Cựu binh Gạc Ma - không ai bị quên lãng

28 năm là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với hai cựu binh Trần Quang Dũng (SN 1966, trú tại Xuân Ngọc, Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị) và Trần Xuân Bình (SN 1970, trú tại Gio Thành, Gio Linh), những người lính may mắn sống sót từ trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, họ trở về quê nhà, lập gia đình và cật lực lao động sản xuất. Khó khăn họ chẳng kể lể, nhưng khi đề cập đến Gạc Ma, mắt ai cũng nhòa lệ…

Đại diện Quỹ TTXH Tấm Lòng vàng Lao động trao tiền hỗ trợ cho cựu binh Gạc Ma. Ảnh: Hưng Thơ

"Sao lại quên anh em tui?"

Vừa gặp chúng tôi, hai cựu binh đã trách, rằng họ cũng tham gia trận hải chiến Gạc Ma, chỉ may mắn không bỏ lại thân xác nơi biển cả, nhưng vì sao các anh "lại quên anh em tui"? Lý do trách cứ của hai cựu binh, đơn giản là vừa rồi xem tivi, thấy Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, có rất nhiều cựu binh Gạc Ma tham dự, nhưng họ lại không được "mời mọc" gì!

Tỉnh Quảng Trị có 5 người ra đảo Gạc Ma vào năm 1988 làm nhiệm vụ, nhưng chỉ có hai người lành lặn trở về. Cựu binh Trần Quang Dũng là dân biển chính gốc, trở về quê sau 3 năm làm nhiệm vụ trên biển, lập gia đình và dựng nhà ngay trước cửa biển Cửa Việt. Hiện tại, ông Dũng làm nghề biển, sống trong căn nhà cấp 4 cùng vợ, có hai người con học đại học. Do tàu của gia đình ông Dũng công suất nhỏ, nên chỉ đánh bắt được gần bờ. Mấy năm trở lại, việc đánh bắt không được thuận lợi, nên số tiền vay ngân hàng để sắm tàu và lo chi phí cho các con ăn học chưa trả được.

Gia đình cựu binh Trần Xuân Bình cũng hoàn cảnh tương tự, để lo chi phí ăn học cho các con, những khoản thu từ ruộng vườn không đủ trang trải nên phải vay mượn. Hôm chúng tôi đến nhà ông Dũng, ông Bình biết chuyện liền chạy xe vào thành phố Đông Hà (Quảng Trị), chở thêm cựu binh Trần Thiên Phụng (tham gia trận Gạc Ma 1988, bị Trung Quốc bắt giam 4 năm) chạy xe máy xuống tận nhà ông Dũng để ôn chuyện.

Thế là, thời gian lúc các tân binh vào Khánh Hòa, lên tàu ra đảo Gạc Ma cho đến lúc diễn ra trận chiến được thuật lại. Ông Bình kể, lần thực hiện nhiệm vụ đi xây dựng ở đảo Gạc Ma, ông và ông Dũng là người đầu tiên đặt chân lên đảo để cắm cờ. "Tôi và ông Dũng bơi giỏi, hai người cầm xà beng, mang quần đùi bơi lên đảo để cắm cờ. Ít phút sau, trung úy Trần Văn Phương (quê ở Quảng Bình) và một số đồng chí nữa cùng lên, vây quanh bảo vệ lá cờ Tổ quốc vừa được cắm trên đảo".

Một lát sau, tàu Trung Quốc xuất hiện, binh lính trên tàu này đi canô lên đảo, rồi hai bên xảy ra xô xát. Bất ngờ tiếng súng từ tàu Trung Quốc nổ rền, loạt đạn đầu tiên, trung úy Phương đã gục xuống bên cạnh lá cờ Tổ quốc. Đến khi tiếng súng ngưng, đồng đội của ông Bình chỉ còn khoảng hơn 30 người, cùng leo lên một chiếc xuồng caosu rồi lênh đênh trên biển. Đến khi gặp tàu tiếp nước của quân ta, mới được đưa vào đảo và thoát chết. "Tôi và ông Dũng đưa được đồng chí Phương vào đến đảo Sinh Tồn, ghép các hộp đạn làm hòm rồi khâm liệm đồng chí Phương, chôn cất luôn ở đó" - ông Bình kể lại.

Mong một lần được trở lại Trường Sa

Thoát chết ở trận Gạc Ma, ông Bình và ông Dũng tiếp tục nhận nhiệm vụ đi phá luồng tại đảo Đá Lớn để cho tàu thuyền vào tránh trú bão. Ông Dũng nhớ lại, để phá được luồng này, hơn 85 tấn bộc phá (thuốc nổ) đã được vận chuyển đến. Do số lượng bộc phá lớn, sợ nguy hiểm nên dây kích điện gây nổ kéo dài đến 1000 mét. Vì vậy bình điện không tải đủ, không kích nổ được khối bộc phá. Lúc này, ông Dũng liều lĩnh thu dây kích điện lại, chỉ còn 500 mét rồi núp dưới xuồng caosu để kích nổ.

