Còn nỗi đau nào hơn?

Chiều muộn 29 tết – cái ngày cuối cùng của năm Ất Mùi; ấy vậy, đập vào mắt hàng ngàn người đi chợ hoa ở TPHCM một hình ảnh khiến ai cũng nhức nhối: Tại khu vực chợ hoa công viên 23.9 (quận 1), những người nông dân bán đào đã nhờ các công nhân vệ sinh… tống tất tần tật những cành đào ế ẩm vào xe để nghiền nát thành rác.

Hàng trăm chậu hoa các loại đã bị các chủ vườn đổ bỏ vào các xe rác, không cho người khác hôi hoa.

Những cây đào được chở từ miền Bắc vào, mới sáng nay thôi có giá bình quân từ 500 – 700 ngàn đồng/cành; thậm chí, có gốc đào hết sức sang trọng, mơn mởn, sáng hôm qua có giá 5 – 7 triệu đồng… Vậy mà giờ đây, chúng quằn quại bị nghiền nát một cách không thương tiếc dưới lưỡi cắt của các xe ép rác.

Tương tự, ở khu vực chợ hoa công viên Hoàng Văn Thụ và công viên Gia Định, rất nhiều chủ vườn đã kiên quyết không cho không bất kỳ ai, cũng không bỏ tại chỗ nguyên vẹn hàng trăm chậu hoa các loại ế ẩm, giống như những năm trước; trái lại, họ cùng các nhân viên hốt rác của Cty vệ sinh, quăng tới tấp những chậu hoa lung linh đủ sắc màu vô những xe rác. Có người tự tay dùng cây, dao chặt nát những chậu hoa ế, để chúng không còn nguyên vẹn – những chậu hoa mà trước đây họ đã chăm chút, nâng niu, nuôi dưỡng với toàn bộ tâm lực.v.v…

Nhìn những chủ vườn “tàn sát” dã man hoa lá, có không ít khách đi chợ hoa tắc lưỡi xuýt xoa, tiếc rẻ… Có người mở miệng “sao không cho mọi người, mà phá bỏ làm chi uổng quá ?”.

Một chủ vườn bán đào nói: “Mọi người tiếc một, tôi đây đau mười, đau trăm lần… Lặn lội từ Hải Dương mang đào vô bán, ai ngờ tết nay buôn bán ế ẩm quá thể. Còn vài giờ nữa giao thừa rối mà vẫn còn cả trăm cành đào. Kẻ vô xem, người trả giá vô số kể, nhưng ép giá quá, làm sao tôi bán ? Cành đào 500 ngàn đồng, giờ trả có 50 ngàn đồng, không đủ trả tiền xe ôm chở đào về cho khách. Thà vứt bỏ chứ không bán rẻ. Thà chặt phá, cho xe hốt rác, chứ không bỏ lại cho nhiều kẻ keo kiệt, nhằm lúc hết giờ để đi …hôi”.

Tại công viên Hoàng Văn Thụ, một số khách hàng không kiềm được lòng, khi thấy xe rác cuốn nghiến ngấu hàng trăm chậu hoa, đã lao vô giành giật để mang về chưng. Một chủ vườn từ miền Tây đã đứng ra ngăn chặn, không cho giật, cướp hoa từ xe rác. Chủ vườn này nói: “Tôi không cho, hãy để xe rác mang đi đổ. Muốn có hoa chưng tết, sao không bỏ tiền ra mua? Đồ bần tiện”.

Chị Nguyễn Thị Giang – ngụ quận Tân Bình – nói: “Cũng tại các chủ vườn, mấy ngày trước thét giá hoa với giá trên trời, đắt gấp 3 lần ngày thường; để rồi không ai dám mua, giờ buộc phải đổ bỏ. Giá như họ đừng nói thách, bán đúng giá, thì đâu đến nỗi này. Giá bán dễ chấp nhận, chúng tôi sẽ mua hoa từ trước vài ngày, chứ đâu để cận giao thừa mới đi mua”.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Có đến hàng chục năm qua, dường như một thói quen đã thâm căn cố đế trong tư duy kẻ bán, người mua hoa mỗi khi tết đến. Người bán hoa – những nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương mới có được những cành đào, chậu mai, giỏ hoa… dành cho bán tết. Hàng vạn chậu hoa chở về thành thị, tốn kém bao công sức chuyên chở, bốc vác, ai cũng mong bán hết hàng để về ăn tết sum vầy.

Hàng trăm cành đào trị giá hàng trăm triệu đồng cũng bị nghiền nát thành rác, hơn là cho không khách đi chợ hoa.

Thế nhưng, cái sự tham-sân-si trong người, ai chẳng có? Và, không ai hãm được tham vọng đó nên mặc sức kích kê giá bán hoa gấp 3- 4 lần. Còn người mua hoa, mặc dù ai cũng có nhu cầu sắm hoa chưng trên bàn thờ tổ tiên ngày tết, nhưng đều ngán ngại, vì giá cả cao ngất trời… Vậy là đa số người mua cố tình chực chờ phút cuối (khi người bán không thể chịu đựng, đành hạ giá thê thảm) mới xuất chiêu ép giá người bán. Tệ hơn, có người còn kiên nhẫn chờ tới phút gần… giao thừa, xông ra các chợ hoa … lấy không hoa ế, bị người bán bỏ lại, để tha về nhà chưng tết.v.v…

Ai dè cái Tết Bính Thân năm nay, người bán hoa thà chịu đau, tự tay chặt bỏ hoa, tống hoa vào xe rác, còn hơn cho không những người hôi hoa. Nhìn hàng trăm cành đào, chậu hoa… trị giá hàng trăm triệu đồng bị nghiền nát trong những xe rác… Ai đó xuýt xoa “Ôi, hoa đau quá !”; tuy nhiên, không chỉ có hoa đau quằn đau quại, mà cả người bán và không ít người đang muốn mua hoa cũng đớn đau không kém ! Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau này, một khi giữa cung và cầu, giữa người bán và người mua của người Việt mình, muôn đời vẫn chưa có một tiếng nói chung để đôi bên cùng cò lợi.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/con-noi-dau-nao-hon-515948.bld