Công ty APT: Tái cấu trúc hay giải thể

(Petrotimes) - Những sai phạm tại Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (gọi tắt là Công ty APT) với khoản lỗ được xác định là 169,762 tỉ đồng, chưa kể những khoản nợ lớn, đã cho thấy những tiềm ẩn rủi ro về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã chuyển toàn bộ hồ sơ thanh tra về các vấn đề tiêu cực liên quan đến lãnh đạo và cá nhân của Công ty APT sang Công an TP HCM để tiếp tục xử lý làm rõ.

Nguy cơ phá sản vì lỗ nặng!

Công ty APT tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1976, trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA). Doanh nghiệp này từng có chút tiếng tăm trên lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng thủy hải sản, nông sản với thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước. Vào các năm 2007-2009, Công ty APT bắt đầu chuyển hoạt động theo mô hình cổ phần trong đó cổ đông Nhà nước là SATRA chiếm tỉ lệ 30%.

Thế nhưng, những khoản nợ và kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng ở Công ty APT khiến doanh nghiệp này lâm vào nguy cơ phá sản, thực sự là một bài học lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh thủy – hải sản trong thời điểm hiện nay. Theo kết luận của Thanh tra TP HCM, chỉ tính riêng vào thời điểm tháng 6/2009, Công ty APT đã thua lỗ tổng cộng 169,762 tỉ đồng (gấp đôi số vốn điều lệ 88 tỉ đồng), chưa kể đến những khoản nợ lớn của đối tác, mà phần lớn là nông dân do thua lỗ trong hợp tác đầu tư với doanh nghiệp này.

Hoạt động chế biến thủy hải sản tại Công ty APT

Một trong những khoản lỗ điển hình của APT là tại đơn vị thành viên, Xí nghiệp Kinh doanh Nuôi trồng, do lơ là quản lý dẫn đến việc các đối tác còn nợ vốn đầu tư không có khả năng thanh toán hơn 30,7 tỉ đồng. Ngoài ra, còn để cho các trạm thu mua thủy – hải sản chiếm dụng vốn tiền thu bán hàng hơn 20,3 tỉ đồng.

Tương tự, Xí nghiệp Chế biến thực phẩm thủy sản Chợ Lớn thuộc APT cũng bộc lộ những yếu kém từ việc liên kết và đầu tư nuôi trồng thủy – hải sản với đối tác, không có biện pháp thu hồi nợ khi hoạt động nuôi trồng bị lỗ, dẫn đến đối tác không hoàn trả vốn đầu tư hơn 15,3 tỉ đồng. Ngoài ra, trong hợp đồng mua bán hàng nội địa, Công ty Cổ phần Bảo Vinh đã ký xác nhận nợ với Công ty APT hơn 51,84 tỉ đồng, trong đó nợ vốn hơn 42,1 tỉ đồng, còn lại là nợ lãi hơn 9,7 tỉ đồng. Qua thanh tra cho thấy chính việc buông lỏng của lãnh đạo Công ty APT và Xí nghiệp Chế biến thực phẩm thủy sản Chợ Lớn, để quan hệ gia đình cán bộ quản lý tham gia vào hoạt động mua bán này khiến cho khoản công nợ này chưa thu hồi được.

Đối với 2 đơn vị khác của APT là Xí nghiệp Đông lạnh Thắng Lợi và Xí nghiệp Chế biến thực phẩm thủy sản Bình Thới cũng bộc lộ yếu kém, kinh doanh không hiệu quả, không đủ năng lực tổ chức sản xuất…

Không những vậy, Công ty APT còn vay của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) 206 tỉ đồng để trả nợ cho Ngân hàng Á Châu (ACB)và Sàn Giao dịch II – Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)nhưng đến nay, khi các ngân hàng cho vay đảo nợ, thúc ép thanh lý tài sản để thu hồi nợ, APT không thể cân đối để đảm bảo các khoản nợ đã và đang đến hạn.

Sử dụng vốn không hiệu quả

Những phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy yếu tố chính khiến APT lỗ nặng là do hoạt động nuôi trồng, kinh doanh thủy – hải sản thất bại, hàng tồn kho, những khoản công nợ khó đòi… đã chiếm hơn 108 tỉ đồng trong các khoản thua lỗ. Ngoài ra, cũng phải kể đến yếu tố khách quan do lãi suất tăng chóng mặt, do chênh lệch tỉ giá USD, tỉ giá vàng… với tổng số tiền lỗ hơn 61 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Thanh tra TP HCM, một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này thua lỗ là do tổ chức kinh doanh thiếu chiến lược, thiếu dự báo tình hình và không kịp thời điều chỉnh cơ cấu vốn phù hợp với từng thời điểm dẫn đến việc sử dụng vốn không hiệu quả. Không những vậy, còn có sự đối phó và không trung thực trong báo cáo tình hình thua lỗ tại đây.

