Con gái nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Sông Thao: Đừng nghĩ cha tôi đã may mắn sống trong đời

Để hướng tới giỗ đầu nhà văn (ngày 6-7-2014, tức ngày 10-6 Âm lịch), tôi đã tìm tới chị Nguyễn Sông Thao, thứ nữ của nhà văn Tô Hoài, để cùng chị ôn lại những kỷ niệm về nhà văn yêu quý và khả kính của nền văn học Việt Nam hiện đại. Theo cảm nhận của tôi, Tô Hoài đã cố gắng sống một cuộc đời đôi khi giản dị đến giản lược, không ham hố nhưng cũng không khước từ mọi chi tiết của trần ai. Ông biết cách thích nghi với mọi hoàn cảnh nhưng cũng rất giỏi trong nghệ thuật bảo tồn cá tính trong sinh hoạt và tư duy, không bị lạc thời nhưng cũng không nệ thời quá… Khi trò chuyện với chị Sông Thao, tôi đã cố tình đặt ra những câu hỏi để thứ nữ của nhà văn cũng có thể đưa ra góc nhìn riêng mà có lẽ chỉ mình chị mới có thể có được về cha mình…

4 cô con gái của nhà văn Tô Hoài (chị Nguyễn Sông Thao ngoài cùng bên trái, cạnh phía sau là cô con nuôi người Mông)

- PV: Đã một năm trôi qua kể từ ngày nhà văn Tô Hoài vĩnh biệt chúng ta sang thế giới bên kia. Trong ngày giỗ đầu của cha mình, chị nhớ gì về ông nhất?

- Nguyễn Sông Thao: Thực sự thì suốt cả năm qua lúc nào tôi cũng nhớ ông rất nhiều. Mỗi khi đọc những bài báo nói về bố, nước mắt lại tuôn rơi. Tất cả như mới diễn ra ngày hôm qua. Mỗi khi lên Nghĩa Tân, nơi bố tôi sống những ngày cuối cùng, tôi chả dám bước vào phòng bố, mọi thứ còn đây mà bố thì đâu rồi. Tôi nhớ về những tháng cuối bố tôi nằm liệt, tay vẫn ve vẩy tập thể dục và tôi nói bố chịu khó tập nhé, bố thật kiên cường, chả biết ông có hiểu không chỉ thấy ông cười. Những tháng cuối bố tôi hiền lắm, chỉ cười thôi, không cáu gắt dù đau đớn, dây dợ quanh người. Trước đó thì có những lúc ông cũng cáu gắt vì đau đớn, khó chịu.Hình ảnh cuối cùng của bố tôi chắc chắn sẽ nhớ suốt đời, mỗi khi nghĩ đến thấy thương bố vô cùng.

- Chắc trong đám giỗ đầu của nhà văn Tô Hoài, sẽ có rất nhiều đồng nghiệp tới thắp hương cho ông…

Vợ và ba con gái của nhà văn Tô Hoài

- Theo phong tục người Việt Nam, ngày 10-6 âm mới là ngày giỗ bố tôi, nên chưa thể nói ai sẽ đến thắp hương cho ông. Nhưng tôi tin là ngoài đồng nghiệp thì còn có cả bạn đọc, những người hâm mộ tác phẩm của ông. Vì khi bố tôi ra đi trong buổi đưa tiễn ông trời mưa tầm tã, có rất nhiều người đơn giản chỉ là bạn đọc đến viếng, có những em thiếu nhi tay cầm hình ảnh Dế mèn giơ cao thật cảm động. Tôi nhớ một chuyện lần ấy ông cũng ốm nặng, có một bà mẹ trẻ đã dắt con cùng với mô hình mấy con dế đến thăm để chúc ông chóng khỏe. Và có một câu chuyện khiến gia đình nhớ mãi, là đoàn cán bộ huyện ủy Bắc Yên (nơi ông viết “Vợ chồng A Phủ”) do đồng chí Bí thư dẫn đầu xuống thắp hương cho ông tại nhà, và mời gia đình lên dự lễ Kỉ niệm 50 năm ngày thành lập huyện. Họ rất trân trọng bố tôi, người đã viết về vùng đất của họ, có những năm tháng sống và viết nơi đây, ở đó có phố A Phủ (hình như nước ta chưa ở đâu, tên nhân vật trong truyện lại được đặt cho tên đường) và dường như bài hát “Vợ chồng A Phủ” là huyện ca, đâu đó lúc nào cũng văng vẳng bài hát này… Điều đó khiến tôi nghĩ, bố tôi sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc

