Coi trọng công tác hòa giải ở cơ sở

ND- Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần giữ ổn định trật tự xã hội. Nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa hàng xóm, láng giềng, giữa những người thân trong gia đình, dòng họ nhờ được kịp thời can thiệp, dàn xếp của những cán bộ hòa giải mà giải tỏa được những bức xúc, giữ được "tình làng, nghĩa xóm" và sự bình yên trong mỗi mái ấm gia đình.

Kinh nghiệm cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Ngược lại, ở những nơi còn coi nhẹ công tác hòa giải, tình hình mâu thuẫn, tranh chấp có chiều hướng tăng, dẫn đến mất trật tự, trị an xã hội. Thông thường, những mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống, lúc đầu đơn giản, nhưng do không được quan tâm giải quyết kịp thời cho nên đã nhanh chóng trở thành phức tạp, thậm chí là nguyên nhân xuất hiện những "điểm nóng" về khiếu kiện. Vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở quan trọng như vậy, song cơ chế, chính sách đối với những cán bộ làm công tác hòa giải còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, cho nên không có nhiều thời gian dành cho việc tiếp cận đối tượng để hòa giải. Cán bộ làm công tác hòa giải thường xuyên phải làm việc vào ngày nghỉ hoặc buổi tối để giảng giải, phân tích, vận động người dân chấp hành pháp luật. Có những cán bộ hòa giải ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hằng ngày phải di chuyển trên những đoạn đường khó khăn, cách trở. Vất vả là vậy, song chế độ đãi ngộ đối với những cán bộ làm công tác này ở cơ sở thường rất thấp. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hòa giải cũng chưa được quan tâm. Trong quá trình "hành nghề", phần lớn, những cán bộ làm công tác hòa giải tự vận dụng kiến thức và kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ, chứ chưa có các lớp tập huấn, bồi dưỡng một cách bài bản, chuyên nghiệp. Thiết nghĩ, khi xã hội phát triển thì các mối quan hệ, làm ăn càng trở nên đa dạng, phức tạp, dễ dẫn đến những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống thì Nhà nước nên cải tiến chế độ đãi ngộ một cách thỏa đáng đối với người làm công tác hòa giải. Cơ quan chuyên ngành quan tâm công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ hòa giải ở cơ sở, bảo đảm có đủ năng lực, phẩm chất và lòng say mê nghề nghiệp. LƯU THÙY DUNG (Tây Ninh)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=169432&sub=54&top=37