“Cuộc chiến” bảo tồn động vật hoang dã

(VOV) - Hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam ngày một gia tăng. Chỉ trong một thời gian ngắn, danh sách các loài động vật hoang dã sắp bị tuyệt chủng của Việt Nam tăng lên tới 407 loài.

Điều này cho thấy, mức độ đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chương trình Đối thoại cuối tuần, Đài TNVN phát sóng tuần qua đã bàn vấn đề: làm thế nào để bảo vệ hữu hiệu các loài động vật quý hiếm? Chương trình có sự tham gia của Ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam: Quản lý chặt các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã PV: Có ý kiến nhận định, tại Việt Nam, luật pháp quản lý về lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) chưa được chặt chẽ và chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu sức răn đe. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Ông Đỗ Quang Tùng : Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý ĐVHD ở Việt Nam là tương đối đầy đủ. Tại cuộc họp thường kỳ được tổ chức 3 năm một lần của Cites (công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng) tổ chức tại Doha (Qatar) từ 13-25/3 vừa qua, với sự tham gia của 170 nước thành viên, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc kiểm tra, quản lý ĐVHD tương đối tốt, được xếp loại A (có 40 nước được xếp loại này), đồng thời, Việt Nam cũng là 1 trong 4 nước trên thế giới được lựa chọn thí điểm để đánh giá về hệ thống quy phạm pháp luật trong quản lý ĐVHD. Như vậy, Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á được lựa chọn trong đợt nghiên cứu thí điểm này bởi Việt Nam đảm bảo tương đối đầy đủ các quy định mà Công ước Cites đề ra. PV: Theo đánh giá, hiện nay, chỉ 20% số vụ buôn bán ĐVHD bị phát hiện, theo ông, đâu là những khó khăn trong việc kiểm soát những vi phạm này? Ông Đỗ Quang Tùng: Cục Kiểm lâm chưa bao giờ đưa ra nhận định chỉ 20% số vụ buôn bán ĐVHD bị phát hiện. ở Việt Nam, ngoài hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý ĐVHD tương đối đầy đủ thì có rất nhiều lực lượng chức năng như: kiểm lâm, hải quan, công an, biên phòng, quản lý thị trường tham gia vào việc bắt giữ những vi phạm về buôn bán ĐVHD. Vì vậy, nếu nói chỉ 20% số vụ buôn bán ĐVHD bị bắt là đánh giá rất chủ quan, không công nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng và vô hình chung ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong năm 2009, Hải quan Hải Phòng đã bắt giữ vụ buôn bán hơn 7 tấn ngà voi. Vì thế, tại Hội nghị Các nước thành viên Công ước Cites lần thứ 15 vừa qua, Ban Thư ký Công ước Cites đã trao cho Hải quan Việt Nam bằng khen ghi nhận công lao đóng góp của hải quan Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn động vật quý hiếm trên thế giới. Đây là bằng khen thứ 6 của tổ chức này từ khi thành lập đến nay và là bằng khen đầu tiên Việt Nam nhận được. Tuy nhiên, thông tin tích cực này tôi không thấy các cơ quan thông tấn đưa nhiều mà chỉ thấy đưa những mặt tiêu cực. PV: Ông đánh giá như thế nào về sự bùng phát việc nuôi nhân tạo các loài ĐVHD như hiện nay? Ông Đỗ Quang Tùng: Suy giảm đa dạng sinh học ngoài nguyên nhân săn bắt, buôn bán thì nguyên nhân lớn là do suy giảm sinh cảnh. Vì vậy, việc gây nuôi sinh sản mang rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thứ hai, mang mục đích bảo tồn nguồn gen. Ví dụ, cá sấu Việt Nam gần như đã tuyệt chủng nhưng nhờ gây nuôi sinh sản đã bảo tồn được nguồn gen, vừa rồi, chúng tôi đã tiến hành thả một loạt cá sấu xuống khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên. Thứ ba, có tác dụng tốt trong việc giáo dục môi trường và giải trí. Điều cần thiết là quản lý thật chặt những trang trại nuôi nhốt ĐVHD. Bà Hoàng Thanh Nhàn, Trưởng phòng Bảo tồn loài, nguồn gen và an toàn sinh học, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường: Mức xử phạt của Việt Nam còn nhẹ Nghị định số 99 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã tăng mức xử phạt hành chính tối đa lên 500 triệu đồng, tăng 17 lần so với Nghị định 159 trước đây. Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng tăng mức xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ động, thực vật thuộc danh mục các loài nguy cấp quý hiếm cao nhất là phạt tiền 500 triệu đồng và phạt tù 7 năm. Mặc dù đã tăng như vậy nhưng so với mức xử phạt của nước láng giềng Trung Quốc với những hành vi tương tự thì mức xử phạt của Việt Nam vẫn còn nhẹ. Việc đưa ra các quy định pháp luật là quan trọng nhưng việc thực thi, giám sát thực thi cũng quan trọng không kém. Trong thực tế, nhiều đối tượng vi phạm thiếu hiểu biết các quy định pháp luật và thiếu nhận thức trong việc bảo tồn ĐVHD, vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về việc bảo tồn ĐVHD; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, cưỡng chế, chúng ta mới hạn chế được tình trạng buôn bán ĐVHD. Việc nuôi nhân tạo các loài động vật không ảnh hưởng tới các loài hoang dã có trong tự nhiên và được thực hiện như một biện pháp bảo tồn các loài gen. Tuy nhiên, có mấy điểm cần xem xét: Thứ nhất, hệ thống quy phạm pháp luật cần có quy định chặt chẽ về việc nuôi nhốt, tránh những kẽ hở để đối tượng nuôi nhốt lợi dụng trục lợi dưới hình thức bảo tồn. Thứ hai, phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện cấp phép cho các cơ sở nuôi. Yêu cầu các cơ sở nuôi có đầy đủ điều kiện vật chất, kỹ thuật đảm bảo cho việc nuôi dưỡng được tốt, có quy chuẩn phù hợp về điều kiện chuồng trại, an toàn cho người và vật nuôi. Thứ ba, cần xử lý nghiêm các doanh trại nuôi nhốt nhân tạo núp dưới vỏ nuôi nhốt ĐVHD nhưng thực chất là các trang trại buôn bán ĐVHĐ trá hình. Thứ tư, vì nuôi nhốt liên quan đến bảo tồn, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các trang trại nuôi nhốt ĐVHD, như hỗ trợ tập huấn nuôi nhốt ĐVHD. Theo tôi, không nên bán thanh lý ĐVHD bắt được cho người dân mà nên tìm cơ sở bảo tồn phù hợp để chuyển giao đối với ĐVHD vẫn còn khả năng tiếp tục sống và phát triển được. Đối với các sản phẩm ĐVHD, có thể hiến tặng cho các đơn vị khoa học, viện bảo tàng, giáo dục, y tế. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, quản lý Chương trình bảo vệ ĐVHD, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên: Ở Việt Nam, buôn bán ĐVHD chưa được coi là tội phạm nghiêm trọng 10 năm trở lại đây, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn thế giới. Từ năm 1996-2006, Việt Nam xuất khẩu khoảng 15.000 con khỉ và 150.000 con trăn. Năm 2004-2006, hơn 60.000 cá thể rùa mai cứng được tái xuất sang Trung Quốc. Năm 2008, có 20 tấn tê tê bị bắt giữ ở Việt Nam trên tuyến đường vận chuyển từ Indonesia sang Trung Quốc. Năm 2009, hơn 7 tấn ngà voi tịch thu được ở Việt Nam có nguồn gốc từ Châu Phi. Theo ước tính của Văn phòng Cảnh sát quốc tế, ở Việt Nam, nhu cầu hằng năm về động thực vật hoang dã cho mục đích ẩm thực, dược liệu, sinh vật cảnh và xuất khẩu dao động trong khoảng từ 3.700 - 4.500 tấn, chưa kể đến hàng chục vạn cá thể các loài chim, côn trùng, không thể tính toán thành trọng lượng được. PV: Xin cảm ơn các ông, bà! Hùng Cường (báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/cuoc-chien-bao-ton-dong-vat-hoang-da/20104/140485.vov