- Sống mãi trong lòng bạn đọc luôn là ước mơ của mọi nhà văn… Nhưng có không ít những nhà văn sống mãi trong lòng bạn đọc nhưng trong lòng người thân lắm khi lại chỉ để lại những ký ức không hẳn đã vui. Cũng dễ hiểu thôi, phần lớn các nhà văn thường quá say mê công việc sáng tác nên ít có thời gian dành cho con cái. Trong trường hợp của nhà văn Tô Hoài thì sao? Cha chị có quan tâm nhiều đến việc dạy bảo các con của mình không?

- Bố tôi cũng như các nhà văn khác cũng rất say mê sáng tác, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho các con. Cho đến giờ nhớ lại những ngày thơ bé, tôi vẫn nhớ như in những chuyện bố cắt móng tay, bố đưa đi nhổ răng, bố mang đi tiêm khi bị ho gà, bố cho đi ăn ché mào phù (chè vừng đen) ở Hàng Điếu… Thậm chí khi tôi đã vào đại học, ông vẫn cặm cụi đóng vở, kẻ lề, rồi kẻ thêm dòng vào những khoảng trống của tờ giấy năm hào hai cho con… Đặc biệt tôi nhớ (đến giờ tôi lại dạy cho con mình) bố chỉ bảo cặn kẽ việc ăn uống (ăn không được nhai tóp tép, uống không được xúc miệng òng ọc…) rồi rau thì phải để vào đĩa, không để vào bát, rau luộc thì phải để vào rổ cho bớt nước mới cho vào đĩa. Muối thì chỉ dùng để múc canh, bát canh phải dùng thìa canh… Sau này thì bố dạy cách cầm dao, dĩa…

- Ôi, một ông bố quá mẫu mực… Hoặc giả tôi là ông bố quá vô trách nhiệm nên tôi thấy những gì bác Tô Hoài làm được cho con cái (qua lời chị Sông Thao kể) quả thực là những kỳ tích (cười)…

-Thực sự bố tôi là một ông bố như thế mà, rất tỉ mỉ, nhưng cũng nghiêmkhắc lắm đấy, không nghe là ăn roi liền (cười)

- Thế nhà văn Tô Hoài có xu hướng ép buộc con cái phải nhất nhất làm theo ý ông hay không?

- Trong việc học hành bố tôi không có chỉ bảo theo kiểu định hướng con phải học cái nọ cái kia, chọn trường nào, nghề nào, những việc này là do chúng tôi đi học và tự quyết định thôi (nói nhỏ, bố tôi còn hay đùa với các cháu ngày xưa ông có học đâu…). Do đó cũng không có chuyện bố tôi ép buộc các con nhất nhất phải theo ý ông.

- Ông có thất vọng khi không có người con nào nối nghiệp sáng tác văn học như ông không?

- Bố tôi luôn nói viết văn cũng chỉ là một nghề, ông không có xu hướng tô hồng nghề nghiệp của mình, vì vậy trong nhà tôi, mỗi anh em đều tự chọn một nghề cho mình. Và tôi thấy bố tôi vui khi chúng tôi trưởng thành, làm tốt công việc của mình, chứ chưa bao giờ tôi thấy bố tỏ ra thất vọng khi không người con nào của ông nối nghiệp cha.

- Trong những lần được phỏng vấn nhà văn Tô Hoài, tôi còn thấy rằng, không những ông không tô hồng công việc của một nhà văn mà lắm khi còn có những nét nhìn hài hước tới châm biếm công việc của những “kỹ sư tâm hồn”… Và vì thế, có thể ông đã cảm thấy vui khi con cái mình không theo nghiệp văn chương?

