Con cáy, tuổi thơ tôi

Năm nay cái khô hạn phưong Nam dường như kéo dài hơn mọi năm. Trời nắng, thấy con kêu thèm bát canh rau đay nấu cáy hay chút mắm cáy nhà làm ăn cùng đọt lang luộc, mẹ tất tả đi chợ tìm mua, rồi lại kêu ca chợ Sài Gòn cái gì cũng có mà muốn mua vài con cáy nhỏ tìm hoài chẳng ra.

Bà bán hàng nào cũng càm ràm nắng nóng quá, khách hỏi mua nhiều nhưng không có cáy mà bán, chỉ có cua đồng hiếm hàng, giá đội cao chất ngất, chả giống chợ “nhà mình”. Buồn cười, theo con vào Sài Gòn lập nghiệp đã nhiều năm, mẹ tôi vẫn không bỏ cái tính cố hữu so sánh chợ Sài Gòn với chợ “nhà mình”! Mắm cáy rau lang. Ảnh: TL internet Ngậm ngùi nhớ tuổi thơ tôi ở một vùng quê Bắc Bộ in hằn hình ảnh cùng những đứa trẻ trong xóm eo thắt giỏ tre, tay lăm lăm cái cần mảnh dài lang thang ra khu bãi bồi câu cáy. Vào cỡ tháng tư, tháng năm như bây giờ, trời nắng nóng, cáy càng xuất hiện nhiều. Chúng đi tắm nắng và tìm thức ăn nhiều như kiến cỏ, chạy loăng quăng khắp bãi, ở quê tôi câu là cách bắt cáy thông dụng và cũng dễ dàng nhất. Mồi câu chỉ là thịt con nhái bén bằm ra bọc trong miếng vải mỏng nối với với cần mỏng và sợi dây dài. Rất đơn giản, chỉ cần đứng từ xa dứ dứ miếng mồi, con cáy thấy tanh sẽ dùng càng cắp chặt lấy bọc mồi, chỉ việc nhấc lên gỡ chúng đặt vào giỏ là câu qua con khác. Cáy khi đó rất nhiều, đàn ông trai tráng chịu nắng giỏi một ngày câu được vài giỏ nặng, trẻ em phụ nữ thì chịu khó một lúc cũng có lưng giỏ đem về cải thiện cho bữa ăn gia đình. Ông nội tôi hay dặn: “Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy, ăn cơm cáy thì ngáy o o”, hàm ý khuyên chúng tôi đừng quá bon chen với người đời, hãy biết an phận vừa lòng với hoàn cảnh, miễn sao lương tâm mình thanh thản là tốt rồi. Con cáy xuất hiện nhiều vào tháng Năm. Ảnh: internet Quả thật từ khi tôi còn nhỏ xíu, mắm cáy đã là món đặc sản, tới nỗi những người làng lập nghiệp nơi phố thị mỗi khi có dịp về thăm quê không bao giờ quên đem theo vài ba chai mắm cáy về phố thị ăn dần. Sống ở Sài Gòn, lâu lâu gặp ngoài chợ có bán cáy, mẹ tôi vẫn tìm mua và hì hục tự làm mắm. Mắm cáy làm không khó, cáy làm sạch giã nhuyễn rồi trộn với muối với tỷ lệ 1 ký cáy trộn 3 lạng muối trắng, bỏ vào lu đậy kín, để nơi thoáng mát trong vòng từ 2 tới 4 tuần. Rang gạo giã thính bỏ vào, để tiện dụng, thính có thể mua ở các cửa hàng làm nem chạo tại các chợ. Muốn mắm cáy thơm hơn, có thể bỏ vào chút men rượu ngon. Lúc này có thể phơi hũ mắm ngoài trời để ngày nắng đêm sương mắm nhanh “ngấu”, thậm chí có nhà còn hạ thổ cho mắm ngon hơn. Mắm cáy khi đã “ngấu” chỉ cần thêm chút tỏi, ớt, vắt chút chanh vào, mắm ngon sẽ sủi bọt lên, lúc này thì có thêm ít cọng khoai lang, rau muống, rau dền hay đọt bí… luộc lên chấm kèm thì ngon tuyệt. Lâu lâu, pha một chén mắm lớn rồi ăn kèm với chút bún tươi rau sống đổi bữa; nhắc thôi nước miếng đã tứa đầy miệng. Cứ ngỡ ngày xưa thiếu thốn nên thấy mắm cáy mới ngon, giờ chợt nhận ra khi càng đủ đầy, càng thấy trân trọng hơn cái vị rặt dân dã của nó sao quyến rũ lạ. Món mắm làm từ những con cáy nhỏ chợt khiến lòng rưng rưng khi nó gợi nhớ da diết một chút quê hương và tuổi thơ yêu dấu. Bạn đọc có bài viết, cảm nhận về các món ăn, chuyến du lịch thú vị, ghi nhận về cuộc sống... mời gửi về địa chỉ online@sgtt.com.vn. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút.

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/ban-doc/123039/con-cay-tuoi-tho-toi.html