Cùng hành động để năm 2012 thực sự là “Năm an toàn giao thông”

- Chính phủ đã quyết định lấy năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”. Mục tiêu quan trọng nhất của năm là giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong rất nhiều giải pháp đặt ra để đạt mục tiêu trên, chúng tôi cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu là từng cán bộ, đảng viên tuân thủ pháp luật và bảo đảm cho được tính công khai, bình đẳng trong xử phạt vi phạm pháp luật giao thông.

(ĐCSVN) - Chính phủ đã quyết định lấy năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”. Mục tiêu quan trọng nhất của năm là giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong rất nhiều giải pháp đặt ra để đạt mục tiêu trên, chúng tôi cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu là từng cán bộ, đảng viên tuân thủ pháp luật và bảo đảm cho được tính công khai, bình đẳng trong xử phạt vi phạm pháp luật giao thông.

Bình đẳng trong xử phạt vi phạm pháp luật là một đòi hỏi của xã hội

“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, nguyên tắc đó được quy định tại Điều 52 Hiến pháp năm 1992. Tại khoản 6, Điều 4 Luật Giao thông đường bộ cũng ghi rõ: “Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật”.

Qua thực tiễn cho thấy, chế định nêu trên dường như chưa được tuân thủ một cách nghiêm túc. Biểu hiện rõ nhất là trong nhiều trường hợp cùng tính chất, mức độ, hành vi vi phạm pháp luật như nhau, nhưng có người vi phạm được “tha ngay”, có người lại bị giữ lại, xử phạt. Trong đó, người được tha, nhiều khi chỉ cần nhấc máy điện thoại “gọi điện thoại cho người thân”, nhờ sự can thiệp là được bỏ qua vi phạm… Như vậy, vấn đề “bình đẳng trước pháp luật” khi thực thi pháp luật về giao thông đang là vấn đề “nóng” cần trao đổi để tìm giải pháp khắc phục.

Cần có quy định “Nghiêm cấm Cảnh sát giao thông, Thanh tra
giao thông nghe điện thoại của người can thiệp việc xử lý
vi phạm về trật tự an toàn giao thông”. (Ảnh: Văn Việt)

Thực tế hàng ngày, trên các ngã ba, ngã tư đường phố chúng ta dễ dàng nhận thấy cảnh tượng nếu người vi phạm Luật giao thông đường bộ (vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm…) khi bị cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông chặn lại kiểm tra thì việc đầu tiên là nhiều người vi phạm không xuất trình giấy tờ mà thay vì đó là việc “gọi điện thoại cho người thân” để can thiệp. Từ chỗ nể nang, những người thừa hành công vụ đã tạo ra cơ chế xin - cho để rồi cùng lỗi vi phạm như nhau, nhưng người được tha, người bị xử lý, tạo sự bất bình đẳng trong thực thi pháp luật về giao thông, hạn chế tính răn đe của pháp luật, tạo sự “nhờn luật” đối với chính những người được tha.

Chính vì nhận thấy “hiệu ứng” của việc “gọi điện thoại cho người thân” can thiệp khi bị xử phạt, nên nhiều đối tượng đã giả danh tự nhận là con em trong ngành Công an, hoặc con em cán bộ trong các cơ quan Nhà nước để mong lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm. Vụ việc được dư luận biết đến nhiều trong thời gian gần đây, đó là vào trung tuần tháng 12 vừa qua, một nam thanh niên đi ô tô xịn khi bị kiểm tra đã giả danh người thân của một lãnh đạo Công an TP Hà Nội để nhằm hù dọa lực lượng đang thi hành công vụ là một ví dụ điển hình. Sự việc diễn ra ngay trên đường phố Hà Nội, rất đông người dân chứng kiến và bày tỏ sự đồng tình cao đối với lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiên quyết xử lý đối tượng vi phạm pháp luật giao thông, khi mà đối tượng này liên tục dùng lời lẽ thiếu văn hóa và "ra oai" gọi điện thoại cho người thân nhờ can thiệp.

Để ngăn ngừa tiêu cực trong lực lượng, mới đây Bộ Công an đã đưa ra quan điểm “nghiêm cấm cán bộ, chiến sỹ Công an can thiệp vào việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của Cảnh sát giao thông”. Chúng tôi hoan nghênh chủ trương này của Bộ Công an, đồng thời kiến nghị Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải nên có thêm quy định “nghiêm cấm Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông nghe điện thoại của người can thiệp việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông”.