- Thực sự tôi cũng không biết nữa, có khi có đứa con nào theo được nghiệp cha thìbố tôi cũng vui hơn chứ nhỉ.

- Trong những người con của mình, nhà văn Tô Hoài gần gụi với ai nhất? Vì sao? Nếu không phải là khó, chị có thể kể chút ít về các anh chị em của mình được không, ai đang làm gì?

- Trong gia đình, người gần gũi ông nhất là chị cả Nguyễn Thị Đan Hà, chị chăm sóc bố tôi tỉ mỉ, kĩ lưỡng đến quên cả bản thân, bởi tính chị cẩn thận, chị lại biết chút ít kiến thức về y tế, chị tôi làm ở Bệnh viện Đông Y. Theo ý kiến riêng của tôi, bố tôi có một cuộc đời dài một phần lớn là nhờ có chị chăm sóc, vì những năm đã có tuổi bố tôi cũng bị nhiều bệnh mãn tính: Huyết áp, goute, tiểu đường… Câu hỏi của Quang về mấy chị em thì cũng không khó để trả lời, nhưng Thao nghĩ là không cần thiết vì mấy anh chị em lớn lên đi học rồi mỗi người một nghề, rồi về hưu chẳng có gì đặc biệt để nói. Hiện chỉ còn cậu út Nguyễn Phương Vũ - thư kí tòa soạn báo “Người Hà Nội” là còn đi làm thôi.

- Ít ra thì cũng có Nguyễn Phương Vũ nối nghiệp làm báo của cha, ở tòa soạn tờ báo mà nhà văn Tô Hoài đã từng lưu lại những dấu ấn cực kỳ sâu đậm với nhiều giai thoại để đời… Đấy là tôi cũng nghe thấy thế… Xin được hỏi tiếp, quan hệ cha con giữa chị và nhà văn Tô Hoài thế nào? Tôi có cảm giác như Sông Thao là người có vẻ xót xa ông nhất với tư cách là một nhà văn. Có đúng vậy không ạ?

