Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn: Đâu chỉ có đá núi

Cao nguyên đá Đồng Văn được ghi nhận là 1 trong 77 công viên địa chất trên thế giới (của 24 quốc gia), bao gồm toàn bộ diện tích 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ. Nơi đây có cảnh quan địa chất và kiến tạo địa chất điển hình cho sự hình thành của lớp vỏ Trái đất ngày nay. Nơi còn tìm thấy hóa thạnh cổ sinh của các loài sinh vật như Tay Cuộn, bọ Ba Thùy... có niên đại khoảng 500 triệu năm về trước. Là nơi phát hiện khoảng 40 điểm di sản có giá trị tài nguyên mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế, như 7 di sản về tiến hóa Trái đất, 7 di sản về vườn đá...

Người dân bản địa đang cần các khóa học đào tạo về du lịch

Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều hẻm vực sâu và kỳ vĩ, có hẻm vực dài hơn 30km, sâu từ 700-800m, vách dựng đứng 80-90 độ. Có mái nhà lệch, hoang mạc đá, tháp đá, chóp đá, nón đá, hố sụt karst, hàng trăm hang động, hang khô và hang có nước... Đã có những di sản từng "nóng” trên các diễn đàn bảo tồn vì khai thác đá, cây rừng, hoa và các động vật quý hiếm. Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo tồn bền vững.

3 khuyến nghị khẩn

Cần bảo vệ tính nguyên bản của kiến trúc truyền thống bản địa là 1 trong 3 khuyến nghị có tính khẩn cấp, mong muốn tỉnh Hà Giang cần tổ chức thực hiện ngay, do ông Guy Martini - Điều phối viên cùng nhóm công tác của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) đề xuất mới đây. Phải bằng các biện pháp, hành động cụ thể để cộng đồng cải thiện nhanh chóng tình trạng phá hủy, xuống cấp các kiến trúc truyền thống tại các điểm di sản, làng bản, nhất là tình trạng xây dựng mới với kiến trúc, vật liệu phi truyền thống trên tinh thần bảo tồn kiến trúc bản địa.

Cần tổ chức chương trình giáo dục đặc biệt về kiến trúc truyền thống, truyền thụ kỹ thuật xây dựng truyền thống trong cư dân địa phương. Kiến trúc truyền thống của các làng bản người dân tộc vùng cao nơi đây là những ngôi nhà trình tường (tường đất), hàng rào bao quanh bằng đá xếp không có chất kết dính (của người Mông); nhà sàn bằng gỗ của người Tày, vật liệu làm mái nhà…Tỉnh cần tìm nguồn tài chính để phục chế tính nguyên bản kiến trúc đang bị phá hủy bởi thời gian hoặc sự tác động của con người.

Hai là, cần bảo vệ cảnh quan di sản, khi các điểm khai khoáng (đá, mỏ kim loại…) ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan các di sản hiện nay trên khu vực Công viên địa chất. Hoạt động khai thác đá thủ công, khai thác khoáng sản thổ phỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ cảnh quan đá vôi, nhất là ở các khu dân cư, ven trục đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, liên xã. Chính quyền địa phương cần quy hoạch vùng khai khoáng hữu hạn và vùng cấm tuyệt đối các hoạt động khai thác, bảo vệ bằng luật định.

Cuối cùng là việc cấp giấy phép ra, vào biên giới. Nếu không bỏ được thủ tục đó thì phải có biện pháp đơn giản thủ tục, như cấp giấy phép cùng nơi cấp thủ tục "Visa đến” ở sân bay, cấp phép trực tiếp tại các khách sạn trên khu vực Công viên địa chất.

Thách thức lớn

Các chuyên gia GGN nhấn mạnh, những giá trị địa chất địa mạo, cấu trúc nội tại, kiến trúc, nhân văn của các dân tộc trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn rất quý giá. Những đỉnh núi cao nhô ra từ các ngọn núi lớn trông giống như những cây kim, những vách đá dốc và các chỏm núi trông giống như đợt sóng vỗ, tất cả như được khắc trên một hẻm núi qua một dòng sông ngoằn ngoèo. Đây chính là lực hút để ngày càng có nhiều người trong khu vực và trên thế giới đến với Hà Giang. Họ đi tìm câu trả lời về sự tồn tại của con người trên vùng sa mạc đá. Điều này không phải ở đâu cũng có được.

Tuy nhiên hiện nay, khu phố cổ Đồng Văn được xây dựng đầu thế kỷ 20 có 40 căn hộ thì 18 căn bị phá hủy và bị hư hại nặng. Tuy đã có chương trình bảo vệ nhưng tỉnh chưa có kinh phí tái phục chế các công trình kiến trúc bị hư hỏng. Trên Phố Bảng (Đồng Văn) có khu nhà cổ xây cùng thời với phố cổ Đồng Văn đã xuất hiện nhiều nhà mới với kiến trúc hiện đại đã phá vỡ cảnh quan chung khu Công viên địa chất. Kiến trúc làng truyền thống cũng đang bị phá vỡ khi thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ về xóa nhà tạm, đã xuất hiện các khu nhà kiểu nhà tập thể. Thật khó xử bởi nếu phá bỏ sẽ lãng phí tiền của Nhà nước và công sức của dân nhưng nếu để, sẽ không bảo vệ được tính nguyên bản và không gian của kiến trúc truyền thống.

Để ai ghé thăm vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đạt được lợi ích từ sự đa dạng nhiều loại môi trường địa chất trong một khu vực nhỏ và dễ dàng tiếp cận, rất cần quan tâm tới khuyến cáo của các chuyên gia. Cần cả các khóa học đào tạo hướng dẫn viên du lịch kết nối các tour về văn hóa với điểm di sản địa chất hấp dẫn. Vì chẳng có gì để nghi ngờ rằng văn hóa dân tộc Mông, Tày trên Cao nguyên đá Đồng Văn, từ kiến trúc đến bản sắc của người dân đều hình thành từ vẻ đẹp hoang dã của cảnh quan nơi đây.

Công viên địa chất đang chứng minh cho cư dân bản địa thấy rằng, biết để tâm đến bảo tồn một hệ thống đá núi chập trùng vốn chẳng được quan tâm khai thác giá trị, hoàn toàn có cách để biến đá thành điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Lê

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=54733&menu=1552&style=1