Cuộc đời 'chinh chiến' đáng sợ của giun móc

Từ khi sinh ra đến khi chết đi, loài giun móc đáng sợ đã kịp gieo rắc nỗi kinh hoàng cho rất nhiều động vật và cả con người.

Loài giun móc đáng sợ này là một loài ký sinh trùng thuộc ngành giun tròn, sống trong ruột non của ký chủ là động vật có vú như chó, mèo hoặc người. Hai loài giun móc phổ biến ở người là Ancylostoma duodenale và Necator americanus.

Loài giun móc đáng sợ này là một loài ký sinh trùng thuộc ngành giun tròn, sống trong ruột non của ký chủ là động vật có vú như chó, mèo hoặc người. Hai loài giun móc phổ biến ở người là Ancylostoma duodenale và Necator americanus.

Đây thực sự là loài giun nguy hiểm bậc nhất thế giới bởi nó có thể gây ra những thương tổn vô cùng nghiêm trọng như thiếu máu, thiếu đạm, người hốc hác, suy tim, bụng sưng phồng do tràn dịch màng. Tuổi thọ của loài giun này chỉ rơi vào khoảng từ 4 đến 5 năm nhưng cả cuộc đời từ khi là trứng đến lúc trưởng thành, sinh sản, chết đi, loài giun móc này đều gây ra nỗi khiếp sợ cho người và động vật.

Giun móc có màu trắng sữa hoặc hơi hồng hoặc màu đỏ nâu tùy thuộc trong ruột giun có máu hay không, con đực dài khoảng 8-11mm, con cái dài 10-13mm. Trong bao miệng có 2 đôi răng hình móc bố trí cân đối ở bờ trên miệng, bờ dưới có các bao cứng giúp giun ngoạm chặt vào niêm mạc tá tràng để hút máu. Ngoài tác hại hút máu, chúng còn gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông máu làm máu chảy rỉ trong ruột, chất độc ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu làm trầm trọng thêm tình trạng mất máu của bệnh nhân.

Một con giun móc cái họ Duodenale cái có thể đẻ từ 10.000-25.000 trứng/ngày, còn giun móc cái Necator cái có thể đẻ từ 5.000-10.000 trứng/ngày, những con số gây kinh hoàng. Trong ảnh là cảnh tượng giun móc đang hút máu trong ruột non.

Loài giun móc nguy hiểm này sống ở trong tá tràng và ruột non của vật và người chúng ký sinh, chúng sử dụng hai móc lớn móc vào niêm mạc tá tràng hoặc ruột non, dùng hai răng nhỏ và hàm phía dưới cắn ngập vào niêm mạc và tiết ra một chất chống đông máu để hút máu.

Giun móc cái trưởng thành sau khi giao phối, chúng đẻ trứng ở ruột non. Trứng giun móc theo phân thải ra ngoài nở thành ấu trùng giun. Ấu trùng giun xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, nếu qua đường thức ăn hoặc nước uống thì vào thẳng ruột.

Sau khi ấu trùng giun móc chui qua da, chúng theo đường tĩnh mạch tới tim phải rồi đến phổi. Tại đây, ấu trùng giun chọc thủng mao mạch và phế nang, theo khí quản lên họng, đến thực quản, xuống dạ dày và ruột để phát triển thành giun trưởng thành, ký sinh ở tá tràng và ruột non và tiếp tục hút máu, sinh sản.

Nguy hiểm hơn, mặc dù giun móc "chinh chiến" hoành hành khắp cơ thể của người mắc bệnh nhưng bệnh nhân lại không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu mà chủ yếu là triệu chứng thiếu máu. Người nhiễm giun móc có da xanh, niêm mạc nhợt và đau vùng thượng vị tùy theo mức độ nhiễm giun. Để chữa bệnh giun móc, có thể dùng loại thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao như Albendazole và Mebendazole.

Đinh Ngân (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kham-pha/cuoc-doi-chinh-chien-dang-so-cua-giun-moc-628619.html