- Thao làm nghề biên tập, một thời gian in sách cho ông lại là con gái út, hay chuyện trò trêu đùa ông (Thao có thể xoa đầu, buộc tóc bố - vì tóc ông xoăn buộc túm hai bên vểnh lên trông rất ngộ và ngủ giường của ông, nằm gác chân lên bụng ông hai bố con nói chuyện trên giời dưới bể). Nên có thể nói giữa hai bố con có một mối quan hệ rất đặc biệt, Thao thấy trong nhà hai chị không làm thế với ông bao giờ, mặc dù ai cũng yêu thương ông. Đấy là nói về mối quan hệ cha con. Còn xót xa cho ông với tư cách là một công dân nhà văn thì trong nhà ai cũng có suy nghĩ đó cả, có điều người nói ra người không mà thôi. Bởi vì mọi người đều thấy bố cống hiến cho văn chương, cho cách mạng nhiều mà hưởng thụ thì chẳng được bao nhiêu. Bố làm việc vô cùng cần cù, toàn viết bằng bút mực, sau này là bút bi, trời nóng cởi trần mồ hôi, mồ kê mà ngày nào cũng cặm cụi viết, viết trên căn gác lửng (30 năm nay giờ vẫn thế). Nhiều khi thấy bố sống giản dị, sơ sài quá, tôi xót xa trêu bố: “Bố là vua mèo mà sống như mèo…” Thế mà bố tôi cũng chỉ cười, không bao giờ thấy ông kêu ca phàn nàn gì. Cá nhân tôi thì thấy thế này, dù sao ông cũng là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhà văn, tuy chỉ có 1 năm, nhưng rõ ràng là người đầu tiên thì công lao phải nói là không nhỏ, sau này khi xã hội đã cởi mở hơn, một số nhà văn Nhân văn Giai phẩm đã được khôi phục là hội viên, nhưng dường như vai trò, công lao của bố tôi trong năm đầu tiên ấy chẳng được nói đến, hoặc chỉ là mờ nhạt nhắc một câu: Tổng thư ký đầu tiên. Tôi thấy như vậy chưa thỏa đáng với một người suốt đời cống hiến như ông. Đi đôi với việc đó thì đãi ngộ về vật chất là rất nhỏ. Quang thấy thời bao cấp, nhiều người được phân nhà to, nhà nhỏ, bố chỉ được 1 căn hộ 24m ở Nghĩa Đô, một khu trước đây dành cho người lao động và giờ thì cũng thế thôi. Ngôi nhà ở ngõ Đoàn Nhữ Hài là bố mẹ Thao mua năm 1961, theo bố nói là bằng tiền nhuận bút kịch bản phim “Vợ chồng A Phủ”, nhưng mà nó cũng xuống cấp, tiện nghi chẳng có gì đáng kể. Thỉnh thoảng ngày lễ tết có ông nọ, ông kia, hay nằm viện thì có lãnh đạo đến thăm nhưng cũng chỉ là hình thức. Theo như Thao hiểu, có lẽ quan điểm của bố không thuận chiều lắm nên không có được sự đánh giá, coi trọng đúng mức chăng? Bố Thao lại là người tự trọng cũng không có chuyện chạy vạy, xin xỏ… Đây chỉ là một vài ý trong cái suy nghĩ rất hạn hẹp của Thao với tư cách một người con thôi. Chứ đánh giá về bố, chắc chắn phải có người hiểu biết hơn và công tâm, vì bố Thao làm việc một thời gian dài, qua rất nhiều giai đoạn và làm nhiều việc nữa, ngoài việc viết văn còn làm quản lý, làm đối ngoại, làm đảng đoàn, làm công tác khu phố…. Và nói gì thì nói một khi đã được đánh giá cao bằng những danh hiệu nọ kia thì phải được đãi ngộ chế độ vật chất cho thỏa đáng, không thì chỉ là cái danh hão thôi.

- Thực ra nếu nhìn về cách đãi ngộ những người có công và quá trình làm việc tận tụy lâu dài như nhà văn Tô Hoài thì dù ở tiêu chuẩn nào cũng vẫn còn là ít… Tiếc thay, cơ chế của chúng ta là thế. Thành ra không ít người dễ có lý do để tủi thân… Nhưng tôi thì lại nghĩ, những tài năng khi làm việc thì trước hết là để thỏa mãn việc dâng hiến của mình, chứ không ai viết văn chỉ để chờ hưởng chế độ…

- Đành thế, mà bố tôi cũng không trông chờ… Nhưng là con tôi thấy bốsống đạm bạc quá thì xót, tôi nghĩ, lẽ ra cha tôi xứng đáng được đối xử tốt hơn…

- Không ai trách một người con gái quá yêu cha mình cả. Thế Sông Thao có nghĩ rằng cha chị thực may mắn khi đã có một đời sống gia đình như đã có?

- Nếu nói bố tôi may mắn khi đã có một đời sống gia đình như đã có thì không hẳn đâu. Bố tôi cũng có chuyện buồn, anh tôi mất khi còn rất trẻ, mà người anh này bố tôi rất yêu. Bố phải có nghị lực lắm để vượt qua nỗi đau này tiếp tục sáng tác. Và không phải mọi việc trong nhà đều suôn sẻ. Nhưng chắc chắn bố tôi được tất cả con cháu rất yêu quý (không phải khi ông đã đi rồi mới nói đâu). Tôi còn nhớ ngay cả thời bao cấp khó khăn thì cái gì tốt nhất, ngon nhất là dành cho ông. Và anh em chúng tôi lớn lên, ai cũng tự lo học hành, có công việc, tự lo cho bản thân thì ở khía cạnh này bố tôi cũng được nhẹ gánh để dành thời gian cho công việc sáng tác của mình.

- Với tư cách một người con, chị đánh giá như thế nào về vai trò và ảnh hưởng của mẹ chị trong đời sống hàng ngày và trong sáng tác văn học của cha chị?

