Công khai tên lãnh đạo lười tiếp dân

Nếu như lãnh đạo địa phương 'lười' tiếp dân, thì phải xử lý vi phạm, thậm chí công khai danh tính tên tuổi cho người dân biết.

Đánh giá về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2015, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 528 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài đã giải quyết thành công".

Theo ông Điệp cho biết thì năm 2015 công tác khiếu nại tố cáo giảm, nhưng đoàn đông người kéo lên Trung ương lại tăng mà trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Tất nhiên giải quyết dứt điểm rồi nhưng công dân thấy chưa hài lòng, chưa đồng ý, còn ý khác mới lên Trung ương. Cũng có nguyên nhân nữa là bị thế lực xấu kích động, lôi kéo. Cũng có nguyên nhân là chính quyền địa phương giải quyết không đúng, để lâu nên bà con bức xúc kéo lên Trung ương.

Rồi có cả nguyên nhân cán bộ tiếp dân hình thức, thậm chí còn thách thức người dân, không tổ chức đối thoại với người dân tại cơ sở. Việc giải quyết khiếu nại lần đầu chất lượng rất kém, thậm chí có tâm lý “kiểu gì người ta cũng khiếu kiện nữa”.

Ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương

Ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương

Bên cạnh đó, từ sáng kiến của Ban Tiếp công dân Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã triển khai phối hợp, tổ chức 100 luật sư tới Trụ sở Tiếp dân Trung ương để tư vấn trực tiếp cho bà con. Các luật sư đều tham gia tư vấn miễn phí và triển khai tiếp đến hết năm 2016.

Đã có nhiều luật sư đăng ký tư vấn miễn phí lần 2, tức là tiếp tục để tham gia tiếp dân.

Theo quy ước rất chặt chẽ: Luật sư đã tư vấn vụ việc nào rồi thì phải theo dõi suốt quá trình giải quyết vụ việc đó, hỗ trợ miễn phí và không được mời người dân ra ngoài để ký hợp đồng. Nếu vi phạm có thể sẽ bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam kỷ luật.

Tuy nhiên, ông Điệp cho hay: "Chúng tôi thấy rằng việc phản ánh, tuyên truyền Luật Khiếu nại, tố cáo cho cán bộ làm công tác tiếp dân cũng còn kém vì chưa được 50% trong phạm vi cả nước.

Nên năm 2016 này sẽ phải làm quyết liệt việc này, bởi cán bộ tiếp dân mà còn chưa nắm rõ luật thì làm sao có thể giải quyết đơn thư cho người dân được".

Lười tiếp công dân phải công khai tên tuổi

Trước thực trạng, thời gian qua phát hiện nhiều lãnh đạo địa phương “lười” tiếp dân, theo ông Điệp, rất nhiều cuộc thanh tra trách nhiệm nêu lên trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lười tiếp dân.

Nhưng trong hàng nghìn cuộc thanh tra trách nhiệm thì lại chưa thấy có cuộc nào thanh trách nhiệm xử lý đối với ông thủ trưởng cơ quan lười tiếp dân đó cả.

"Trong năm 2016 này chúng tôi sẽ kiến nghị Ban Bí thư giao Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Thanh tra Chính phủ kiểm tra cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tôi cho rằng cần kiểm tra đúng các nội dung trong Chỉ thị 35 như việc lấy hiệu quả tiếp công dân để làm cơ sở đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, khen thưởng cán bộ... Nếu vi phạm thì phải công khai cho người dân biết.

Đây là một trong những chế tài không có trong luật, nhưng phải công khai tên tuổi của người đó ra để dân biết giám sát ông đó phải tiếp dân mà lười tiếp dân, giao phó cho cấp dưới", ông Điệp đề xuất.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã liên tiếp phát hiện lãnh đạo một số địa phương như TPHCM, Long An, Thừa Thiên - Huế “lười” tiếp dân.

Cụ thể, với TPHCM thì Chủ tịch UBND TP và đa số chủ tịch các quận huyện tiếp dân chưa thường xuyên.

Điển hình, Chủ tịch UBND TPHCM và các phó chủ tịch tiếp 15/42 ngày theo quy định, đạt 35%. Qua thanh tra điển hình 8 sở ngành của TPHCM, Thanh tra Chính phủ phát hiện các giám đốc và phó giám đốc sở chỉ tiếp dân 88 ngày (đạt 30,7%).

Tương tự, kiểm tra 11 quận, huyện, chủ tịch quận huyện chỉ tiếp 226 ngày (tỷ lệ 25%).

Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Qua đó phát hiện UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các đơn vị, địa phương nên một số sở, UBND cấp huyện chưa thực hiện công tác tiếp dân theo đúng quy định.

Tiếp đó, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện việc tiếp dân của lãnh đạo các cấp ở tỉnh Long An không đảm bảo số ngày theo quy định. Từ ngày 1/1/2011 đến 30/6/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chỉ tiếp dân định kỳ được 13/30 ngày theo quy định của pháp luật. .

Kim Hà (Lược theo Dân Trí)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-khai-ten-lanh-dao-luoi-tiep-dan-3300153/