Cúng Tiên sư mồng 9 tháng giêng

Vào ngày mồng 9 tháng giêng ở quê tôi mọi người tùy theo nghề nghiệp của mình tiến hành làm lễ cúng các vị tổ của các nghề gọi là "lễ cúng Tiên Sư" .

Tiên sư còn gọi là Thánh sư, Nghệ sư là thầy dạy nghề các đời trước, là ông tổ một nghề nào đó hoặc là người đã khai phá ra nghề và truyền lại cho các thế hệ sau được thờ cúng tại xưởng hoặc tại gia. Họ chỉ là con người bình thường nhưng được nhân dân tôn thờ vì đã có công tạo ra nghề và truyền dạy cho dân chúng. Trước đây những người cùng một nghề hay cùng buôn bán một thứ hợp nhau lại thành một phường hội, lập miếu thờ Thánh Sư. Lễ vật cúng Tiên sư tại nhà thường là hương, hoa, trà, rượu và một con gà. Trước đây sau khi cúng Tiên sư xong thì làm lễ khai bút đối với những ngành nghề liên quan đến con chữ hoặc làm mở hàng công việc của mình đối những nghề thủ công. Ngày nay, tục khai bút không còn phổ biến, nhưng những người thợ vẫn duy trì lễ ra mắt Tiên sư. Gia đình nhà tôi hầu hết ai cũng làm nghề giáo, bởi vậy năm nào cũng vậy sáng mồng 9 tháng giêng mẹ tôi dạy thật sớm để làm mâm cúng lễ Tiên sư. Theo như quan niệm của nghề dạy học thì tiên sư của nghề là đức Khổng Tử. Ông cũng là vị thầy cao cả nhất trong xã hội Á Đông. Người đi dạy cũng như người đi học từ xưa luôn luôn xem ông là bậc "vạn thế sư biểu" tức là ông thầy tiêu biểu của muôn đời. Là một nhà giáo dục chân chính, một bậc thầy vĩ đại không phải chỉ riêng của Trung Hoa mà còn của cả thế giới loài người. Nhờ Khổng Tử địa vị của ông thầy được người đời xưa nâng cao, hơn cả địa vị của ông cha, chỉ đứng sau địa vị của ông vua. Đến khoảng 6h sáng là nhà tôi hoàn tất việc cúng kính, cả gia đình cùng nhau quay quần bên bữa cơm cúng buổi sáng để nhắc nhở bảo ban công việc phải làm như thế nào cho giữ được phẩm chất của ngành nghề. Cúng tiên sư ngành nghề là thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn" và "tôn sư trọng đạo" để nhớ ơn các bậc tiền nhân có công truyền dạy nghề và đây cũng là dịp để khuyến khích, hỗ trợ nhau trong công việc làm ăn. Chính vì vậy mà ngày cúng Tiên sư là một nét văn hóa truyền thống cần được giữ gìn và phát huy trong cuộc sống hiện đại với biết bao bộn bề công việc. Hoàng Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/cung-tien-su-mong-9-thang-gieng/32005