- Về vai trò và ảnh hưởng của mẹ tôi trong đời sống hàng ngày và trong sáng tác của bố tôi, với tư cách một người con, tôi nghĩ mẹ tôi chỉ có vai trò nhất định trong đời sống hàng ngày, nhưng không có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của bố. May mắn nhất bố tôi được tự do thoải mái trong công việc, trong các mối quan hệ của mình, chưa bao giờ tôi thấy mẹ can thiệp. Bạn bè của bố ai mẹ cũng xởi lởi đón tiếp.

- Nhà văn Tô Hoài đã là một người quảng giao?

- Tôi nghĩ bố tôi là người quảng giao.

- Ông hay giao tiếp với những ai nhất? Chị có nhiều ký ức cá nhân không về những người bạn nghề của cha mình? Theo chị, nhà văn Tô Hoài từng thân thiết với những đồng nghiệp nào nhất?

- Tôi chỉ có ký ức về những người bạn nghề của bố thời gian còn ở nhà, như chuyện bác Nguyên Hồng mỗi lần đến nhà tôi ăn cơm thì kể chuyện vô cùng vui vẻ, mà đến giờ tôi vẫn nhớ về bác. Hay bác Xuân Diệu bao giờ đến cũng đứng ở cửa gọi “Hoài ơi!” tha thiết. Và bác Nguyễn Công Hoan cũng hay đến nhà tôi, giờ đây tôi vẫn nhớ hình ảnh cao cao, khuôn mặt hiền lành của bác đứng ở cửa nhà tôi, và gia đình tôi rất thân thiết với con gái ông là cô Lê Minh… Theo tôi, có lẽ bố thân nhất với bác Nam Cao, vì tôi thấy các con bác hay qua lại, có khi ăn, ở nhà tôi rất thân tình. Tôi còn nhớ những người bạn của bố như nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, họa sĩ Nguyễn Sáng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng… Nói chung bố quan hệ rộng nhưng để nói là thân hay không thì tôi không biết vì lúc ở nhà thì cũng chưa đủ lớn để hiểu được điều này.

- Tôi biết chị là biên tập viên ở nhà xuất bản Kim Đồng. Chị có biên tập sách cho cha mình bao giờ không? Chị thích cuốn sách "trẻ con" nào nhất của cha mình?

- Khi chuyển về nhà xuất bản Kim Đồng thì tôi chủ yếu làm biên tập sách trong Dự án nhà nước đặt hàng cho các trường vùng sâu, vùng xa, chỉ thỉnh thoảng mới biên tập sách của bố. Như nhiều đứa trẻ khác, khi còn nhỏ tôi cũng thích đọc “Dế mèn phiêu lưu ký”, nhưng lớn chút tôi rất thích những truyện “trẻ con” trước năm 1945 của bố, những truyện về loài vật thì tuyệt vời…

- Vâng, tôi cũng rất thích đọc các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài mà chị vừa kể khi tôi còn nhỏ. Và tôi cũng đã mua nhiều sách của bác Tô Hoài cho các con tôi. Tuy nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, thực ra phần di sản văn học đáng kể và sâu xa nhất mà nhà văn Tô Hoài đã để lại cần được tiếp tục giải mã nhiều nhất chính là những tác phẩm viết cho người lớn và được xuất bản trong giai đoạn cuối đời. Chị nghĩ thế nào về ý kiến này?