Tuy có nhiều đơn vị thành viên nhưng do lãnh đạo APT quản lý vốn không chặt chẽ dẫn đến khả năng thu hồi vốn chậm hoặc bị mất vốn trong lúc phải trả lãi ngân hàng. Có dấu hiệu để tư nhân núp bóng các đơn vị, áp dụng cơ chế khoán nhưng thiếu quản lý, không nắm bắt được toàn bộ hoạt động của các đơn vị thành viên nên không tìm ra nguyên nhân lỗ để khắc phục… Điều tệ hại hơn khi APT hoạt động như một ngân hàng trung gian cho các đơn vị trực thuộc vay lấy lãi nhưng lại không có thế chấp và những ràng buộc pháp lý để thu hồi vốn.

Thanh tra TP HCM cho rằng, trách nhiệm thua lỗ trước hết thuộc về lãnh đạo Công ty APT và các cá nhân đại diện vốn Nhà nước tại Công ty trước thời điểm 30/6/2009.

Không thể khai tử?

Được biết với những khoản thua lỗ lớn, mặc dù Công ty APT đã âm vốn điều lệ nhưng sẽ không tiến hành thủ tục phá sản mà sẽ được SATRA tạo điều kiện để tự cân đối trả nợ. Bởi vì nếu chọn phương án giải thể APT sẽ dẫn đến hậu quả lớn khó xử lý, các ngân hàng, chủ nợ và cổ đông sẽ không chấp nhận phương án này.

Trên cơ sở báo cáo kết luận thanh tra về vụ Công ty APT, mới đây UBND TP HCM đã thống nhất theo đề xuất của SATRA là chọn tái cấu trúc lại tổ chức và hoạt động của APT để giúp doanh nghiệp này phục hồi, duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Về khoản nợ hiện tại đối với các ngân hàng, UBND TP HCM yêu cầu SATRA chỉ đạo Công ty APT làm việc với các ngân hàng để xin khoanh nợ, tạo điều kiện cho công ty tái cấu trúc để trả nợ sau này. Đối với những tiêu cực và sai phạm của lãnh đạo và cá nhân tại Công ty APT và các đơn vị thành viên, UBND TP HCM đã chỉ đạo thanh tra thành phố chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan sang Cơ quan điều tra Công an TP HCM nhằm tiếp tục xử lý làm rõ.

Nhìn từ vụ thua lỗ của Công ty APT mới thấy rằng, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp ở TP HCM đang đối mặt trước tình trạng hoạt động kinh doanh thua lỗ nặng nề trong bối cảnh kinh tế khó khăn và một phần do buông lỏng quản lý của người lãnh đạo. Nếu nói về tình cảnh khách quan, tình trạng phổ biến đối với các doanh nghiệp thua lỗ là phần lớn lợi nhuận của họ đều sụt giảm mạnh, trong khi đó có những khoản công nợ khó đòi, còn phần nợ vay lại cao, dẫn đến việc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa tạm thời. Chính vì vậy mà lợi nhuận họ làm ra không những đã thấp do chênh lệch tỉ giá USD, giá vàng mà còn phải chi một phần không nhỏ cho lãi vay. Việc ngân hàng hạn chế cung tiền trong thời gian qua cũng một phần dẫn đến việc những doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, còn doanh nghiệp có nợ phải chịu chi phí lãi vay cao. Mặc dù không ít doanh nghiệp thu lỗ, nợ nần, trì trệ, thậm chí tạm ngừng hoạt động hoặc lâm vào nguy cơ phá sản nhưng vì nhiều lý do nên không dễ dàng mạnh dạn “khai tử”. Và đó là cách lựa chọn của APT.

Liệu có còn khuất tất, tiêu cực gì hay không từ phía lãnh đạo của doanh nghiệp này? Câu trả lời sẽ được Cơ quan điều tra Công an TP HCM làm rõ trong thời gian tới !

Thế Vinh

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/thuong-truong/2011/11/cong-ty-apt-tai-cau-truc-hay-giai-the