Cuộc chính biến “tranh ngôi, đoạt vợ” chấn động Đường triều

Là một ông vua có ảnh hưởng lớn đối với nhà Đường nhưng dù có lập thêm bao nhiêu công trạng, người đời cũng khó có thể quên được chính biến Huyền Vũ môn do Lý Thế Dân gây ra.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân được coi là một trong những ông vua vĩ đại bậc nhất, bởi ông là người có công tạo nền tảng gây dựng nên Đường triều phồn thịnh nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc .

Thế nhưng, vốn dĩ đây không phải là người được vua cha là Lý Uyên chọn để truyền ngai báu. Và lẽ tất nhiên, một người có đầu óc mưu cơ như vậy, không dễ dàng chấp nhận thực tế này.

Đó là lý do dẫn đến việc Lý Thế Dân tổ chức chính biến, giết hai người anh em của mình là thái tử Lý Kiến Thành và Tề vương Lý Nguyên Cát mà chính sử Trung Quốc gọi là “sự biến Huyền Vũ môn”.

Tuy nhiên, ngoài việc tranh ngôi đoạt vị, việc Lý Thế Dân phát động cuộc chính biến này còn có một nguyên nhân khác, đó là vì đàn bà.

Cuộc biến Huyền Vũ môn

Chân dung Lý Thế Dân và cuộc chính biến Huyền Vũ Môn.

Là một người mưu trí, lập nhiều công trạng kể từ khi thiên hạ còn chưa vào tay nhà họ Lý, thế nhưng Lý Thế Dân vì không phải là con trưởng nên không được lập làm thái tử. Vị trí này theo lệ cũ (truyền ngôi cho con trưởng) thuộc về Lý Kiến Thành.

Vì lo lắng Tần vương Lý Thế Dân nắm trong tay toàn bộ quân đội nên thái tử Lý Kiến Thành luôn thấp thỏm không yên, tìm mọi cách để trừ khử.

Khi cuộc tranh đấu giữa hai anh em đến hồi cao trào, Lý Kiến Thành đã khuyên Đường Cao Tổ cô lập em trai bằng cách điều đi xa hoặc xử tội chết những văn thần võ tướng trong phủ Tần vương.

Vì sự xúi bẩy này, danh tướng Trình Giảo Kim bị điều ra ngoài phủ Tần vương làm thứ sử, Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối cũng cùng chung số phận trong khi Uất Trì Kính Đức suýt nữa bị Lý Uyên xử tội chết.

Năm 626, khi quân Đột Quyết xâm phạm lãnh thổ, Đường Cao Tổ đã nghe lời Lý Kiến Thành cử Lý Nguyên Cát lãnh binh thay Lý Thế Dân kháng địch, lại mang theo nhiều binh tướng cũ của Lý Thế Dân.

Những biến động này khiến người trong phủ Tần vương đều tự cảm nhận được sự nguy hiểm, dồn dập.

Cùng lúc đó, khi vua cha Lý Uyên đang do dự, băn khoăn về cách thức “xử lý” người con trai thứ thì được dâng một bản tấu viết rằng, trong hai ngày vừa qua, sao Thái bạch (điềm báo chính biến) liên tiếp xuất hiện trên bầu trời Trường An, hiện ra ở địa phận nước Tần.

Lý Uyên sai người đưa cho Lý Thế Dân xem bản mật tấu, ngầm yêu cầu Tần vương lấy cái chết để chứng minh mình trong sạch bởi từ trước tới nay Lý Uyên cũng luôn canh cánh lo lắng về người con mưu lược hơn người của mình.

Lý Thế Dân lập tức viết lại một bản tấu đáp lại rằng đây thực tế là âm mưu của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát, vốn đã kéo bè kết đảng từ lâu, nay lại âm mưu giết oan mình.

Lý Thế Dân viết: “Thần không hề có oán hận gì với hai người anh em, nay họ lại muốn giết thần. Thần nay chết oan, nhưng vĩnh viễn sẽ không phạm vào đạo quân thần”.

Lý Uyên đọc xong nói rằng ngày mai ông sẽ cho gọi Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát vào triều để đối chất.

Ngay sau khi nhận được tin đó, Lý Thế Dân quyết định sẽ ra tay trước, giết chết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát trước khi hai người vào triều gặp cha.

Đêm đó, Lý Thế Dân dẫn thuộc hạ mai phục bên trong cửa Huyền Vũ, đồng thời phóng thích toàn bộ tù nhân trong ngục, phân phát vũ khí để gây hỗn loạn trong cung.

Sáng sớm, Kiến Thành và Nguyên Cát vào triều, nhưng đến cửa Huyền Vũ thì bị sát hại. Một ngày sau, Lý Uyên ban chiếu lập Lý Thế Dân làm Thái tử, hai tháng sau nhường ngôi, làm Thái thượng hoàng.

Tranh vẽ miêu tả cuộc chính biến Huyền Vũ môn - một sự kiện lịch sử quan trọng của triều Đường.

Người phụ nữ sống sót

Sau khi chính biến thành công, để trừ hậu họa, Lý Thế Dân dựa vào tội làm phản của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát, giết sạch những người có liên quan. Toàn bộ gia đình Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát đều bị xử tội chết.

Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ được sử sách ghi chép rất rõ là, trong cuộc tàn sát đẫm máu ấy vẫn có một người sống sót. Đó chính là Dương Khuê My, vợ của Lý Nguyên Cát, tức em dâu của Lý Thế Dân.

Dương Khuê My vốn là ca nữ nổi tiếng thành Trường An. Không chỉ sắc nước hương trời, hát hay đàn giỏi, người này còn am hiểu sách thánh hiền, xuất khẩu thành văn.

Tranh phác họa Dương Khuê My.

Vậy, lý do gì đã giúp một cô gái có xuất thân thấp hèn thoát khỏi cái chết dưới tay ông vua tàn bạo Lý Thế Dân? Trên thực tế, Lý Nguyên Cát không có đủ khả năng tranh chấp ngai vàng với anh trai, vậy tại sao ông ta vẫn bị giết?

Nhiều ý kiến bình luận rằng, sự biến Huyền Vũ môn là một tên trúng hai đích. Giết Thái tử Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân được ngai vàng. Còn giết Lý Nguyên Cát, ông ta có được mỹ nhân Dương Khuê My.

Bằng chứng là chỉ ít lâu sau khi yên vị trên ngai vàng, Lý Thế Dân đã bất chấp mọi đàm tiếu để đưa Dương Khuê My vào hậu cung.

Thậm chí, ông vua này đã từng nghĩ đến việc lập họ Dương làm hoàng hậu sau khi Trưởng Tôn hoàng hậu qua đời. Tuy nhiên, kế hoạch này vì bị phản đối dữ dội nên bất thành.

Theo Thế giới trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/doi-song/cuoc-chinh-bien-tranh-ngoi-doat-vo-chan-dong-duong-trieu-20160205110600338.htm