- Về việc có những ý kiến cho rằng những tác phẩm bố tôi viết cho người lớn xuất bản trong giai đoạn cuối đời mới là phần di sản đáng kể thì theo tôi, nói thế chưa thỏa đáng. Trong mỗi một giai đoạn của cuộc đời, bố tôi đều có những tác phẩm đáng kể. Ví như giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì cha tôi có cả truyện người lớn và trẻ con rất hay, nhưng mảng này một thời gian dài không được in ở miền Bắc, còn ở miền Nam lại in nhiều và được đánh giá cao (Tôi xem thấy điều đó ở những lời giới thiệu của các cuốn sách). Nhưng có lẽ dựa trên mảng Hồi ký mà bố tôi viết và xuất bản những năm cuối đời mà người ta có ý kiến như trên, bởi vì bố tôi đã chạm đếnđược những vấn đề bị coi là nhạy cảm một thời như cải cách ruộng đất, như việc cán bộ đi họctrường chính trịmà cũng tắt mắt, như việc tình trai… Điều này không phải ai cũng dám viết, và cũng không phải ai cũng biết cách viết như thế nào để được xuất bản ngay trong hiện tại. Theo tôi, Hồi ký của bố được viết ra một cách trung thực, thể hiện ông cũng là người tham gia trong các sự kiện đó, ông là người bình thường, cũng có những cái gọi là xấu của người đời, không tô hồng mình, không đứng cao hơn những nhân vật trong hồi ký để phê phán, đánh giá họ. Tất nhiên, ông đã thành công trong phương pháp sáng tác thể hồi ký. Về những sáng tác của bố tôi, theo tôi có thể chia thành 4 mảng - một cách tương đối: Truyện viết cho thiếu nhi, phải kể cả trước và sau cách mạng; Mảng về đề tài miền núi, Mảng về Hà Nội, và mảng Hồi ký. Và mỗi mảng đề tài đều có những cuốn thành công. Bên cạnh đó cũng có những cuốn, theo cảm nhận cá nhân tôi, là không hay, hình như là thuộc giai đoạn chống Mỹ, như cuốn “Ngã tư đường phố” thì phải (Nói thực, Thao cũng chẳng biết cái tên đó mình nhớ có chính xác không, vì chính mình cũng không thích đọc). Trước đây hai bố con có lần trò chuyện, tôi đã nói đùa với bố, con không thích đọc những cuốn bố viết phục vụ nhiệm vụ chính trị đâu đấy (Cười)

- Cần phải biết cách biến nhiệm vụ thành khoái cảm thì mới có thể thích được (Cười). Thế nghe con gái rượu chê thì ông bố đã phản ứng như thế nào?

- Khi nghe tôi kể tên cuốn truyện của ông mà tôi không thích (giờ tôi quên mất tên cuốn ấy rồi), bố tôi chỉ cười cười bảo, mày không biết đọc… Theo tôi phải chia mảng như vậy thì việc đánh giá mới toàn diện và có lẽ cả chính xác nữa.

- Chị đánh giá cao tác phẩm "người lớn" nào nhất của cha mình?

- Những tác phẩm “người lớn” của ông, bên cạnh đọc hồi ký để hiểu biết về thời bố sống, thì tôi thích những truyện ngắn trước Cách mạng của ông và mảng truyện tình, thường là những truyện buồn man mác. Truyện về Hà Nội thì thích vì hiểu được nhiều phong tục… Nếu để đánh giá, tôi không chọn ra được một tác phẩm cụ thể nào, vì như trên đã nói mỗi giai đoạn bố đều có tác phẩm hay, riêng mảng Hồi ký (bao gồm cả chân dung văn học) thì tất cả đều hay.

- Nhà văn Tô Hoài có ghi nhật ký không?

- Bố tôi ghi rất nhiều nhật ký, đặc biệt khi tham gia các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp…

- Đôi khi phần hay nhất của một nhà văn lớn lại là ở những gì ông chưa công bố lúc còn sống… Liệu trong di cảo của nhà văn Tô Hoài có còn nhiều thứ để chờ công bố không?

- Thực sự về chuyện này thì tôi cũng không biết rõ nữa…

- Xin cảm ơn chị!

Nếu nói bố tôi may mắn khi đã có một đời sống gia đình như đã có thì không hẳn đâu. Bố tôi cũng có chuyện buồn, anh tôi mất khi còn rất trẻ, mà người anh này bố tôi rất yêu. Bố phải có nghị lực lắm để vượt qua nỗi đau này tiếp tục sáng tác.

Anh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/con-gai-nha-van-to-hoai-nguyen-song-thao-dung-nghi-cha-toi-da-may-man-song-trong-doi/72964