Công dụng của phân lân với đất và cây trồng

(Dân Việt) - Phân lân (phân chứa P) có hai loại là lân tự nhiên (như Apatit, Phosphorit) và lân chế tạo (như Super lân, Lân nung chảy). Hàm lượng lân trong phân được tính dưới dạng P2O5.

Một số dạng phân lân thông dụng như sau:

- Apatit: Chứa 30 - 32% P2O5, ngoài ra có canxi và nhiều chất khoáng khác, dạng tinh thể. Nước ta có mỏ Apatit ở Lào Cai rất lớn, sản xuất 700.000 tấn/năm. Apatit dùng bón cho đất chua, đất phèn, đất úng trũng nghèo lân.

Chất lân trong các phân lân tự nhiên chủ yếu ở dạng khó tiêu nên phải bón lót sớm.

- Phosphorit: Bột Phosphorit ở nước ta chứa 8-12% P2O5, thấp hơn Apatit, chứa nhiều sắt và nhôm, sản xuất bằng nghiền nhỏ quặng Phosphorit. Nước ta có mỏ Phosphorit ở Kiên Giang, Thanh Hóa, Ninh bình. Phân khô rời, dạng bột; dùng cho đất chua, phèn, úng, trũng; ủ với phân chuồng, thích hợp cho các cây họ đậu.

Chất lân trong các phân lân tự nhiên chủ yếu ở dạng khó tiêu nên phải bón lót sớm, thường dùng cho đất chua phèn và ngập úng.

- Super lân Ca(H2PO4)2: Có hai loại là Super lân đơn (SSP) chứa 17 - 18% P2O5 + 12% S và Super lân kép (TSP) chứa 37 - 47% P2O5. Ở nước ta, phân Supper lân đơn được sản xuất ở Lâm Thao (Phú Thọ) và Long Thành (Đồng Nai), chứa 15 - 16,5% P2O5 + 11 - 12% S và 22 - 23% Ca. Phân ở dạng bột mịn, xám, mùi chua, dễ hút ẩm.

Lân có trong Super lân phần lớn ở dạng dễ tiêu, hiệu quả nhanh, thích hợp với nhiều loại cây, loại đất. Tuy vậy, trên đất chua phèn nên bón phối hợp với vôi và các loại phân lân khác (như lân nung chảy). Super lân dùng ủ với phân chuồng rất tốt.

Ngoài Super lân, hiện nay Nhà máy Phân lân Long Thành còn sản xuất loại Super lân M và Super lân PA chứa 3% MgO có tác dụng giảm phèn nhanh.

- Lân nung chảy: Còn gọi là Tecmophosphate (TMP) hoặc Phosphat canxi magiê (FMB). Ở nước ta, phân sản xuất đầu tiên từ Nhà máy Lân Văn Điển (nên cũng gọi là Lân Văn Điển). Hiện nay còn sản xuất ở Ninh Bình, Thanh Hóa.

Lân nung chảy chứa 18 - 20% P2O5 + 28 - 30% Ca + 17 - 20% Mg + 24 - 30% Si, ngoài ra còn chứa vi lượng sắt, đồng, molipden, mangan, coban. Có dạng bột rời màu xanh xám, ít tan trong nước, dễ tan trong axit, không chua. Lân nung chảy sử dụng thích hợp cho đất phèn ở ĐBSCL, đất đồi núi Đông Nam Bộ và miền Trung, đất bạc màu. Đất càng chua phèn hiệu quả phân lân nung chảy càng cao.

Ngoài các loại phân lân phổ biến trên, còn có phân Magiê amon phosphate chứa 30 - 45% P2O5 + 6 - 9% N + 10 - 15% Mg, là loại phân phức hợp có hiệu quả cao.

Phân lân chủ yếu dùng bón lót, phân dễ tiêu như Super lân có thể dùng bón thúc. Tùy loại đất chua ít hay nhiều mà chọn loại phân lân thích hợp.

(còn tiếp)

TS Nguyên Đăng Nghĩa

(Trung tâm Nghiên cứu Đất-Phân bón & Môi trường phía Nam)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/75991p1c34/cong-dung-cua-phan-lan-voi-dat-va-cay-trong.htm