Công nghiệp hỗ trợ: Bài toán giảm nhập siêu

Ngành công nghiệp hỗ trợ hiện đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng nền kinh tế và chấn hưng đất nước. Công nghiệp hỗ trợ sẽ là bài toán căn cơ để giải quyết tình trạng nhập siêu của Việt Nam cũng như tạo sức hút để thu hút đầu tư quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng (thứ 2 từ phải sang), làm việc với lãnh đạo giới ngân hàng Nhật Bản, trong chuyến công tác thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại Nhật Bản tháng 11/2015.

Mặc dù tăng trưởng ổn định và đóng góp quan trọng vào GDP cả nước, tuy nhiên, cho đến nay, ngành công nghiệp Việt Nam dường như vẫn đang loay hoay với bài toán khó. Nguồn lực tài chính ít, tỷ lệ nội địa hóa (NĐH) thấp, lắp ráp gia công là chủ yếu, thiếu công nghiệp hỗ trợ và vắng bóng những thương hiệu mạnh mang tầm khu vực và quốc tế.

Nhà nước “xây” hành lang pháp lý

Việc hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới trong thời gian qua đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo các cấp ngành và cộng đồng DN quyết tâm tập trung vào phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngày 03/11/2015 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiến tới trình Quốc hội xây dựng và ban hành Luật về công nghiệp hỗ trợ. Đây là quyết sách đúng đắn để Việt Nam sớm cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Theo số liệu ước tính tình hình sản xuất một số sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao tại Việt Nam như sau: Chế tạo ô tô NĐH đạt khoảng 5 – 20%; Điện tử NĐH đạt khoảng 5 – 10%; Công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao 0%; Cơ khí chế tạo khác NĐH đạt khoảng 15% – 20%.

Đoàn công tác của Hiệp hội và Ủy ban phát triển CNHT Việt Nam (VCCI) thăm, làm việc tại nhà máy sản xuất sản phẩm CNHT của Công ty Sawada Precision tại thành phố Himeji, tỉnh Hyogo, Nhật Bản (tháng 11/2015)

Cộng đồng DN Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ, thậm chí là hết sức khó khăn trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình gia nhập xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Cơ hội lần thứ nhất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã trôi qua kể từ khi Việt Nam có chính sách đổi mới mở cửa thu hút các DN FDI (đặc biệt là các DN tập đoàn lớn của nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư: Toyota, Canon, Honda, Ford, Intel, Panasonic,…). Ngay từ ngày đó chúng ta phải có chính sách thúc đẩy các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất các linh kiện phụ trợ cho các tập đoàn lớn này, mặt khác phải khuyến khích thậm chí phải có định chế để các DN tập đoàn này phải nội địa hóa các sản phẩm linh phụ kiện cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên do nhiều yếu tố và vì lợi nhuận của các tập đoàn này, cũng như do các tập đoàn này đã tham gia quá sâu vào việc nhận cung ứng đầu vào của các DN công nghiệp hỗ trợ trên toàn thế giới, đặc biệt là DN tại chính bản quốc của họ. Ngay trong Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA), có các công ty hội viên đã, đang tham gia sản xuất và cung ứng trực tiếp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các DN FDI lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng số đó chưa nhiều và rất “chật vật” để có được đơn hàng, hợp đồng lâu dài, ổn định với các DN FDI nói trên.

HANSIBA hiện đã quy tụ khoảng 200 hội viên là các tổ chức DN, cá nhân liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh các sản phẩm ngành CNHT tại Hà Nội và nhiều đơn vị hội viên liên kết có nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh, thành phụ cận như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hải Phòng…

Và không chỉ DN ngành công nghiệp hỗ trợ mà cộng đồng DN Việt Nam nói chung, giờ đây đều ý thức về việc cần phải chủ động tìm hiểu môi trường kinh doanh, sản xuất mới, xây dựng chiến lược lâu dài không phải chỉ để có lợi nhuận trước mắt mà phải xâm nhập được vào các chuỗi sản xuất, cung ứng trên thế giới và khu vực. Các DN cần có những nghiên cứu về chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực, từ đó rút ra những kết luận về các chuỗi đó là gì? trình độ công nghệ và quản lý ra sao?

Về lâu dài, đây là yếu tố quan trọng nhất cho sự tồn tại và phát triển mà các DN Việt Nam và DN ngành công nghiệp hỗ trợ cần phải nhận thức rõ.

Doanh nghiệp “dựng” cơ đồ

Công cuộc “đổi mới” do Đảng – Nhà nước ta phát động suốt 3 thập kỷ qua là quá trình thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về DN, doanh nhân. Theo như ý kiến của Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, là “thằng bán tơ” trong truyện Kiều, là “mụ Lường” trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, là đối tượng trong các cuộc cải tạo công thương nghiệp, là “con buôn”, “con phe” trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, những người làm kinh doanh đã tìm lại được tên mình với 2 chữ “Doanh nhân” trong thời đại mới. Tôi cũng như nhiều DN, doanh nhân nước Việt rất trân trọng những điều thế hệ đi trước đã làm nên, đã để lại cho thế hệ chúng tôi được kế tục, chung sức gánh vác nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi nguyện lấy tinh thần dân tộc để làm việc, xây dựng quê hương đất nước. Nhân dịp Tết đến, Xuân về, thay lời chúc, sự chia sẻ chân thành nhất tới cộng đồng DN, DN Việt Nam, xin gửi tặng lại các DN, doanh nhân những câu thơ trong bài thơ tên “Hiền” như lời tự sự về đời doanh nhân của một “người anh” trong mái nhà DN đất Việt:

“Cuộc đời chẳng cho chúng ta hiền
Lo việc bao đồng như … Tề Thiên
Mỗi ngày trăm thứ cần ứng biến
Rồi lại từng đêm với muộn phiền

Dẫu biết đời ta khó thể hiền
Mà ta vẫn bước, vẫn trung kiên
Tấm lòng bao dung tâm sáng thiện
Vẫn sống yêu thương, vẫn sống hiền !”.

Nguyễn Hoàng
Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT thành phố Hà Nội (HANSIBA)
Chủ tịch Ủy ban Phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – VCCI

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cong-nghiep-ho-tro-bai-toan-giam-nhap-sieu.html