục xin Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Vũng Liêm”.

ThS Liêm cho biết thêm, Sở NN-PTNT Vĩnh Long đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng VietGAP, gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2015 - 2020”, với tổng kinh phí thực hiện trên 68 tỷ đồng.

Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình cây ăn trái kiểu mẫu đạt chứng nhận VietGAP với quy mô 10 ha/loại cây trồng gồm: Xoài xiêm núm, nhãn tiêu da bò, sầu riêng, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn.

Năm 2015 là năm thứ hai Vĩnh Long thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới Sở NN-PTNT Vĩnh Long tổ chức sản xuất và nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHKT, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại và kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nhà vườn trong việc tiêu thụ trái ngon trong nước và xuất khẩu.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng kinh ngạc

Theo TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam), tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những tháng đầu năm 2015 tăng trưởng khá.

Cụ thể tính đến tháng 6/2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 592 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014.

Đặc biệt, xuất khẩu trái cây đạt 358 triệu USD, chiếm 60% trên tổng giá trị xuất khẩu rau quả của cả nước. Trái thanh long xuất khẩu đạt 234 triệu USD, tăng 61,2% so với cùng kỳ năm 2014; nhãn 26,3 triệu USD (tăng 1.002%); măng cụt đạt 23,1 triệu USD, tăng 225%; xoài đạt 17,8 triệu USD, tăng 121%; sầu riêng đạt 5,6 triệu USD, tăng 762%; chôm chôm đạt 3,2 triệu USD, tăng 2,4% và mít đạt 2,6 triệu USD, tăng 687%.

Ngoài ra, còn các loại trái cây như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, chuối già… được các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và ủy thác với sản lượng khá nhưng chưa được thống kê cụ thể.

Các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore, Úc, New Zealand, EU đã mở cửa cho nhiều loại trái ngon Việt Nam là do chúng ta có giấy thông hành GAP.

Cục Trồng trọt cho biết, tổng diện tích cây ăn trái của khu vực Nam bộ hiện có khoảng 414.000 ha, chiếm 53% diện tích cây ăn trái cả nước.

Sản lượng các loại ước đạt khoảng 4,3 triệu tấn trái/năm, chiếm 57% sản lượng trái cây cả nước. Cơ cấu chủng loại hiện có 10 loại cây ăn trái có diện tích lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu gồm: Xoài khoảng 60.558 ha; chuối 52.569 ha; nhãn 38.439 ha; thanh long 35.288 ha; cam 34.563 ha; bưởi 28.718 ha; dứa 26.648 ha; chôm chôm gần 24.000 ha; sầu riêng 20.400 ha và quýt khoảng 11.572 ha.

Đặc biệt, qua 2 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành hàng cây ăn trái ở khu vực ĐBSCL” đã mang về giá trị gia tăng rất cao từ giải pháp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xử lý cho 10 chủng loại trái cây đều ra hoa rải vụ. Chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, XK rau quả của Việt Nam năm 2015 có thể chạm ngưỡng 2 tỷ USD (năm 2014 đạt 1,47 tỷ USD, năm 2013 mới cán mốc trên 1 tỷ USD), một bước tăng trưởng ngoạn mục.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dbscl-trai-ngon-san-sang-cham-moc-2-ty-usd-post149761.html