Công tác vận động quần chúng, bài học vẫn còn mới

Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, chúng tôi đến thăm Đại tá Huỳnh Công Phố, nguyên Phó Giám đốc phụ trách an ninh, Công an tỉnh Khánh Hòa, được nghe ông kể về giải quyết vấn đề FULRO ở Phú Khánh (nay là Khánh Hòa và Phú Yên) những ngày đất nước mới được giải phóng.

Theo lời hẹn, chúng tôi gặp ông tại nhà riêng. Vẫn tác phong nhanh nhẹn, cởi mở và gần gũi ngày nào, sau câu chuyện thăm hỏi, ông kể chúng tôi nghe về công tác của lực lượng An ninh tỉnh nhà. Chúng tôi đặc biệt tâm đắc nhất với việc vận dụng biện pháp quần chúng để từng bước làm tan rã các cơ sở và tiêu diệt bọn cầm đầu FULRO ở địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Sau ngày miền Nam giải phóng, thực hiện âm mưu của các thế lực thù địch, những tên cầm đầu trong tổ chức FULRO nhen nhóm hoạt động trở lại. Chúng đẩy mạnh hoạt động vũ trang, gây mất ổn định ở địa bàn Tây Nguyên, đồng thời tìm cách phát triển tổ chức FULRO xuống Khánh Hòa… tạo hành lang cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men. Công an xã Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tuần tra bảo vệ ANTT địa bàn. Ở Khánh Hòa, FULRO xâm nhập bằng 3 hướng: từ Lâm Đồng xuống huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh; Đắk Lắk xuống Ninh Tây, huyện Ninh Hòa; Ninh Thuận ra Cam Thịnh, huyện Cam Ranh. Từ tháng 2/1976, Hà Xiêng, Xà Đuốc, Hà Mang từ Lâm Đồng xuống 8 xã thuộc huyện Khánh Vĩnh và Diên Khánh tuyên truyền lôi kéo được một số người dân tộc Raglei và T'Rin tham gia FULRO. Bước đầu chúng đã quyên góp được một số thuốc men, lương thực. Tháng 5/1977, bọn cầm đầu FULRO vùng IV cử Sà Va phụ trách 1 toán gồm 20 tên vũ trang, xuống vùng núi Gia Rit, thuộc huyện Khánh Vĩnh, tuyên truyền lôi kéo đồng bào, trong thời gian ngắn lôi kéo được khoảng 300 người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia FULRO. Năm 1976, nhóm FULRO do Mang Hàng cầm đầu tại Ninh Thuận móc nối với Mang Lương, Mang Liên và Mang Thay ở tại Cam Thịnh, Cam Ranh tuyên truyền lôi kéo đồng bào theo FULRO Chăm. Chúng đã hình thành 1 khung Tiểu đoàn do Mang Thay làm Tiểu đoàn trưởng. Nhóm FULRO từ Đắk Lắk xuống do Y Khế cầm đầu. Tháng 11-1977, Y Khế chỉ huy toán FULRO vũ trang tổ chức phục kích tại xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa, buộc Y Thuôn đến các buôn trong xã tuyên truyền lôi kéo đồng bào theo FULRO. Chúng đã lôi kéo được 57 người theo FULRO. Trên cơ sở một số người buộc phải theo tổ chức FULRO, chúng thành lập khung chính quyền tại xã. Xây dựng chính quyền 2 mặt. Trên danh nghĩa là chính quyền cách mạng, nhưng thực chất họ là người của tổ chức FULRO. Hoạt động của chúng làm cho tình hình an ninh chính trị ở địa bàn miền núi Khánh Hòa trở nên phức tạp. Để giải quyết vấn đề FULRO ở Khánh Hòa, các lực lượng Công an, Quân đội và các ban ngành đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cần tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, coi đó là công tác hàng đầu. Đồng thời có biện pháp phân hóa cô lập các toán FULRO vũ trang ở ngoài rừng, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang của tỉnh truy quét, hỗ trợ cho công tác bóc gỡ cơ sở của FULRO ở trong buôn làng. Đến ngày 2/2/1977, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 04/CT- TW và sau đó được cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 268/CT của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị nhấn mạnh: "…Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên…". Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 11 xác định đường lối giải quyết vấn đề FULRO là: Xác định vấn đề FULRO, nhấn mạnh phải đặt việc thực hiện tốt chính sánh dân tộc của Đảng, công tác vận động quần chúng là cơ bản, then chốt quyết định. Lực lượng An ninh Phú Khánh, nòng cốt là Đội chống FULRO thuộc Phòng Bảo vệ chính trị IV (nay là Phòng PA38, đơn vị được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang" năm 2003), cùng với An ninh huyện Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Ninh Hòa, phối hợp với Ban dân tộc Miền núi tỉnh, các ban ngành, đoàn thể của tỉnh, tổ chức nhiều đợt vận động quần chúng.

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/binhyencuocsong/ghichep/2010/9/168456.cand