Còn phân biệt đối xử giữa các loại hình DN

(baodautu.vn) Đề cập một số vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia kinh tế - tài chính cao cấp, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội, ông Đặng Văn Thanh cho rằng, vẫn còn phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, cho dù các cơ chế, chính sách đã tạo ra sự bình đẳng trong môi trường đầu tư.

Ông có nghĩ rằng, các thành phần kinh tế đã thực sự bình đẳng trong việc tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh? Trước hết phải khẳng định, về mặt quan điểm cũng như chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước có thái độ rất rõ ràng rằng, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, giữa DN nhà nước và các DN thuộc mọi thành phần kinh tế khác. Cụ thể, nếu như trước đây, chúng ta còn có Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Doanh nghiệp, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Luật đầu tư nước ngoài, thì bây giờ chỉ còn Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư áp dụng cho mọi hoạt động đầu tư và cho mọi DN tham gia quá trình sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, kể từ ngày 1/7/2010, toàn bộ DN nhà nước chuyển đổi thành mô hình công ty TNHH một thành viên và thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, thay vì Luật Doanh nghiệp nhà nước như trước đây. Tuy nhiên, sự bình đẳng giữa các DN, đặc biệt là giữa DN nhà nước với các DN khác chưa thực sự đi vào cuộc sống? Đúng là ở mức độ nào đó, vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa các loại hình DN, giữa DN có quy mô lớn với DN nhỏ và vừa, giữa DN nhà nước với DN không có vốn nhà nước. Về nguyên nhân của tình trạng này, theo tôi, thứ nhất là do sự nhận thức chưa đúng của một bộ phận cán bộ, công chức thi hành pháp luật. Thứ hai, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thường chậm hơn so với đòi hỏi của thực tế, đồng thời cũng không bao quát hết được mọi hoạt động của DN. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng, khi chuyển sang mô hình khác (như việc chuyển DNNN thành công ty TNHH nhà nước 1 thành viên hay công ty cổ phần), DN rất lúng túng, gặp khó khăn trong việc áp dụng cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính, quản trị doanh nghiệp. Thứ ba, DN tư nhân, DN nhỏ và vừa thường kém hẳn về năng lực tài chính, năng lực quản trị, kinh nghiệm so với những DN khác. Vì vậy, đứng trước các điều kiện, quy chế, thủ tục trong việc tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận với tín dụng ưu đãi, mặt bằng để hoạt động, họ khó có thể cạnh tranh nổi với những DN lớn, nên thấy có sự phân biệt đối xử. Sự phân biệt đối xử, theo ông, thể hiện rõ nhất ở những quan hệ nào? Sự phân biệt thể hiện rõ nhất là giữa DN tư nhân, công ty TNHH với công ty cổ phần, công ty đại chúng; giữa DN có quy mô lớn, có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính với DN nhỏ và vừa. Sự phân biệt này xuất phát từ lý do DN tư nhân, DN có quy mô nhỏ, công ty TNHH chưa tạo được uy tín với hệ thống ngân hàng, chưa tạo được niềm tin với cơ quan thuế, hải quan…, vì chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, chưa thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm như những DN lớn. Cần phải làm gì để giảm thiểu sự phân biệt đối xử đó, thưa ông? Nhận thức chưa đúng của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chậm sẽ sớm được khắc phục. Như vậy, để chấm dứt sự phân biệt đối xử như trên, cần phải giải quyết lý do thứ ba, tức là DN tư nhân, DN nhỏ và vừa phải nâng quy mô vốn; chấp hành đúng chính sách pháp luật; tạo uy tín với cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng… và đặc biệt là phải chấp hành đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Ở phương diện khác, Chính phủ cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, chính sách, quy trình, nghiệp vụ…, nhằm tạo điều kiện cho những DN này có thể tiếp cận với cơ hội đầu tư, nguồn vốn tín dụng, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/e50f909d7f00000101b6af95a776462e