Cán bộ, đảng viên cần tiên phong gương mẫu

Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã và đang là một vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc. Qua đó, đã đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn còn ở mức nghiêm trọng. Hàng năm tai nạn giao thông đã làm chết và bị thương hàng chục nghìn người. Tính riêng trong năm 2011, mỗi ngày có khoảng 30 chết, 28 người bị thương vì tai nạn giao thông. Rất nhiều gia đình có người chết, bị thương vì tai nạn giao thông đã trở nên nghèo hóa, bởi chi phí chăm sóc người bị tai nạn, mất nhân lực lao động, thiệt hại về vật chất và tinh thần là vô cùng lớn. Tai nạn giao thông đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội và để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội.

Phân tích thực trạng trên, chúng ta thấy có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém; công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Nhiều cấp ủy Đảng, nhất là cấp ủy Đảng cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nhiều cấp ủy Đảng ở cấp huyện, xã chưa có nghị quyết, kế hoạch chuyên đề thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, cho dù đến ngày 24/2/2012 Chỉ thị này tròn 9 năm ra đời. Trong nhiều các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã thấy rõ sự “tham gia” của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt gần đây nhất, sáng 7/12/2011, trong vụ vận chuyển gỗ lậu trên địa bàn tỉnh Nghệ An có sự thông đồng giữa một số cán bộ kiểm lâm và lâm tặc đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc làm 10 chết và 8 người bị thương…

Mục tiêu của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đặt ra “Năm An toàn Giao thông" 2012 là thiết lập trật tự, kỷ cương an toàn giao thông trong phạm vi cả nước, phấn đấu hàng năm giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông, từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hàng loạt các giải pháp được Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ, ngành chức năng đề ra để đạt mục tiêu trên, chúng tôi mong rằng, trong năm 2012 cần sớm có hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư. Thông qua hội nghị, nội dung về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần được tổng kết một cách khách quan, đánh giá đúng những mặt làm được; chỉ rõ tồn tại, yếu kém; cần “mổ xẻ” cho được nguyên nhân thực trạng tình hình tai nạn giao thông trong thời gian qua và đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục ban hành những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trong đó, cần siết chặt việc tuân thủ pháp luật giao thông đối với cán bộ, đảng viên; cần duy trì việc thông báo vi phạm pháp luật giao thông của cán bộ, đảng viên về kiểm điểm ở cơ quan đơn vị; nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp “chạy lỗi” cho người vi phạm pháp luật giao thông; nghiên cứu bổ sung những chế tài mạnh như không nâng lương, nâng bậc, không cất nhắc, bổ nhiệm đối với những cán bộ, đảng viên tái vi phạm pháp luật giao thông. Qua đó, xác định nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nội dung sinh hoạt định kỳ và là một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tổ chức đảng và phân loại đảng viên; không xét thi đua khen thưởng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông. Đồng thời bổ sung các chế tài như tịch thu, đấu giá thu tiền sung công quỹ Nhà nước đối với các phương tiện ô tô, mô tô, xe máy tham gia đua xe trái phép...

Năm 2012 là “Năm An toàn giao thông”, như vậy mỗi một ngày trong năm 2012 là ngày an toàn giao thông. Đây được coi là một cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thiết lập trật tự kỷ cương giao thông, hướng tới giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Thực tiễn đã chứng minh rằng, một chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chỉ thành công khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải thực sự đứng ở vị trí tiên phong và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức thật sự gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng không xa rời nguyên lý cơ bản đó.

Trước thềm Xuân mới, chúng tôi những người cầm bút mong sao trật tự kỷ cương giao thông trên phạm vi cả nước sẽ được khởi sắc, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên và theo đó, tình hình tai nạn giao thông sẽ từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà. Để có được hạnh phúc đó, không ai mang lại cho chúng ta, mà “hành động mỗi người trong chúng ta có thể làm ngay đó là chấp hành nghiêm pháp luật về bảo đảm trật tự và an toàn giao thông”- Đó cũng chính là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới phát đi nhân dịp “Năm An toàn giao thông 2012".

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=499570&co_id=30106