Cứu nạn ở vùng “biển dữ”

Có những lần xuất kích ra biển cứu ngư dân gặp nạn, máu các anh đã đổ, nhưng họ không hề nao núng. Chẳng quản ngại khó khăn, gian khổ, bất cứ lúc nào nhận được mệnh lệnh của cấp trên hay tín hiệu cầu cứu của ngư dân, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Nghệ An lại lên tàu làm nhiệm vụ. Họ xứng đáng là những chiến sĩ luôn vững vàng ở vùng “biển dữ”. Vì nhân dân quên mình

Đại úy Hồ Sỹ Linh trong kíp trực luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Hải đội 2, BĐBP Nghệ An làm nhiệm vụ ở vùng biển có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, với nhiều đảo nhỏ, nhiều cửa sông, cửa lạch. Mỗi năm vùng biển này đón nhận rất nhiều cơn bão lớn, hàng chục trận lốc bất ngờ. Vì vậy, nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn luôn được cán bộ, chiến sĩ đơn vị đặt trong trạng thái sẵn sàng. Cách đây không lâu, vào một buổi chiều cuối năm 2011, khi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đang chuẩn bị bữa cơm mừng tất niên thì nhận được tin, gần hòn Nôm (Hà Tĩnh) có tàu của ngư dân gặp lốc, hỏng máy, sắp chìm. Lập tức, kíp trực hôm đó đã bỏ bữa cơm cuối năm với anh em đơn vị, lao ngay xuống tàu, nổ máy, thẳng tiến hướng vị trí con tàu gặp nạn. Khi màn đêm ập xuống, người dân khu vực Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) thấy con tàu của Hải đội 2 trở về cùng ông Lê Văn Tám, chủ tàu gặp nạn và 7 ngư dân khuôn mặt vẫn còn vương nét hãi hùng.

Lùi lại thời gian, năm 2009, vụ cứu thuyền viên tàu vận tải Hoàng Trung 08 (Thủy Nguyên, Hải Phòng) chở 850 tấn xi măng và 3.000 lít dầu bị chìm tại vùng biển Cửa Lò làm anh em trong đơn vị nhớ mãi. Bởi trong cuộc “chiến đấu” với thủy thần hôm đó, chỉ li nữa thôi họ đã mất đi một đồng đội. Trung úy Phan Văn Lợi, người từng tham gia cứu hộ các thuyền viên tàu Hoàng Trung 08 nhớ lại: “Rạng sáng hôm ấy, trời mưa giông lớn, kèm gió to khiến con tàu chở hàng có nguy cơ bị chìm. Tính mạng 8 thuyền viên trên tàu rất nguy kịch vì mưa mỗi lúc một lớn, gió giật cấp 6, cấp 7. Khi con tàu của chúng tôi tiếp cận tàu bị nạn, Trung tá Lê Văn Thi mở cửa, lao ra cứu thuyền viên thì bất ngờ, gió bật tung cửa kính, làm anh Thi bị ngã. Cùng lúc, tấm kính vỡ sắc lẹm đã cắt đứt tĩnh mạch tay phải khiến anh Thi mất nhiều máu, choáng ngất. Rất may, quân y đơn vị đã kịp thời cấp cứu anh Thi, đảm bảo an toàn tính mạng. Tuy bị thương nặng nhưng khi tỉnh lại, Trung tá Thi vẫn nói với anh em: “Bằng mọi giá phải cứu được người bị nạn”. Trung úy Lợi cho biết: Lúc ấy, chúng tôi cố gắng cho tàu tiến sát tàu bị nạn nhưng bất lực. Anh em trong tổ công tác đành đưa ra quyết định có phần mạo hiểm, đó là yêu cầu các thuyền viên tàu gặp nạn mặc áo phao đứng chắc trên boong, khi thấy mô tô nước của lực lượng cứu hộ lao đến thì nhảy xuống biển. Một số cán bộ Hải đội 2 lúc đó đã xung phong lái mô tô nước, tăng hết tốc lực, lao đến tiếp cận các thuyền viên để đưa từng người vào bờ an toàn.

“Vì anh là người lính”

Đa số cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 quê Nghệ An, Hà Tĩnh, nên những trận bão đổ bộ vào vùng quê này, gia đình họ đều nằm trong diện nguy hiểm. Nhưng đã mang trong mình nghiệp “lính thủy” biên phòng, họ luôn vì nhiệm vụ của đơn vị, vì nhân dân, sẵn sàng lên tàu ra biển. “Không hiếm lần trong những cơn bão lũ, cán bộ đơn vị liên tục nhận được điện thoại của vợ con ở quê báo nhà đã tốc mái hay bị ngập lụt... Lúc ấy, anh em chỉ còn biết động viên người thân cố gắng khắc phục. Câu quen thuộc mà anh em vẫn thường nói khi kết thúc cuộc điện thoại với vợ trong hoàn cảnh này là “vì anh là người lính” - Trung tá Phan Văn Xuân, Hải đội trưởng Hải đội 2 chia sẻ.

Trong mùa mưa bão, gần như cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn canh cánh nỗi lo gia đình riêng, nhưng vì nhiệm vụ, họ không có thời gian để thực hiện “nghĩa vụ” đối với gia đình. Có ngày, họ thực hiện đến 3-4 chuyến cứu hộ ngư dân. Đáng nhớ nhất đối với cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 có lẽ là ngày 25-9-2009. Hôm đó, trời mưa giông xối xả, gió biển giật từng cơn, trực canh của Hải đội 2 nhận được tin, tàu của một ngư dân Hà Tĩnh sắp chìm ở khu vực biển đơn vị đảm nhiệm. Ngay lập tức, tàu của Hải đội 2 nổ máy cùng tổ công tác lao đi, kịp thời cứu được con tàu của ông Trần Văn Tuyên (trú tại xã Cẩm Linh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Sau khi trở về, các anh chưa kịp thay quần áo ướt thì có tin chiếc tàu đánh cá ký hiệu NA 0107TS do ông Hồ Thế Khanh (phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò) điều khiển, cùng 13 ngư dân đang cần cứu gấp vì chân vịt đã bị sóng đánh gãy, hai người trên tàu bị gió quật rơi chìm xuống biển, tàu đang chao đảo mạnh. Ngay lập tức, Hải đội 2 tăng cường thêm một tổ công tác và một tàu nữa xuất kích ra biển. Sau 4 tiếng đồng hồ, các chiến sĩ đã tìm cứu vớt được hai người rơi xuống biển và lai dắt con tàu gặp nạn vào bờ. “Lúc đó, anh em đã thấm mệt, nhưng trực thông tin đơn vị lại lên thông báo tiếp tục có tín hiệu kêu cứu, 12 ngư dân Thanh Hóa trên đường vào bờ trú ẩn đã bị sóng đánh gãy bánh lái, hỏng máy, có nguy cơ chìm. Mọi mệt mỏi bị gạt phăng, cán bộ, chiến sĩ quay đầu hai con tàu khẩn trương ra khơi, kịp thời đưa các ngư dân bị nạn vào bờ, bố trí nơi ăn, chốn ở, chờ người thân của họ đón về” - Trung tá Phan Văn Xuân nhớ lại.

Khi nói về cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, ngư dân Lê Văn Nghĩa, trú ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cảm động: “Nếu không được các anh ở Hải đội 2 kịp thời cứu vớt thì xương cốt tôi cùng 8 anh em ngư dân đã mãi mãi nằm dưới đáy biển rồi”.

Viết Lam

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/354/354/14221/Cuu-nan-o-vung-bien-du/bbp.aspx