Luồng được phá thành công, nhưng ông Dũng bị kiểm điểm vì không đảm bảo an toàn trong quá trình làm nhiệm vụ. Tiếp đó, hai cựu binh còn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nhà giàn DK1, xây dựng 6 đảo chìm... đến năm 1991 mới ra quân. Hào sảng giọng nói của người miền biển, rắn rỏi từ nước da sạm đen đến vóc dáng, nhưng rồi giọng ông Dũng cũng chùn xuống, khi đề cập đến hài cốt của những đồng đội hi sinh, còn vất vưởng ở đâu đó ngoài biển cả. "Già rồi, sức khỏe không như ngày trước để vươn khơi xa nữa. Nhưng tôi vẫn bám biển để lo cuộc sống cho gia đình. Mỗi lần ra biển, nếu đúng ngày 14.3, tôi vẫn thường làm mâm cơm, rồi cầu khấn cho đồng đội còn phơi thân ngoài biển cả được yên nghỉ".

Cảm thông trước những khó khăn của hai cựu binh Gạc Ma, ngày 28.1 được sự ủy quyền của Quỹ TTXH Tấm Lòng Vàng Lao Động, ông Nguyễn Đăng Bảo, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã đến thăm hỏi, trao số tiền 20 triệu đồng hỗ trợ cho hai cựu binh. Ai cũng xúc động nói rằng, gần 30 năm trôi qua, nhưng vẫn được các cơ quan ban ngành nhớ đến, quan tâm là một điều đáng quý. "Chúng tôi mong muốn, các cấp, ban ngành tạo điều kiện để được trở lại Trường Sa một lần. Được thả hoa tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống vì chủ quyền của đất nước, có như vậy, chúng tôi mới an lòng".

Xuân này được ấm hơn...

Trong các ngày 27-28.1, Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng Lao Động phối hợp cùng LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đã đến trao hỗ trợ 180 triệu đồng cho 9 cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại Gạc Ma, số tiền 20 triệu đồng/người. Trong căn nhà vừa đủ che nắng che mưa trên miền cát thôn Đức Trung (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch), CCB Hồ Văn Ba hào sảng kể về những ký ức khi chiến đấu trên để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng 28 năm về trước.

Nhập ngũ tháng 8.1985, ông Ba không thể quên được hình ảnh Phó chỉ huy trưởng Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa) - trung úy Trần Văn Phương - đã anh dũng hy sinh quyết bảo vệ cờ Tổ quốc, khi bị trúng đạn, ông Ba là người đỡ trung úy Trần Văn Phương lên xuồng cấp cứu, xé áo băng vết thương trên ngực. Sau khi giải ngũ trờ về quê hương, ông Ba trở thành một ngư dân mẫu mực, nay 2 con của ông đã khôn lớn, gia đình đề huề.

Chủ tịch LĐLĐ Quảng Bình Nguyễn Lương Bình (thứ 2 từ trái sang) trao hỗ trợ cho CCB Hồ Văn Ba. Ảnh: Lê Phi Long

Cách nhà ông Ba không xa là gia đình CCB Hồ Văn Đạo. Cùng nhập ngũ và dũng cảm trên chiến trường Gạc Ma, ông Đạo và ông Ba thường xuyên gặp nhau và liên lạc với những đồng đội cũ để có thông tin về nhau, hỏi han sức khỏe và hàn huyên tâm sự về quá khứ rất đỗi tự hào. Những vết thương trên người khiến họ thường xuyên đau nhức mỗi khi trái gió trở trời nhưng họ không buồn và xem đây là niềm vinh dự khi được cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Tận tay trao số tiền hỗ trợ từ Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng Lao Động cho các cựu binh Gạc Ma, ông Nguyễn Lương Bình - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Số tiền tuy không lớn nhưng là tình cảm của người lao động trên cả nước gửi đến các anh như một sự tri ân vì những mất mát, hy sinh cho Tổ quốc; là sự hỗ trợ để các anh đón Tết được đầy đủ và ấm cúng hơn”.

Nghe vậy, cựu chiến bình Đậu Hồng Biên (thôn Vĩnh Xuân, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) mắt rưng rưng, nói “tui mừng lắm vì nhận được sự quan tâm, Xuân này, những cựu binh như tui gặp nhau sẽ được vui hơn, ấm lòng hơn”. Cựu chiến binh Trần Đức Thanh (thôn Xuân Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) xúc động gửi lời cám ơn đến Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng Lao Động và các nhà hảo tâm đã động viên, hỗ trợ.

Ngoài 180 triệu đồng hỗ trợ cho 9 cựu binh Gạc Ma trong đợt này, trước đó Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng Lao Động đã hỗ trợ tổng số tiền 430 triệu đồng cho 11 gia đình các liệt sỹ cựu bình và liệt sỹ đã ngã xuống vì Trường Sa (năm 1988) và Hoàng Sa (năm 1974) ở Quảng Bình, số tiền được trích từ Quỹ “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.

Chủ tịch LĐLĐ Quảng Bình Nguyễn Lương Bình tâm sự: Là địa phương có số liệt sĩ và cựu binh tham gia tại Gạc Ma nhiều nhất nên chúng tôi hiểu rất rõ những giá trị về tình cảm và vật chất mà Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng Lao Động hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sỹ và Cựu binh Gạc Ma. Những những tình cảm đó sẽ là động lực to lớn giúp thân nhân liệt sĩ và những người đã hy sinh một phần xương máu vì chủ quyền, độc lập Tổ quốc vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

"Những cựu binh Gạc Ma, chắc chắn không ai bị quên lãng” – ông Nguyễn Lương Bình khẳng định!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/cuu-binh-gac-ma-khong-ai-bi-quen-lang-513724.bld