Công trình nước sạch… sạch nước

QĐND - Nhờ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, một số xã vùng cao huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có xã Sơn Lĩnh đã được đầu tư xây dựng các công trình nước sạch. Thế nhưng hiện nay hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cung cấp nước sạch đến các hộ gia đình ở xã Sơn Lĩnh đã hư hỏng nghiêm trọng, một số hạng mục hầu như bị tê liệt hoàn toàn.

Năm 2004, xã Sơn Lĩnh được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt gồm 25 bể chứa nước với tổng kinh phí 782 triệu đồng, đặt tại các xóm, từ xóm 3 đến xóm 10 và trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế. Riêng xóm 1 và xóm 2, do địa hình quá cao nên không thể lắp đặt hệ thống ống dẫn.

Ông Nguyễn Quang Tình bên bể nước bỏ hoang được xây dựng ngay trong vườn của gia đình.

Hệ thống dẫn nước là ống nhựa cứng, chôn với độ sâu 40cm, chạy dọc tuyến Đường Tây Sơn Lĩnh về các cụm dân cư, mục đích phục vụ cho hơn 650 hộ dân của 8 xóm. Công trình đã được bàn giao và đưa vào sử dụng. Thế nhưng hiện nay nhiều hạng mục công trình đã bị hư hỏng và người dân lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch.

Về Sơn Lĩnh, chúng tôi tìm hiểu và được biết, từ xóm 3 đến xóm 8, sau khi bàn giao đưa vào sử dụng ít lâu các bể chứa nước hầu như bị như bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, bể luôn cạn nước. Những hộ dân hiến đất để xây bể rất bức xúc vì bể nước không phát huy tác dụng.

ông Nguyễn Quang Tình, người dân ở xóm 3 xã Sơn Lĩnh, cho biết: “Năm 2004, người dân chúng tôi vui mừng khi thấy nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch cho các xóm, nhưng khi đưa vào sử dụng và khai thác thì… chả thấy nước đâu. Gia đình tôi phải đến nhà người quen để tắm nhờ và phải mua nước sạch để sử dụng hằng ngày. Những công trình nước sạch này có trị giá gần tỷ đồng bị bỏ hoang, lãng phí quá!”.

Trong những ngày mùa hè nóng nực này, câu chuyện nước sinh hoạt trên địa bàn xã Sơn Lĩnh trở thành tâm điểm của người dân nơi đây. Gặp chúng tôi, hàng trăm người dân trong xã đã bày tỏ những ý kiến bức xúc, tập trung vào các vấn đề: Chất lượng công trình không bảo đảm do sự tắc trách trong thiết kế, khảo sát, thi công; nguồn nước lấy từ đập Xai Phố lại không bảo đảm vệ sinh; hệ thống ống dẫn không đạt chất lượng và quá nhỏ nên nước không thể chảy đến tận các xóm cuối nguồn. Theo người dân, nguồn nước chỉ dùng cho việc giặt giũ và tưới cây thì phù hợp, chứ không thể đáp ứng thêm các sinh hoạt khác như tắm rửa, lọc nước uống hay nấu ăn hằng ngày. Đây cũng là lý do khiến cho các hộ dân đầu nguồn, chủ yếu là hai xóm 9 và 10 tự ý đục khoét ống dẫn để lấy nước tưới tiêu vườn tược. Người dân thì thiếu ý thức bảo vệ tài sản chung, còn chính quyền địa phương thì tỏ ra “không mặn mà” và bất lực trong công tác quản lý, đành phải trông chờ cấp trên cấp kinh phí để sửa chữa.

Trước thực trạng hệ thống nước sạch bị hư hỏng và không phát huy tác dụng, ông Nguyễn Hữu Đoài, Chủ tịch UBND xã Sơn Lĩnh cho biết: “Chúng tôi đã cử người xuống khảo sát và tu sửa một vài lần nhưng một số hộ dân thiếu ý thức đã tự ý cắt, đục đường ống chính lắp ống dẫn nước về gia đình mình. Chính quyền xã đã kiến nghị lên cấp trên xem xét, hỗ trợ địa phương tu sửa lại công trình để tiếp tục hoạt động trở lại. Giờ đây chúng tôi chỉ biết chờ sự hỗ trợ của UBND huyện và UBND tỉnh, chứ địa phương là xã miền núi nghèo không có kinh phí để tu sửa, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống”.

Hiện nay đang bước vào mùa nắng nóng, khô hạn, việc tu bổ và sửa chữa hệ thống nước sinh hoạt cho người dân ở Sơn Linh là rất cấp thiết. Chúng tôi cho rằng, chính quyền và người dân không nên đổ lỗi cho nhau, mà cần ngồi lại bàn bạc để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng trên. Bên cạnh đó, UBND huyện Hương Sơn và UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các cơ quan chức năng nên kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình xem đã đúng với thiết kế ban đầu hay chưa để sớm tìm ra nguyên nhân và biện pháp xử lý.

Bài và ảnh: Văn Chiến – Cảnh Trang

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/191978/Default.aspx