Cuộc chiến chống rửa tiền ở Việt Nam

(ANTĐ) - Trên thế giới, rửa tiền đã thịnh hành từ lâu, đặc biệt đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động của các băng đảng tội phạm có tổ chức, mafia tại Mỹ, Italia, Nhật Bản… Năm 1984, Interpol lần đầu tiên đã phát hiện và điều tra đường dây rửa tiền quy mô lớn 60 triệu USD từ hoạt động buôn bán ma túy thông qua các ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sỹ và Italia.

Trong thời gian gần đây, hoạt động rửa tiền tiếp diễn ngày càng tinh vi và phức tạp, đa dạng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, khi bọn tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền trong các hoạt động buôn bán ma túy, buôn người, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tội phạm kinh tế, tội phạm công nghệ cao, tham nhũng, khủng bố, đánh bạc… Theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì hằng năm, số tiền mà bọn tội phạm tẩy rửa trên thế giới chiếm tới gần 2,5% tổng giá trị sản phẩm quốc nội toàn cầu, trong đó chỉ riêng thông qua các hoạt động rửa tiền, các băng đảng buôn bán ma túy bất hợp pháp đã thu lợi lên tới 300 tỷ USD/năm. Đặc biệt, nhiều nguồn tiền “bẩn” đã được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động khủng bố trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, theo Điều 3 của Nghị định 74/2005/NĐ-CP ngày 7-6-2005 của Chính phủ về phòng chống rửa tiền thì rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; Đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khai thác, che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có. Điều 251 Bộ Luật Hình sự quy định xử lý hành vi rửa tiền với tội danh hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Cùng với tiến trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, tình hình hoạt động của các loại tội phạm cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Bọn tội phạm ngày càng có xu hướng sử dụng hoạt động rửa tiền để hợp pháp hóa tài sản, tiền thu được từ hoạt động phạm tội thông qua các dự án đầu tư nước ngoài, mua bán bất động sản, kinh doanh chứng khoán, giao dịch ngân hàng, quỹ từ thiện, đầu tư du học… với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Điển hình như vụ Nguyễn Đức Chi đầu tư vào các dự án tại Khánh Hòa thông qua Công ty Russaka - Invest để rửa tiền từ hoạt động phạm tội tại Nga, lợi dụng danh nghĩa công ty để lừa đảo, đưa hối lộ; Vụ Lê Thị Mai đầu tư tiền từ hoạt động ma túy vào các dự án của Công ty Viet Can Resorts & Plannation; Vụ Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam đã nhận được email từ một số doanh nhân Nigeria yêu cầu mở tài khoản 28 triệu USD, hứa hẹn sẽ chi lại 15% tổng số tiền… Tháng 10-2008, Cảnh sát Việt Nam phát hiện bọn tội phạm đánh cắp tiền từ tài khoản nước ngoài rồi chuyển vào Việt Nam thông qua tài khoản tại hai ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu tổng giá trị quy đổi là 7,44 tỷ đồng. Lực lượng công an đã bắt giữ hai đối tượng người Mozambique… Tuy nhiên, cho đến nay tại Việt Nam chưa có vụ án rửa tiền nào bị khởi tố điều tra mà hành vi rửa tiền chỉ bị phanh phui, xử lý như một trong tổng thể các hành vi phạm tội của một vụ án. Bởi hoạt động rửa tiền diễn ra hết sức tinh vi, đa dạng, bọn tội phạm sử dụng các hoạt động nghiệp vụ kinh tế như tài chính, kế toán, ngân hàng nên rất khó bị phát hiện. Khi bị phát hiện thì hoạt động trinh sát, điều tra của các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn do hệ thống văn bản pháp lý về xử lý hành vi này chưa thực sự hoàn thiện, chế tài chưa rõ ràng, công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng, đặc biệt là hoạt động rửa tiền quốc tế liên quan đến các ngân hàng nước ngoài rất khó khăn, thậm chí là không thể thực hiện được. Trước tình hình rửa tiền đang có nhiều diễn biến phức tạp, đe dọa tới sự phát triển ổn định của nền kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống rửa tiền do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an làm Phó trưởng ban; Trung tâm Thông tin chống rửa tiền cũng đã được thành lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, đồng thời quy định giao dịch tiền tệ thông qua ngân hàng 200 triệu trở lên phải báo cáo… Các lực lượng chức năng cũng có nhiều cố gắng trong phối hợp lực lượng, phòng ngừa và xử lý các hành vi rửa tiền, cũng như hợp tác quốc tế, các tổ chức như UNODC để nâng cao năng lực phòng chống rửa tiền. Theo các chuyên gia phòng chống tội phạm kinh tế thuộc Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an thì trong thời gian tới tội phạm liên quan đến rửa tiền sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp hơn. Do vậy, cần tách bạch hành vi rửa tiền thành một tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự, đồng thời Chính phủ cần có Nghị định, các bộ ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc xử lý, chế tài đối với các hành vi liên quan đến rửa tiền. Quy định chặt chẽ hơn hoạt động của các tổ chức tài chính, tín dụng, kiểm soát nguồn gốc đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, không để bọn tội phạm lợi dụng. Tăng cường phối hợp hoạt động của các cơ quan liên quan trong nước cũng như hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền, đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng cần thiết cho các cán bộ hành pháp trong lĩnh vực chống rửa tiền để họ có đủ năng lực về pháp luật, nghiệp vụ thực thi…

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=54172&channelid=80