Công nghệ điện toán đám mây tại Việt Nam

Với trung tâm điện toán đám mây đầu tiên được ra mắt từ nửa cuối 2008, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên của ASEAN đưa vào sử dụng công nghệ này. Đến nay, với những dịch vụ cụ thể, những ứng dụng cụ thể, khái niệm điện toán đám mây đã dần trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, để hiểu cặn kẽ về thuật ngữ được giới công nghệ bàn đến nhiều trong thời gian gần đây lại là câu chuyện khác.

Điện toán đám mây là gì? Theo ông Hoàng Lê Minh - Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam: "Bản chất của điện toán đám mây là sự hội tụ các thành tựu về nghiên cứu phát triển các công nghệ mới; các quan điểm về ứng dụng CNTT hiện nay ở trên thế giới cũng như Việt Nam. Điện toán đám mây cũng là một trong những khái niệm mơ hồ nhất từ trước đến nay chúng ta gặp phải. Nó cũng giống như cái gì ở trên cao, ở trong mây, chúng ta không thể nhận biết được. Nhưng đó cũng chính là mục tiêu mà hiện nay ngành CNTT truyền thông đang hướng tới". Ông Nguyễn Xuân Hoàng - TGĐ Công ty CP Misa: "Đám mây ở trên trời, bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy nó. Điện toán đám mây trong lĩnh vực CNTT nó cũng tương tự như vậy. Đi bất cứ đâu trên thế giới chúng ta đều có thể sử dụng, khai thác dữ liệu của chúng ta miễn là có internet". Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc bộ phận nghiên cứu, Công ty Bkav: "Công nghệ điện toán đám mây sẽ ảo hóa các tài nguyên tính toán, các dịch vụ. Thay vì quản lý nhiều máy chủ, chỉ cần máy chủ duy nhất . Máy chủ đó sẽ tận dụng tất cả các tài nguyên của máy chủ khác trong cùng 1 hệ thống". Ông Trịnh Minh Cường - Chuyên gia cao cấp Microsoft Việt Nam: "Clound Computing là dịch vụ được cung cấp bởi một số các công ty trên nền tảng internet cho hàng tỷ người... ". Ông Hoàng Lê Minh: "Công nghệ điện toán đám mây cho phép chúng ta đưa ra các dịch vụ đám mây. Các dịch vụ đám mây cho phép người sử dụng dễ dàng truy cập sử dụng các dịch vụ không cần hiểu biết nhiều về CNTT, không cần có chuyên gia giúp đỡ vẫn có thể sử dụng dễ dàng được. Đồng thời các nhà cung cấp dịch vụ đó trở nên rất chuyên nghiệp, họ đi sâu vào phát triển những ứng dụng giúp chp người sử dụng dễ dàng hơn sản phẩm và các dịch vụ của mình". Hiện tại, khái niệm về điện toán đám mây vẫn đang được giới công nghệ chỉnh lại hàng ngày, tuy nhiên những ứng dụng của nó lại không quá phức tạp như vậy.Với cùng một câu hỏi đặt ra cho đại diện một số đơn vị phát triển dịch vụ và ứng dụng điện toán đám mây, chúng tôi mong muốn tìm ra đáp án chung nhất cho câu hỏi: Công nghệ điện toán đám mây cần được hiểu như thế nào? Hiểu một cách đơn giản, điện toán đám mây là việc ảo hóa các tài nguyên tính toán và các ứng dụng. Thay vì việc bạn sử dụng một hoặc nhiều máy chủ thật thì nay bạn sẽ sử dụng các tài nguyên được ảo hóa thông qua môi trường Internet. Điện toán đám mây: Trào lưu mới? Ngay từ khi được thành lập, Viện Công nghiệp phần mềm - Nội dung số Việt Nam đã bắt đầu tập trung nghiên cứu về công nghệ điện toán đám mây, và đó cũng là lĩnh vực được tập trung trong thời gian tới. Đến nay, Viện đã có được nhứng ứng dụng cụ thể đưa vào thử nghiệm đầu tiên tại khu vực Tây Bắc - Tây Nguyên - nơi được coi là còn thiếu những yếu tố để thúc đẩy sự phát triển của CNTT như trình độ nhân lực và trang thiết bị. Theo Viện trưởng Hoàng Lê Minh: "Sản phẩm điển hình là giải pháp all in one clound - máy chủ trong đó chứa toàn bộ các dịch vụ triển khai được như dịch vụ đám mây. Với máy chủ này doanh nghiệp có thể xây dựng 1 môi trường để phát triển, để đưa vào ứng dụng phổ biến như ứng dụng văn phòng, ứng dụng liên quan đến quản lý người dùng, truy cập dịch vụ mạng, truy cập các dữ liệu thậm chí có thể sử dụng như một môi trường trao đổi thông tin trực tuyến qua các công nghệ như điện thoại internet, truyền hình hội nghị, quản trị các tài liệu, các dữ liệu số gọi là quản trị hệ thống tài nguyen số và nội dung số trong doanh nghiệp". Còn tại trung tâm an ninh mạng Bkis, sau khi đưa ra phiên bản BKAV2009, đơn vị này cũng bắt tay vào nghiên cứu công nghệ điện toán đám mây... và chính thức ứng dụng vào phiên bản 2010. Theo đại diện Bkis, với những lợi ích đã nhìn thấy được như tăng tập mẫu nhận diện virus từ 4 triệu lên 6,4 triệu, công nghệ điện toán đám mây sẽ tiếp tục được nghiên cứu và ứng dụng trong những sản phẩm tiếp theo của đơn vị này. Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc bộ phận nghiên cứu, Công ty Bkis cho biết: "Lợi ích của công nghệ điện toán đám mây mang lại rất lớn. Về phía nhà cung cấp dịch vụ chúng tôi có thể mở rộng hệ thống, cập nhật mẫu virus. Về phía người sử dụng, khi BKAV triển khai công nghệ điện toán đám mây vào người sử dụng sẽ được sử dụng dịch vụ cập nhật liên tục...". IBM là doanh nghiệp tiên phong khai trương trung tâm điện toán đám mây tại VN vào tháng 9/2008 với khách hàng đầu tiên là là Công ty cổ phần công nghệ và truyền thông Việt Nam. Còn Microsoft, trong tháng 5 vừa qua đã kí kết Biên bản ghi nhớ với FPT nhằm thúc đẩy việc phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam. Ý tưởng nền tảng của điện toán đám mây đã phát triển từ khá lâu trên thế giới, nhưng cho đến gần đây, cùng với sự bùng nổ của Internet và công nghệ mạng, cũng như nhu cầu của thị trường, các tên tuổi lớn trên thế giới mới bắt đầu đưa những ý tưởng trở thành những ứng dụng thật tại thị trường Việt Nam. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi internet bắt đầu xuất hiện, hàng tỷ người đã tham gia kết nối trực tuyến với hàng tỷ thiết bị để thực hiện hàng ngàn tỷ giao dịch. Điều đó đã bắt buộc các tổ chức phải sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực hiện có, làm giảm năng lượng tiêu hao và chi phí hoạt động, quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên và dịch vụ. Điện toán đám mây đang được coi là giải pháp tối ưu để quản lý kho dữ liệu khổng lồ một cách thông minh và hiệu quả. Điện toán đám mây hiện đang là một chủ đề khá nóng bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích cho các tổ chức và cơ quan chính phủ, đặc biệt là với mô hình của doanh nghiệp Việt Nam. Đối với những nơi việc thiếu năng lực CNTT và chi phí đầu tư ban đầu có thể làm chậm lại việc ứng dụng CNTT thì những lợi ích mà điện toán đám mây mang lại là khá rõ ràng. Đa số người sử dụng đầu cuối không quan tâm lắm thế nào là công nghệ điện toán đám mây, thế nào là các giải pháp ảo hóa. Họ chỉ quan tâm làm sao họ sử dụng được các dịch vụ CNTT một cách đơn giản, thuận tiện và dễ dàng cũng như có thể triển khai các dịch vụ đó mà không đòi hỏi quá nhiều về trình độ CNTT. Tuy nhiên, với các đơn vị ứng dụng, thì mối quan tâm hàng đầu lại liên quan đến việc dữ liệu sẽ được bảo mật như thế nào khi sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Theo ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện công nghiệp phần mềm và Nội dung số VN: "Dịch vụ thông qua ảo hóa thì vấn đề bảo vệ dịch vụ lại tốt hơn so với việc xây dựng các hạ tầng vật lý, các máy chủ vật lý". Nhu cầu có, vấn đề bảo mật dữ liệu được giải quyết triệt để; cùng với đó là sự tham gia nghiên cứu từ các doanh nghiệp trong nước, sự đẩy mạnh hoạt động từ các doanh nghiệp nước ngoài.... công nghệ điện toán đám mây và những ứng dụng điện toán đám mây ngày càng trở thành chủ đề được quan tâm tại thị trường CNTT Việt Nam. Theo một nghiên cứu được công bố, đến năm 2012, ít nhất 35% doanh nghiệp cỡ vừa của Mỹ sẽ sử dụng các giải pháp điện toán đám mây và 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới sẽ sử dụng các ứng dụng dựa trên các giải pháp điện toán đám mây. Không nằm ngoài xu thế chung, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây tại VN cũng được đánh giá là rất triển vọng bởi nó đáp ứng nhu cầu của cả cơ quan tổ chức lớn, cũng như những doanh nghiệp vừa và nhỏ hay những đơn vị có nhu cầu ứng dụng CNTT mà trình độ nhân lực chưa đáp ứng. Tác giả : Hiền Anh Ý kiến bạn đọc (0)

Nguồn VTV: http://vtv.vn/article/get/cong-nghe-dien-toan-dam-may-tai-viet-nam-37577997c0.html